Những người lưu giữ vết thời gian

Sinh viên Lương Hoài Trọng Tính (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ câu chuyện xưa với các bạn trẻ Ảnh: Uyên Phương
Sinh viên Lương Hoài Trọng Tính (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ câu chuyện xưa với các bạn trẻ Ảnh: Uyên Phương
TP - Giữa thời buổi công nghệ hiện đại, người ta dễ dàng quên đi những gì xưa cũ. Thế nhưng vẫn có một bộ phận bạn trẻ với cách làm sáng tạo đã gìn giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp lâu đời của cha ông. 

Trong không gian ấm cúng với bộ kỷ đèn, mâm quả cùng giai điệu bản nhạc Duyên kỳ ngộ, cô dâu, chú rể trong bộ áo dài truyền thống bước đến bàn nghi lễ. Một lễ cưới đậm chất Nam bộ xưa hiện ra chân thật trước mắt khán giả. Nghi lễ này cũng có phần cầu kỳ, phải đủ Tam thư - Lục lễ thì trai gái mới nên vợ thành chồng. Một lễ cưới mang phong cách truyền thống đã thực sự làm người tham gia càng hiểu hơn về các giá trị văn hóa của người Việt.

Một cái tết xưa “hồi sinh” trên chiếc phản gỗ lớn bày khay mứt, đĩa trầu têm khéo léo, quan khách vừa nhâm nhi vừa tỉ tê trò chuyện. Hai bàn thờ ngoại nghi và nội nghi được phục dựng giống như những bàn thờ gia tiên trước kia ở miền Nam. Trên đó bày biện lư hương, chân đèn, bình hoa… đều là đồ cổ. Một góc nhỏ khác, nhóm bạn nữ thích thú tìm hiểu, học làm món trang sức của phụ nữ thế kỷ trước…

Đây là hai trong nhiều chương trình do các bạn trẻ 9X tại TPHCM tái hiện. Lương Hoài Trọng Tính (25 tuổi, SV năm cuối Trường ĐH Tôn Đức Thắng),  người khởi xướng Đại Nam hội quán chia sẻ: “Các bạn trẻ đều yêu thích và muốn gìn giữ văn hóa của cha ông chứ không thờ ơ, sính ngoại. Chẳng qua các bạn còn đơn độc, chưa tìm được đúng nhu cầu của mình. Đại Nam hội quán lập ra nhằm khơi gợi, truyền lửa đến người yêu thích văn hóa truyền thống”.

Ngôi nhà thời thơ ấu - một dự án cộng đồng của Đồng Lê Quỳnh Hương (31 tuổi) không chỉ gợi nhớ những kỷ niệm thuở ấu thơ, mà còn là nơi hiếm hoi để người trẻ chiêm nghiệm, lắng lòng giữa chốn Sài thành đô hội. Trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TPHCM), ngôi nhà nhỏ quét vôi vàng có đủ thứ cũ kỹ, vốn quen thuộc với tuổi thơ thế hệ 7X. Đó là bộ bàn ghế cũ trong phòng khách, đồ để bút bằng sơn mài, ti vi cửa lùa, cửa gỗ lá xách, gạch bông thời Pháp… Mùi cà phê thoang thoảng trong không gian bếp củi bập bùng như níu chân khách chẳng muốn rời.

Nhà còn là nơi tổ chức những chuỗi chương trình Kể chuyện xưa với các chủ đề: Nói tới chiếc áo dài, Nói năng tử tế, Đờn ca hồi đó,… hay chia sẻ về trang phục truyền thống, về chữ nghĩa thơ văn, về nghệ thuật hát xướng của Việt Nam. “Nhà không phải chỉ là nơi tập hợp những món đồ cổ để người ta đến check-in rồi về. Đó còn là nơi tôi gửi gắm những trăn trở về giá trị sống thời hiện đại và tình yêu dành cho văn hóa Việt. Tôi mong mọi người đến đây đều nhớ rằng: Dù có đi đâu, nhà vẫn là nơi kỳ diệu nhất, nơi chúng ta được sống trong tình thương, sự tử tế, chan hòa nhất mà không sợ bất kỳ phán xét nào” - Quỳnh Hương trải lòng.

 

Đại Nam hội quán có 20 thành viên, mỗi người một ngành nghề nhưng đều có chung hoài bão và đam mê gìn giữ văn hóa cha ông. “Quá trình vận động của con người mỗi một quốc gia thay đổi dần dần theo thời gian, chúng ta không thể cưỡng lại được mà phải thích nghi với nó. Và cách mà chúng tôi thích nghi chính là ôn cố tri tân, tìm hiểu, học hỏi những giá trị tinh tế mà mình cảm thấy có thể gìn giữ và đưa ra quần chúng để mọi người biết thêm”, Trọng Tính, sinh viên năm cuối Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ.

MỚI - NÓNG