Những ngày rực rỡ ở Pháp của Nguyễn Huy Thiệp

TP - Trở về nước sau nhiều năm ở Pháp, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê cùng PGS.TS Ngô Văn Giá, TS Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên hội ngộ tại cuộc gặp Nguyễn Huy Thiệp - những ngày ở Pháp để bàn về những đóng góp của tác giả "Tướng về hưu" trong việc quảng bá văn học và văn hóa Việt Nam tại Pháp và trong cộng đồng Pháp ngữ.

Nhiều tác phẩm được săn đón tại Pháp

Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng với các thể loại truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, phê bình văn học. Xuất hiện trên văn đàn từ năm 1986, ông có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn đặc sắc, nổi bật. Ông được coi là “hiện tượng” đặc biệt, một nhà văn tên tuổi trong nền văn học Việt Nam đương đại. Không chỉ gây xôn xao trên văn đàn trong nước, Nguyễn Huy Thiệp còn có công lớn trong việc quảng bá văn học và văn hóa Việt Nam tại Pháp và trong cộng đồng Pháp ngữ.

Những ngày rực rỡ ở Pháp của Nguyễn Huy Thiệp ảnh 1

Truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được dịch và giới thiệu tại Pháp từ sớm, chỉ 2 năm sau khi làm dậy sóng văn đàn Việt Nam

Bàn về những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và sự đón nhận các tác phẩm ấy ở Pháp, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê cùng các diễn giả tham gia buổi trò chuyện được tổ chức tại Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là không gian được nâng cấp từ ngôi nhà cũ của cố nhà văn ở Hà Nội, do hai con trai của ông hoàn thiện.

Các diễn giả cho rằng, trong văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn có số lượng tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau vào hàng bậc nhất. Các tác phẩm của ông được nhiều đơn vị phát hành săn đón, đặc biệt là tại Pháp. Truyện ngắn Tướng về hưu được dịch và giới thiệu tại quốc gia này từ sớm, chỉ 2 năm sau khi làm dậy sóng văn đàn Việt Nam.

Những ngày rực rỡ ở Pháp của Nguyễn Huy Thiệp ảnh 2

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn Việt Nam đầu tiên được nhà xuất bản Editions de l’Aube chọn để in năm 1990, tập truyện có tên chung Un Général à la retraite (Tướng về hưu). Năm 1993, Trái tim hổ có mặt tại Pháp với tên Le coeur du tigre, được tái bản năm 1995. Cùng năm đó, tác phẩm này được in ở Hà Lan với tựa Tijger hart...

Người có công đưa tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đến gần hơn với độc giả Pháp là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê. Bà nhận trách nhiệm làm đại diện cho ông về chuyện in ấn, đặc biệt là ở Pháp. Nhớ về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Thụy Khuê nhớ về một người thận trọng, rụt rè, ít nói.

Từ năm 1987, bà đã biết đến những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng đến tận năm 1993, bà mới có dịp gặp gỡ khi về nước. Cũng từ thời điểm đó, bà và Nguyễn Huy Thiệp thân quen hơn, cho đến sau này, cả hai thân đến mức không cần nói nhiều, chỉ cần qua nụ cười hay nửa câu nói cũng đủ hiểu nhau.

Thử lý giải nguyên nhân độc giả Pháp quý trọng Nguyễn Huy Thiệp, bà Thụy Khuê cho rằng, lý do lớn nhất là do những giá trị văn học mà ông mang lại. Giá trị ấy nằm ở những con chữ trong tác phẩm. Những con chữ ấy được thể hiện qua từng đối thoại trong truyện. Theo bà, độc giả quốc tế nói chung, độc giả Pháp nói riêng thích Nguyễn Huy Thiệp bởi văn chương của ông có tính nhân loại.

“Nguyễn Huy Thiệp viết về xã hội Việt Nam thời ông sống một cách rất sâu sắc, nhưng nó cũng là bi kịch của con người nói chung. Mỗi chỗ ông châm ngòi bút vào đều đau, đều ghê gớm, đều đáng cho mình đọc. Với một số chữ cực tiểu ông làm được một điều cực đại”, nhà phê bình Thụy Khuê nói.

Nhà văn lớn

Bà Thụy Khuê cho biết đã đọc khá nhiều nhưng chưa từng thấy tác giả nào có thể mô tả sự tan nát của một gia đình, sự tan nát của một xã hội lại sâu sắc mà chỉ bằng một số chữ ngắn ngủi như Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi nhân vật trong Không có vua là một vũ trụ riêng, nhưng ông có thể tóm gọn nhiều vũ trụ ấy chỉ trong vài trang giấy.

PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp là một “nhà văn lớn”. Trước đây, nhiều người dè dặt, chưa dám gọi như vậy, nhưng ông tự tin vào định danh “Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn lớn của đất nước”, là một nhà văn có khả năng đục thủng các biên giới địa lý và văn hóa để đi vào quốc tế. PGS.TS Ngô Văn Giá nhấn mạnh, không phải vô cớ mà cộng đồng Pháp, Anh và một số ngôn ngữ khác dịch rất nhiều về Nguyễn Huy Thiệp.

Đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp đã khó, dịch được văn của ông sang tiếng nước ngoài càng không dễ. "Văn Nguyễn Huy Thiệp ghềnh thác, khó khăn và khúc mắc, luôn có những ẩn dụ giấu bên trong. Trong văn ông có bao nhiêu ẩn dụ nói về huyền thoại, lịch sử Việt Nam, có những từ lóng, từ diễn tả khá tục ông sử dụng mà mình phải chú thích người Pháp mới hiểu được", nhà phê bình Thụy Khuê nói.

Mỗi lần sang Pháp, Nguyễn Huy Thiệp đều được săn đón, từ báo chí đến các cây bút muốn được cùng ông trò chuyện. Những cuộc trò chuyện cho thấy họ kính trọng Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn lớn của nhân loại. “Cách Nguyễn Huy Thiệp trả lời báo chí thông minh lạ lùng. Đây là điều mà tôi không thể hiểu nổi. Ông thể hiện tài chơi chữ cả khi viết và nói. Khi trả lời báo chí, ông nói đa nghĩa nhiều khi khiến người dịch như tôi không biết phải dịch thế nào mới đúng hết ý của ông”, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê kể.

Trong lần trở lại Việt Nam này, nhà nghiên cứu Thụy Khuê tặng lại cho Không gian lưu niệm Nguyễn Huy Thiệp nhiều tư liệu, kỷ vật quý về cố nhà văn được bà lưu giữ cẩn thận. Đó là một trong những chiếc đĩa có chân dung bà được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ tặng và đề bút nhắn gửi, những bức ảnh chung khi hai người lần đầu gặp mặt năm 1993, các bức ảnh của cố nhà văn trong các chuyến đi Pháp năm 2000, 2002... Bà Thụy Khuê còn giới thiệu hàng loạt bức thư bà và Nguyễn Huy Thiệp trao đổi từ 1990-2012, một số cuốn sách bỏ túi in tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch sang tiếng Pháp.