Những nghệ sĩ bị 'trời hành'

TP - Đó là câu nói vui của những nhiếp ảnh gia (NAG) tại cuộc triển lãm và trao giải cuộc thi Các loài chim nước tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, các NAG tại Việt Nam được tham dự cuộc thi mang tính chuyên sâu về loài chim nước, cuộc thi mà chỉ những người yêu thiên nhiên vô bờ bến mới có thể tham dự.

NAG Nguyễn Trường Sinh, tay máy chụp chim kỳ cựu tại Việt Nam kể, để có được một tấm ảnh chim hoang dã tại Việt Nam là điều cực kỳ là khó khăn. Trên thế giới, người ta có ý thức bảo vệ các loài chim nước từ lâu và người dân không ăn thịt các loài chim. Còn ở Việt Nam, chim hoang dã, chim nước bị săn lùng, bị bẫy để phục vụ cho thú vui của một số người dẫn tới nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng. Bởi thế để có được những tấm ảnh đẹp về chim nước như tại cuộc thi này, các NAG phải cố gắng rất nhiều.

“Năm 2004, khi tôi bắt đầu chụp chim nước thì cả Việt Nam số người chụp chim như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã có nhiều người bỏ cuộc bởi không chịu nổi những khó khăn khi đi chụp chim. Vì thế, chỉ có những NAG thực sự yêu thích về các loài chim mới dám dấn thân”, Nguyễn Trường Sinh cho biết.

Những nghệ sĩ bị 'trời hành' ảnh 1

Bức Giao lưu cò thìa Á - Âu của tác giả Lê Đức Hiền giành giải Nhất cuộc thi

Cuộc thi ảnh Các loài chim nước Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 3/4 đến 30/4 quy tụ hơn 70 NAG với hơn 200 bức ảnh được gởi tham dự. Ban tổ chức chọn 41 tấm ảnh xuất sắc nhất để triển lãm. Triển lãm ảnh cuộc thi Các loài chim nước Việt Nam được tổ chức từ ngày 27/5 kéo dài cho đến hết ngày 10/6 tại số 184, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - TPHCM. Giải Nhất được trao cho bức Giao lưu cò thìa Á - Âu của Lê Đức Hiền, 2 giải Nhì được trao cho bức Vào đời của Nguyễn Văn Thành, Sức sống của Vũ Minh Tuấn. 3 giải Ba thuộc về tác phẩm Bay về nơi xa của Đặng Ngọc Sâm Thương, Rẽ mỏ thìa của Nguyễn Mạnh Hiệp và Mòng bể của Nguyễn Quốc Toàn. BTC cũng trao giải Tấm ảnh được người xem triển lãm yêu thích cho bức Lung linh ánh sao nước của Đào Hoài Nam.

NAG Lê Huy Hoàng kể, để có được tấm ảnh chụp chim nước, cần phải hội tụ 3 điều kiện quan trọng.

Thứ nhất, phải có kinh nghiệm về bố cục, ánh sáng bởi trong điều kiện chụp thiên nhiên, không thể dàn dựng điều kiện để chụp. Thứ hai, phải có kiến thức về loài chim nước để có thể hiểu được loài chim nào thường hay đi đâu, làm gì?... để bám theo chụp.

Thứ ba, phải có sự kiên nhẫn, chịu đựng gian khó mới có thể tiếp cận được con chim.

Huy Hoàng kể: “Tôi đã từng đi theo một nhóm chụp chim tại Tràm Chim Đồng Tháp. Suốt hơn một tuần ăn bờ ngủ bụi, chịu đựng côn trùng hay cả loài bò sát quấy rối, thậm chí phải dầm mình xuống nước cả nửa ngày mà cũng không có được tấm ảnh ưng ý. Loài chim hoang dã rất cảnh giác, chỉ một tiếng động lạ cũng khiến chúng bỏ đi. Nên 41 tấm ảnh được trưng bày tại triển lãm đều xứng đáng đoạt giải bởi các NAG đã phải hy sinh rất nhiều”.

Thế nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công. Như với bức ảnh Giao lưu cò thìa Á- Âu của NAG Lê Đức Hiền giành giải Nhất của cuộc thi lần này được BTC đánh giá là bức ảnh “có một không hai” bởi tác giả đã chụp được khoảnh khắc hiếm hoi khi hai con cò thìa châu Âu và cò thìa mặt đen Đông Á gặp nhau tại vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).

Lê Đức Hiền kể ông rất may mắn chụp được tấm ảnh này vào khoảng cuối năm 2022. Thấy hai con chim há mỏ, lắc lư với nhau ông cứ nghĩ chúng đang chuẩn bị gây gổ. Nhưng sau ông mới biết đó chỉ là hành động bày tỏ sự thân tình với nhau.

Những nghệ sĩ bị 'trời hành' ảnh 2

Trưởng BTC cuộc thi Nguyễn Hoài Bảo nói về sự độc đáo của bức ảnh giành giải Nhất

Giải thích lý do trao giải cho tấm ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi, NAG Nguyễn Hoài Bảo, Trưởng BTC cuộc thi cho biết: Cò thìa châu Âu (tên khoa học Platalea leucorodia) sống chủ yếu ở châu Âu, vào mùa lạnh chúng di trú đến các nước Đông Á, nhưng ít khi có mặt tại Việt Nam. Còn cò thìa mặt đen (tên khoa học Platalea minor) sinh sống chủ yếu ở vùng đầm lầy khu vực Đồng bằng sông Hồng, do làn sóng đô thị hóa nên ngày càng ít đi. Hiện nay cò thìa mặt đen được xếp vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, ước tính chỉ còn khoảng 4.000 con.

“Vì vậy, một bức ảnh chụp được khoảnh khắc của hai con cò tưởng rằng không thể nào gặp nhau ở Vườn quốc gia Xuân Thủy là một điều vô cùng hiếm có”, ông Hoài Bảo nói.

Tại buổi khai mạc cuộc triển lãm, hàng trăm NAG quy tụ với nhau. Họ chia sẻ kinh nghiệm những chuyến đi chụp chim nước, kể về những trải nghiệm đầy khó khăn của mình. Nhưng họ cho rằng những khó khăn đó là chuyện bình thường bởi để có được những khoảnh khắc đẹp từ thiên nhiên, ai cũng phải trải qua.

Dù rằng thành quả của họ đạt được không nhằm để tìm đến những giải thưởng lớn hay sự vinh danh cao quý mà quan trọng hơn, họ khơi gợi được tình yêu thiên nhiên với loài chim, vì mục đích bảo vệ, bảo tồn của động vật hoang dã.

Theo ông Nguyễn Hào Quang, một NAG kỳ cựu trong giới chụp chim, cũng là thành viên ban tổ chức cho biết: “Thông qua cuộc thi, chúng tôi rất vui vì ngày càng có nhiều người dấn thân với công việc chụp chim. Chúng tôi đã lên kế hoạch để tiếp tục tổ chức các cuộc thi ảnh về chuyên đề chim rừng, về các loài chim hoang dã Việt Nam”.