Những người lính chinh phục 'tử thần'

Chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 đang dò gỡ bom mìn tại Lào Cai. Ảnh: Đ.D.T
Chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 đang dò gỡ bom mìn tại Lào Cai. Ảnh: Đ.D.T
TP - Thời tiết vùng biên giới Hà Giang những ngày này oi nồng, dễ gây mệt mỏi nhưng các chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) vẫn căng mình dò gỡ “tử thần” là bom mìn, vật liệu nổ tồn sót trong chiến tranh ẩn sâu trong lòng đất và núi đá. 

Từ dãy nhà bạt - nơi ở của các chiến sĩ Đội rà phá vật cản số 2 (Lữ đoàn 543), thượng úy Hoàng Thành Vinh - Đội trưởng dẫn chúng tôi đi bộ gần 4 cây số đường chủ yếu là vách đá và cây cối um tùm để đến cánh rừng thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Theo thượng úy Vinh, số lượng “tử thần” trong khu vực này rất dày đặc với nhiều mảnh vụn, chủng loại và có nhiều loại bom mìn lạ. Công việc thầm lặng của các anh thường xuyên đối mặt thời tiết khắc nghiệt, trời đang nắng rất to 37-38 độ nhưng có thể chuyển ngay sang mưa rào, rất dễ bị cảm, ốm.

Đã gần hết giờ làm việc buổi sáng nhưng binh nhất Cầm Văn Chưởng cùng một số đồng đội vẫn đang miệt mài dùng máy dò đưa đi, rà lại trên bãi đất đã được căng dây, đánh dấu. Binh nhất Chưởng chia sẻ, việc dò gỡ bom mìn phải thực hiện theo quy trình 8 bước. Khi máy báo tín hiệu có bom hoặc mìn, tùy vào từng chủng loại để xử lý và phải nhanh chóng khoanh vùng, cảnh giới. Sau đó dùng cuốc xẻng, dao sắc để đào bới hết sức nhẹ nhàng, tỷ mỉ. “Sau gần 40 năm “ngủ quên”, thời tiết, mưa bão làm cho bom mìn bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu. Khi đào bới gặp “tử thần” lộ ra thì dùng tay nhấc lên, đưa đến hố đào sẵn để tiêu hủy. Còn những loại có ngòi nổ, các chiến sĩ phải tháo ngòi nổ trước, rồi mới đưa đi xử lý”, Chưởng cho biết.

 Thượng úy Hoàng Thành Vinh chia sẻ thêm, công việc này vất vả, nguy hiểm chẳng kém thời chiến. Vì cánh lính công binh luôn phải ăn ở, làm việc ở những nơi gian khổ, chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng núi cao, địa hình hiểm trở, nơi xảy ra chiến tranh trước đây. “Giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cường độ làm việc cao, nơi ở thì tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ và thường xuyên phải xa gia đình. Nhưng bù lại, anh em đều được chính quyền và bà con địa phương nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nên dù gian khổ đến mấy chúng tôi đều gắng sức vượt qua”, anh Vinh nói.

 Nhận gian khó về mình

 Cuối tháng 7 năm nay, trong quá trình rà phá tại điểm cao 1509 thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), Tổ số 4, Đội rà phá vật cản số 1 của Tiểu đoàn 4 phát hiện ra vị trí có nhiều mìn, lựu đạn bố trí rất hiểm hóc, phức tạp. Ngay lập tức, Tiểu đội trưởng -  trung sĩ Lương Xuân Trịnh thuộc Tổ số 4 xung phong thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này thay cho đồng đội. Trung sĩ Lương Xuân Trịnh được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm, xử lý được nhiều ca khó. Tuy nhiên, tại điểm cao 1509 có những “bẫy” mìn rất hiểm hóc, quá trình tháo gỡ khiến anh bị thương ở vùng bụng, cánh tay và mặt.

 Được đồng đội đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Quân y 103, những ngày nằm trên giường bệnh, trung sĩ Trịnh dặn chỉ huy đơn vị không báo về gia đình để khỏi lo lắng và chỉ “mong sớm hồi phục để tiếp tục lên vị trí làm việc”. Câu chuyện về việc làm quả cảm của “A trưởng” Lương Xuân Trịnh đã khiến đồng đội và nhiều người dân ở Vị Xuyên xúc động, cảm phục. Anh đã được Chính ủy Quân khu 2 tặng Bằng khen đột xuất và Lữ đoàn Công binh 543 biểu dương, phát động phong trào thi đua học tập…

 Có thâm niên gần 15 năm đối mặt với “tử thần” ẩn mình dưới lòng đất ở khu vực biên giới, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Thanh Bình - Tổ trưởng Tổ số 4 hiện còn tích cực hướng dẫn, kèm cặp các chiến sĩ mới vào nghề. “Công việc này không được phép sơ sểnh hoặc sai sót, vì sẽ gây hậu quả khôn lường. Các chiến sĩ mới được đào tạo rất bài bản. Lính công binh chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với bom, mìn nên sau mỗi ngày làm việc gọi điện cho vợ con mới yên tâm, thở phào nhẹ nhõm”, đại úy Bình chia sẻ.

Lữ đoàn Công binh 543 có nhiệm vụ dò gỡ bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh và thi công các công trình quân sự trọng yếu trên địa bàn 11 tỉnh thành. Mỗi đội công tác có từ 25-30 người, tất cả chỉ ở nhà tạm bằng tranh tre, lứa lá hoặc nhà bạt. Trước khi vào thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đều được tuyển chọn kỹ về sức khỏe, tính cẩn thận; huấn luyện bổ sung về kỹ thuật, nắm chắc tính năng, cấu tạo và cách sử dụng máy dò gỡ…

MỚI - NÓNG