Những 'nhà sáng kiến trẻ' tài ba

Những 'nhà sáng kiến trẻ' tài ba
TP - Một người đến từ TPHCM, một người đến từ Bình Dương và một người đến từ Bắc Giang, cả ba đều là những “nhà sáng kiến trẻ” không hẹn mà gặp và kết bạn thân thiết với nhau tại Festival sáng tạo trẻ 2007 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi khổ của những nạn nhân dioxin Việt Nam, khi biết tin vụ kiện của hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với các công ty hóa chất Hoa Kỳ bị bác bỏ, ba sinh viên năm thứ tư khoa Luật quốc tế - ĐH Luật TPHCM đã tìm hiểu nguyên nhân của việc thất bại và nghiên cứu đề tài được đánh giá là rất dũng cảm: “Trách nhiệm pháp lý của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng chất độc đioxin tại Việt Nam”.

Đây là đề tài đầu tiên và duy nhất được nghiên cứu về vấn đề này. Trước đó, các đề tài nghiên cứu về chất độc dioxin mới chỉ ở góc độ y học, môi trường mà chưa có đề tài về mặt pháp lý, đó cũng là lý do nhóm tác giả quyết tâm làm.

“Các bạn đã rất dũng cảm khi nghiên cứu vấn đề này”. Cả nhóm đều rất vui khi được nghe lời nhận xét của một thành viên hội đồng khoa học. Đề tài đã đưa ra được các văn bản luật, các quy định của luật quốc tế, quy định về chiến tranh, về việc sử dụng chất hóa học trong chiến tranh.

“Nghiên cứu trách nhiệm pháp lý của một quốc gia với một quốc gia là một đề tài lớn, nên khi thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã gặp rất nhiều khó khăn. Tài liệu để nghiên cứu lại rất ít, đa số các tài liệu là tiếng Anh” - Ngọc Thanh cho biết.

Tại Festival sáng tạo trẻ do T.Ư Đoàn tổ chức cuối tháng 11/2007, Ngọc Thanh là một đại diện cho 90 gương mặt xuất sắc giao lưu cùng khán giả cả nước.

Trước câu hỏi “Đề tài của bạn giúp ích gì cho vụ kiện này?”, Thanh chia sẻ: “Mình không thể cân đo đong đếm được là sẽ giúp ích một cách chính xác như thế nào, nhưng đề tài góp thêm sức mạnh, tìm sự đồng thuận với dư luận của thế giới đồng thời khẳng định tư tưởng của tuổi trẻ: Dám nghĩ dám làm dám tìm đến sự thật”.

Những lý lẽ thuyết phục của Thanh đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả cả nước. Công trình khoa học có ý nghĩa xã hội đặc biệt và được mọi người đồng tình ủng hộ, đồng thời góp một hồi chuông cảnh tỉnh tới những người có trách nhiệm hãy “dũng cảm” thực hiện trách nhiệm của mình.

Hiện tại cả nhóm đều có nguyện vọng được có thêm tài liệu để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và có thể xuất bản thành sách.

Những 'nhà sáng kiến trẻ' tài ba ảnh 1
Em Nguyễn Thuận Quới

“Nhà khoa học” 9 tuổi

Đạt danh hiệu tác giả trẻ tuổi nhất tại Festival sáng tạo trẻ 2007, Nguyễn Thuận Quới - học sinh lớp 4C trường tiểu học Năng khiếu Phan Chu Trinh (Bình Dương) - đã gây sự chú ý đặc biệt cho tất cả những người có mặt tại buổi lễ tuyên dương 90 gương mặt tiêu biểu của Festival sáng tạo trẻ 2007.

Em bé nhỏ xíu đã thành công với công trình khoa học mang tên “Mô hình trò chơi an toàn giao thông”. Công trình đã đạt giải nhì, bằng khen và Huy chương bạc của VIFOTEC.

Mô hình trò chơi của Thuận Quới có ý nghĩa đặc biệt trong việc giáo dục học sinh tiểu học về luật lệ giao thông. Mô hình là một thiết bị quay được thiết kế như vòng quay “Chiếc nón kỳ diệu” được làm bằng gỗ, bánh xe nhựa với các màu xanh đỏ bắt mắt, xung quanh vòng tròn đó là những biển báo an toàn giao thông.

“Các bạn học sinh ở trường em rất thích trò chơi này, dưới hình thức học mà chơi, chơi mà học, các bạn sẽ dễ dàng nắm bắt và thuộc được những ký hiệu biển báo đó qua nhiều lần chơi” - Thuận Quới tâm sự.

Giới thiệu về cách chơi, Thuận Quới cho biết: “Số người tham gia có từ 2 - 4 bạn, mỗi bạn chọn cho mình một kim chỉ màu khác nhau, một chiếc xe ô tô đồ chơi cùng màu tương ứng, từng bạn đặt xe ô tô của mình vào vị trí bến đỗ trên vòng tròn và bốc thăm để xác định thứ tự chơi.

Đẩy nhẹ vòng tròn bên trong theo chiều kim đồng hồ, nếu kim dừng ở màu xanh thì ô tô của bạn được đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, đến biển báo nguy hiểm thì dừng và tiếp tục quay.

Nếu ô tô chỉ kim màu vàng thì ô tô không được đi nhưng sẽ được tiếp tục quay, nếu kim chỉ màu đỏ thì phải dừng để bạn khác tiếp theo thực hiện. Cứ vậy ai về đích xuất phát ban đầu bạn đó sẽ chiến thắng”.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện, Thuận Quới cười hiền: “Khi đi đường em thấy nhiều người bị tai nạn giao thông quá, em muốn mình và các bạn hiểu rõ về luật lệ giao thông. Và em nghĩ tới việc chế ra một thiết bị quay được, trong đó sẽ gắn các biển hiệu giao thông vào trò chơi. Ý tưởng này đã được mẹ em động viên rất nhiều và mẹ đã giúp tìm nguyên liệu cho em thực hiện”.

Quới đã làm xong mô hình trong vòng hai tháng khi đang là học sinh lớp 3.

Anh Nguyễn Sáu - Bố của Thuận Quới - cho biết: “So với các bạn cùng lớp, Quới bé nhỏ hơn nhiều, nhưng là “bé hạt tiêu”. Quới rất nghịch, hay tò mò khám phá máy móc, và thành thạo máy tính từ năm học lớp 2, hiện tại còn giỏi máy tính hơn cả bố. Em thường lên cơ quan bố rồi học theo cách làm của các chú kỹ sư. Thành công và giải thưởng của Quới là điều bất ngờ lớn đối với gia đình”.

Về Bình Dương, Quới thường xuyên liên lạc với tôi qua chat trên Yahoo. Em tâm sự: “Đi Hà Nội vui lắm chị, em thấy rất vinh dự và hiện em đang nung nấu một ý tưởng làm một thiết bị khác, cũng liên quan đến an toàn giao thông và trong thời gian ngắn tới đây em sẽ tiến hành thực hiện nó”.

Mô hình trò chơi an toàn giao thông của Quới là một trong 13 công trình khoa học được tham dự Triển lãm quốc tế về sáng tạo trẻ tại Indonesia 2007.

Những 'nhà sáng kiến trẻ' tài ba ảnh 2
Nguyễn Ngọc Châm

Thực hành hóa học bằng robot, tại sao không?

Khi chứng kiến cảnh các bạn làm thí nghiệm hóa học, tiếp xúc với các axit nguy hiểm, không cẩn thận dễ bị đổ vào tay, Nguyễn Ngọc Châm đã nghĩ tới việc làm một robot thực hành hóa học.

Ý tưởng ấy đã thôi thúc cậu học sinh lớp 11 trường THPT Lạng Giang (Bắc Giang) nghiên cứu và làm một robot có chức năng tiến hành các phản ứng hoá học.

Từ kinh nghiệm của năm học lớp 10, thành công với Robot đồ chơi Jupiter đạt giải Ba VIFOTEC, Ngọc Châm bắt đầu tiến hành thiết kế. Ý tưởng được các thầy cô trong trường tạo điều kiện bằng cách cho mượn phòng thí nghiệm.

Khó khăn về linh kiện, tiền không có, Châm tận dụng những linh kiện từ các đầu thu băng cũ, mượn xưởng mộc của nhà hàng xóm để khoan khoan, đục đục.

“Buổi tối, không mượn phòng thí nghiệm hay xưởng mộc được, em làm ở nhà. Sợ bố mẹ không ngủ được vì tiếng ồn từ máy khoan, em phải chui vào nhà tắm đóng cửa lại và hì hụi làm đến 3 - 4 giờ sáng. Có những hôm mải làm, em quên cả ăn, cô hiệu trưởng đã nấu mì mang tới cho em, đó cũng là sự động viên lớn giúp em hoàn thiện robot này” - Châm kể về những kỷ niệm khi làm robot.

Robot của Châm là một hộp kính trong như phòng thí nghiệm thu nhỏ, có một bàn xoay nơi cửa ra vào của hộp kính để đưa các lọ hóa chất vào “phòng thí nghiệm”.

Cánh tay robot có chức năng lấy các hóa chất rắn trong lọ, tay máy di chuyển 6 chiều khác nhau đến vị trí bất kỳ trong lồng kính, hệ thống hút, đẩy bằng xi lanh được điều khiển để hòa trộn các dung dịch.

Cánh tay máy còn gắn hệ thống đánh lửa để châm đèn cồn khi cần đun các dung dịch hoặc đốt các hóa chất. Bệ xoay ly tâm trong lồng kính dùng để trộn đều hỗn hợp các dung dịch.

Sản phẩm được Châm hoàn thiện trong vòng hai tháng hè năm lớp 11 chuẩn bị lên lớp 12 với chi phí chỉ 200 nghìn đồng. “Các bạn ở trường THPT Lạng Giang đã được thực hành hóa học bằng robot này và tỏ ra rất hào hứng, thích thú. Các bạn đã làm thí nghiệm thả Natri vào nước. Nếu thực hiện thí nghiệm này trực tiếp bằng tay sẽ rất nguy hiểm” - Châm chia sẻ.

Robot thực hành hóa học của Châm có tính ứng dụng cao và rất thiết thực đối với trường học, Châm đã rinh về giải Nhất, bằng khen và Huy chương vàng của VIFOTEC.

Tháng 2/2006, sản phẩm đã được mang đi dự triển lãm quốc tế về sáng tạo trẻ ở Ấn Độ. Chuyến đi đã cho Châm nhiều bài học lý thú đặc biệt trong việc thiết kế và làm các sản phẩm công nghệ, là một động lực để Châm theo đuổi con đường khoa học của mình.

Châm cho biết: “Hiện tại em đang học năm thứ nhất lớp Tự động hóa (khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội). Em đang học lập trình mạch vi điều khiển để có thể kết nối robot thực hành hóa học của mình với máy vi tính, điều khiển robot từ máy vi tính sẽ mang lại nhiều tiện lợi”.

Đam mê robocon, Châm ấp ủ mong muốn có một đội robocon của riêng mình trong 2 năm nữa. Việc làm trước mắt mà Châm muốn làm là đăng ký bản quyền ý tưởng và mong được hoàn thiện cũng như nhân rộng sản phẩm cùng mình, giúp ích cho các trường học trong thí nghiệm hóa học.

MỚI - NÓNG