Những nhà khoa học mang áo lính

Trung tá Lê Duy Tuấn đang kiểm tra, hiệu chỉnh kính ngắm “2 trong 1” của súng chống tăng B41. Ảnh: PV
Trung tá Lê Duy Tuấn đang kiểm tra, hiệu chỉnh kính ngắm “2 trong 1” của súng chống tăng B41. Ảnh: PV
TP - Đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu hiện đại hoá Quân đội, với những đề tài tầm quốc gia và Bộ Quốc phòng, hai giảng viên áo lính ở Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) là trung tá, Phó Giáo sư Hoàng Văn Phúc  và trung tá, Tiến sĩ Lê Duy Tuấn đã và đang đại diện cho một thế hệ trẻ tài năng đặc biệt trong lĩnh vực khoa học quân sự.

“Bác sĩ giải phẫu” khí tài quang học

Nhắc đến trung tá Lê Duy Tuấn (SN 1978) - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khí tài quang học, Khoa Vũ khí, là nói tới một tài năng thiên bẩm kèm theo sự miệt mài đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực khí tài quang học. Với tài năng đó, anh đã khiến nhiều chuyên gia quân sự nể phục qua những sáng chế đặc biệt của mình. 

Những nhà khoa học mang áo lính ảnh 1 Trung tá Hoàng Văn Phúc thảo luận với học viên trong một buổi thực hành. Ảnh: PV

“Mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi là xây dựng thành nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc gia và hướng tới các chuẩn mực nghiên cứu quốc tế, hợp tác mạnh mẽ hơn với các nhóm trên thế giới và khai thác tốt các Quỹ nghiên cứu quốc tế”.

Trung tá, Phó Giáo sư HOÀNG VĂN PHÚC

Đầu tiên, phải kể đến sản phẩm kính ngắm lai ghép ngày/đêm dùng cho súng chống tăng B41. Đây là loại kính ngắm “2 trong 1” đầu tiên được thiết kế, chế tạo tại Việt Nam và là đề tài quan trọng cấp Bộ Quốc phòng do trung tá Tuấn làm chủ nhiệm đề tài từ năm 2014. Sản phẩm này nhiều nước đã sản xuất và đưa vào trang bị, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu thành công.

Trung tá Tuấn cho biết, để có thể ngắm bắn được cả ngày và đêm, mỗi loại súng cần trang bị 2 loại kính ngắm chuyên biệt. Chính điều này sẽ gây ra nhiều bất tiện như khiến cho số lượng trang bị theo người lính tăng lên, khối lượng mang vác nặng hơn, đặc biệt là khi chiến đấu ban đêm xuất hiện tình huống địch thả pháo sáng hoặc chiếu đèn pha sẽ thì kính ngắm ban đêm theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng yếu sẽ không thể chiến đấu được, quá trình tháo lắp kính dùng cho ngày hoặc đêm sẽ làm giảm độ tin cậy của cơ cấu gá lắp, gây sai lệch trục ngắm...

Từ những hạn chế này, anh cùng các cộng sự quyết tâm tìm giải pháp kết hợp cả hai loại kính làm một (lai ghép ngày/đêm). Sau gần 3 năm “vật lộn”, thành quả của trung tá Tuấn và đồng đội được ghi nhận bằng Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ quốc gia VIFOTEC vì có nhiều điểm mới và sáng tạo, điểm đặc biệt nhất là nó không đỏi hỏi các cơ cấu cao nên rất phù hợp với công nghệ gia công trong nước. Trước khi thực hiện thành công đề tài này, nhóm nghiên cứu của trung tá Tuấn đã tiên phong, nghiên cứu thành công kính ngắm cho súng tiểu liên AK và thiết bị hiệu chỉnh cho pháo mặt đất.

“Thương hiệu” Lê Duy Tuấn còn được khẳng định với kính ngắm DNS-PT76 dùng cho xe tăng PT76 trong mục đích phục vụ phòng thủ biển đảo. Do tính cấp thiết của nhiệm vụ, anh cùng đồng nghiệp trong bộ môn tập trung nghiên cứu thiết kế và chế tạo chỉ trong thời gian 6 tháng. Trải qua nhiều đợt thử nghiệm bắn đạn thật trên đất liền và trên biển, sản phẩm đã chứng minh được tính ưu việt cùng độ tin cậy đáng kinh ngạc trong cả trạng thái cố định và khi hành tiến.

“Điểm khó khăn nhất trong sản phẩm này là ống kính nhìn đêm, để đảm bảo cự ly quan sát xa tới hơn một cây số, ống kính phải có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước thông thường mà các đơn vị thuộc ngành quân giới đang gia công. Nếu kết hợp với nhà máy để nghiên cứu sẽ mất rất nhiều thời gian, vì vậy chúng tôi hạ quyết tâm tự chế tạo ngay tại cơ sở kỹ thuật bộ môn. Với yêu cầu kỹ thuật rất cao của các chi tiết quang học, chúng tôi phải liên tục đo kiểm và chỉnh sửa chế độ công nghệ cho đến khi khống chế được sai số gia công”, trung tá Tuấn nói.

Thành công nối tiếp thành công, “bác sĩ” Tuấn cũng “giải phẫu” gọn gàng kính quan sát ảnh nhiệt do Israel chế tạo được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển. Anh chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ này, áp lực với tôi rất lớn. Đây là loại khí tài quang điện tử rất hiện đại, đắt tiền (6 tỷ đồng một bộ), chứa nhiều công nghệ cao mà trong nước chưa có chuyên gia nào giải mã được. Trước đây khi sửa chữa phải gửi ra nước ngoài, rất tốn kém và mất thời gian, ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Rất may mắn là từ lúc bắt đầu nghiên cứu đến nay, tôi đã sửa chữa và bảo dưỡng cho toàn bộ số thiết bị này mà chưa làm hỏng cái nào”.

Kết nối tri thức nhân loại

Tháng 3/2019, tại Học viện KTQS, diễn ra một sự kiện quan trọng là Hội thảo quốc tế về Điện tử viễn thông (IEEE SigTelCom 2019) với sự tham gia của khoảng 80 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Singapore… do trung tá, Phó Giáo sư Hoàng Văn Phúc (SN 1982), Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Xung số - Vi xử lý, Khoa Vô tuyến Điện tử lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò chủ trì tổ chức hội thảo.

Anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong khâu tổ chức là kết nối, mời các chuyên gia nổi tiếng nước ngoài đến tham dự hội thảo. Để thuyết phục họ, chúng ta phải chứng minh được ở Việt Nam cũng có những chuyên gia thực thụ, đưa ra những chủ đề mà Việt Nam đang quan tâm tìm hiểu như bảo mật thông tin hay mạng viễn thông 5G… “Thành công lớn nhất của hội thảo là giúp chúng ta tiếp cận được những hướng nghiên cứu, kết quả mới của thế giới, đồng thời kết nối được những chuyên gia, giữa chuyên gia với những doanh nghiệp Việt. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định năng lực, trình độ của người Việt Nam”.

Năng lực kết nối của phó giáo sư 8X còn thể hiện trong việc chủ trì thực hiện đề tài hợp tác quốc tế với các giáo sư, chuyên gia từ Nhật Bản, Pháp, Singapore về các công nghệ mới nhất trong an toàn, bảo mật phần cứng do Quỹ FIRST tài trợ. Bên cạnh đó, anh đã tham gia 4 khóa học tại Nhật Bản, Anh và Pháp, đạt kết quả tốt. Tháng 12/2018, anh tham gia thành lập Phòng nghiên cứu Hợp tác quốc tế với Đại học Điện tử - Thông tin Tokyo (Nhật Bản).

“Lợi thế là tôi và nhiều giảng viên trong khoa đã từng tham gia học tập tại Đại học Điện tử - Thông tin Tokyo. Hơn nữa, những nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp trường Đại học Lê Quý Đôn (tên thường gọi trong hợp tác quốc tế của Học viện KTQS) hầu hết có kết quả nghiên cứu rất tốt, nên để lại ấn tượng sâu sắc, tín nhiệm cao đối với các chuyên gia Nhật Bản. Đồng thời phía Đại học Điện tử - Thông tin Tokyo cũng muốn có một đầu mối để kết nối các trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho nên họ đã chọn hợp tác với chúng tôi”, trung tá Phúc nói.

Với tài năng của mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo mật, chống gián điệp mạng..., Hoàng Văn Phúc đã công bố 9 bài báo tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus (hai nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận trên trên thế giới), 45 bài báo hội thảo chuyên ngành quốc tế, quốc gia. Một trong những đề tài mà anh tâm huyết và tâm đắc là “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mô phỏng để nâng cao chất lượng đào tạo các học phần về thiết kế điện tử số tại Học viện KTQS”.

Sau 12 tháng miệt mài, cuối năm 2018, Hoàng Văn Phúc và các cộng sự hoàn thành đề tài cấp Bộ Tổng Tham mưu này. Đề tài giúp nâng cao chất lượng đào tạo các học phần về thiết kế điện tử số tại Học viện KTQS, góp phần đào tạo kỹ sư quân sự chất lượng cao, xây dựng vào việc hiện đại hóa quân đội, nhất là các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, góp phần đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hơn thế, kết quả nghiên cứu đề tài cũng có thể áp dụng cho các học viện, nhà trường khác của quân đội và trong nước.

Nói về dự án tương lai đang ấp ủ, “người kết nối” Hoàng Văn Phúc chia sẻ: “Theo tôi, khoảng cách công nghệ giữa Việt Nam và các nước không còn quá lớn. Chúng ta có thể hoàn toàn từng bước đón đầu xu thế, tận dụng thành quả công nghệ của các nước phát triển vào tiến trình phát triển. 3 đến 4 năm tới, nhóm nghiên cứu của tôi sẽ tiếp tục hướng tới những sản phẩm bảo mật an toàn thông tin quốc phòng, an ninh và hoàn toàn làm chủ công nghệ ngày, vì đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia”. 

Phó Giáo sư Hoàng Văn Phúc và Tiến sĩ Lê Duy Tuấn đều khoác áo học viên từ chính ngôi trường mà các anh đang giảng dạy.

Giai đoạn 2014-2019, Hoàng Văn Phúc chủ trì và là thành viên chính của 2 đề tài cấp quốc gia cùng một số đề tài cấp Bộ Quốc phòng và Học viện KTQS; chủ biên và tham gia biên soạn 4 giáo trình, tài liệu đại học và sau đại học. Anh được phong phó giáo sư vào năm 2018.

Cùng thời gian này, Lê Duy Tuấn chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và Học viện; công bố 8 bài báo khoa học, chủ biên 3 đầu sách và giáo trình…

MỚI - NÓNG