Những người giữ cho không khí trên máy bay 'sạch bệnh'

0:00 / 0:00
0:00
Để hành khách có nguồn không khí sạch trên máy bay, những người thợ bảo dưỡng máy lọc không khí trên tàu phải tỷ mẩn lau từng chi tiết nhỏ nhất. Trong điều kiện bình thường công việc này đã không dễ dàng, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 công việc của họ càng trở nên vất vả và nhiều nguy cơ hơn để khách hàng có nguồn khí thở sạch bệnh.

Anh Phùng Thanh Hòa – thợ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) cho biết, hệ thống lọc không khí hiệu năng cao (HEPA) trên tàu bay khác hoàn toàn hệ thống điều hoà gia đình. Anh Hoà chuyên về hệ thống lọc không khí dòng Airbus 350 - cả Việt Nam chỉ có 14 chiếc. Thợ kỹ thuật có danh sách dài 18 trang A4 về các hạng mục cần kiểm tra, bảo dưỡng giữa mỗi chuyến bay nội địa.

Công việc của anh Hoà đã làm liên tục 20 năm, nhưng năm 2020 đã trở nên khác biệt, với dịch COVID-19 bùng phát. Khi Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) sử dụng máy bay A350 để “giải cứu công dân”, anh Hoà luôn là thợ máy được điền tên vào danh sách kỹ thuật đi cùng tổ bay. Sau chuyến bay dài luôn là nửa tháng cách ly. Gần như cả năm, công việc của anh gắn với các chuyến bay giải cứu.

Có những thời điểm, anh Hòa phải tự hỏi, sao mình lại làm công việc này?

Những người giữ cho không khí trên máy bay 'sạch bệnh' ảnh 1

Bộ lọc không khí hiệu suất cao HEPA được trang bị trên máy bay A350 được thợ máy tháo ra thay mới, giúp loại bỏ 99,99% các tạp chất trong khoang khách máy bay.

Đó là ngày 29/7/2020, chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 219 người Việt hồi hương từ Guinea Xích Đạo, trong đó có 120 người dương tính với SAR-CoV-2. Thông thường, hệ thống lọc không khí máy bay chỉ bảo dưỡng, sau khoảng 6 tháng các lõi HEPA mới cần thay. Song sau chuyến hồi hương lịch sử đó, cả hệ thống lọc không khí được thay mới để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho hành khách các chuyến tiếp theo.

“Sợ” là cảm giác không tránh khỏi của người thợ máy khi làm nhiệm vụ kiểm tra chiếc tàu A350 chiều hôm đó. Anh sợ khả năng lây nhiễm, không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình, cộng đồng.

24 năm trước, anh Hòa lên chuyến bay đầu tiên trong đời. Bố anh khi ấy là một kỹ thuật viên hàng không của sân bay quân sự đặt tại Đà Nẵng, sống xa vợ con gần như nửa đời người. Khi anh 10 tuổi, sau cái gật đầu của mẹ, được đồng đội của bố dắt đi theo ra sân bay 919, huyện Gia Lâm để bay vào thăm bố.

Những người giữ cho không khí trên máy bay 'sạch bệnh' ảnh 2

Anh Phùng Thanh Hòa – thợ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) tỷ mẩn tháo từng ốc vít để bảo dưỡng hệ thống lọc không khí máy bay A350.

Phi trường khi ấy cỏ còn um tùm, lác đác mấy chiếc máy bay quân sự song cũng đủ khiến Hoà nhìn không chớp mắt. Chiếc AN26 chở khí tài chỉ có 2 hàng ghế, máy kêu đinh tai từ lúc cất đến khi hạ cánh. Dưới chân anh là những “thảm lụa” xanh mướt của đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Và bước mơ tiếp bước nghề của bố đã lớn dần trong anh Hoà từ đó. Và sau đó anh thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, cùng quyết tâm, ra trường sẽ làm kỹ thuật hàng không...

Bên chiếc máy bay A350 vừa kết thúc hành trình từ Guinea Xích Đạo về, hai nhân viên kỹ thuật trong bộ đồ bảo hộ y tế xách thùng dụng cụ lên máy bay. Trong hầm hàng rộng khoảng 60m2, họ tỷ mẩn tháo hàng chục ốc vít, tháo từng tấm panel kim loại, mùi dung dịch sát khuẩn Chloramine-B xộc lên mũi, kính bảo hộ đục mờ hơi nước. Hai đoạn ống lưới màng lọc, mỗi ống dài nửa mét được đỡ ra để thay mới.

Những ống lưới kim loại rỗng này là bộ lọc không khí hiệu suất cao HEPA (High Efficiency Particulate Air), giúp loại bỏ 99,99% các tạp chất trong khoang khách máy bay. HEPA được cấu tạo từ hàng chục lớp vi sợi, đường kính mỗi sợi chỉ 0,2 - 2 micromet, tức bằng 1/400 kích thước sợi tóc. Cứ mỗi 3 phút, HEPA giúp không khí từ ngoài vào được làm mới hoàn toàn, và gần như vô trùng, như một phòng phẫu thuật của bệnh viện. HEPA đươc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá như vũ khí mới của ngành hàng không toàn cầu trong cuộc chiến chống COVID-19. Ở Việt Nam, Vietnam Airlines là đơn vị duy nhất sở hữu những chiếc máy bay được trang bị hệ thống lọc không khí này.

Hai thợ máy phải kiểm tra hết danh mục theo 18 trang A4, chưa kiểm tra hết máy bay không được phép cất cánh.

Trong nhận thức nghề nghiệp của những nhân viên kỹ thuật, chuyến bay an toàn là khi các thiết bị vận hành trơn tru, hạ cánh cất cánh đúng giờ, và êm ái. Song công việc của hàng trăm nhân viên hàng không như anh Hoà cũng thay đổi từ khi COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Khái niệm “bay an toàn” của hàng không trở nên khắt khe hơn bao giờ hết.

Những người giữ cho không khí trên máy bay 'sạch bệnh' ảnh 3

Máy bay chỉ có thể cất cánh khi hai thợ máy hoàn thành nhiệm vụ bảo dưỡn hệ thống điều hoà sau mỗi chuyến bay.

Áp lực dành cho những người làm hàng không ngày tháng COVID-19 không chỉ là từ công việc, cả từ cộng đồng khi những ca nhiễm bệnh liên quan ngành hàng không xuất hiện. Thậm chí, người thân của người làm hàng không cũng bị hàng xóm “xa lánh”. Xếp qua tất cả, chính người thân luôn động viên họ yên tâm mà đi, sẵn sàng cách ly sau mỗi chuyến bay về.

“Mình là người đứng sau những chuyến bay. Cha mẹ, vợ con lại đứng phía sau mình, nên để nói gì, thì chỉ là biết ơn gia đình nhiều lắm”, anh Hoà tâm sự.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.