> Kiều nữ nào khiến đàn ông Trung Quốc chao đảo?
> Kiều nữ Cbiz đua nhau gợi cảm trên thảm đỏ
Tiểu Long Nữ là một trong những nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong các bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung. Do đó, mỗi lần Thần điêu đại hiệp được làm lại là một lần sóng gió lại nổi lên. Ai sẽ vào vai Tiểu Long Nữ? Cô ấy có có đủ đẹp hay không? Lần nào cũng vậy, phim có thể chưa khởi quay, nhưng người đảm nhận vai Tiểu Long Nữ luôn trở thành diễn viên đầu tiên “đứng mũi chịu sào” cho các sóng gió dư luận.
Hiện nay, đạo diễn Vu Chính – người được mệnh danh là “vua cải biên” các tác phẩm văn học để chuyển thể lên màn ảnh, đang bắt tay vào thực hiện bộ phim Tân Thần điêu đại hiệp. Nữ diễn viên Trần Nghiên Hy được xác nhận sẽ vào vai thiên hạ đệ nhất mỹ nhân này, và ngay lập tức, gương mặt xinh đẹp của màn ảnh xứ Đài đã trở thành tâm điển của dư luận. Nghiên Hy có hoàn thành sứ mệnh của mình hay không, có tạo nên được một Tiểu Long Nữ vừa đúng như nguyên tác, vừa khác so với những phiên bản trước hay không – tất cả những thắc mắc này chỉ được giải đáp sau khi bộ phim chính thức ra mắt.
Cùng điểm lại những thế hệ Tiểu Long Nữ từ năm 1960 đến nay, từ truyền hình đến màn ảnh rộng, thử chấm diễn xuất, tài năng và nhan sắc của các mỹ nhân này.
Lý Thông Minh ("Thần điêu đại hiệp" 1976)
Nàng Tiểu Long Nữ đầu tiên của màn ảnh nhỏ. |
Năm 1976, đài truyền hình Giai Nghệ - Hồng Kông lần đầu tiên đưa tác phẩm Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung lên màn ảnh nhỏ. Lý Thông Minh, một nữ diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ đã được lựa chọn vào vai Tiểu Long Như bên cạnh Dương Quá do nam diễn viên La Lạc Lâm thể hiện.
Đôi mắt to sắc của Lý Thông Minh được cho là hợp với vai Quách Phù hơn là Tiểu Long Nữ. |
Nhan sắc (4/10): Lý Thông Minh có biệt danh là “cô nàng mắt to”, với đôi mắt to, sáng và sắc sảo. Dù vậy, nét đẹp vốn là lợi thế này lại không hợp với Tiểu Long Nữ vốn luôn dịu dàng, đằm thắm, nhu mì. Cách đây gần 40 năm, Tiểu Long Nữ của Lý Thông Minh cũng không được mặc đồ toàn màu trắng như trong nguyên tác. Cách trang điểm, phục trang của nhân vật na ná như các nữ hiệp cổ trang thời bấy giờ, chưa toát lên nét riêng biệt của Tiểu Long Nữ.
Diễn xuất (7/10): Dù ngoại hình không “chuẩn” Tiểu Long Nữ, nhưng diễn xuất của Lý Thông Minh cũng làm hài lòng khán giả, nhất là khi vào thời điểm năm 1976, người xem không có nhiều phiên bản Tiểu Long Nữ để so sánh.
Trần Ngọc Liên ("Thần điêu đại hiệp" 1983)
Trần Ngọc Liên được coi là một trong những nàng Tiểu Long Nữ xuất sắc nhất. |
Năm 1983, đài truyền hình Hồng Kông – TVB làm phim Thần điêu đại hiệp và Trần Ngọc Liên – “trưởng môn” phái ngọc nữ của làng nghệ xứ Cảng thơm lúc bấy giờ trở thành Tiểu Long Nữ thứ 2 của màn ảnh nhỏ. Nữ diễn viên nổi tiếng này là sự lựa chọn thông minh của TVB. Cô là một trong số ít các nàng Tiểu Long Nữ nhận được sự ủng hộ của khán giả ngay từ khi mới chỉ công bố danh sách diễn viên.
Nhan sắc (8/10): Rất nhiều khán giả đến nay vẫn yêu thích nét đẹp dịu dàng, kiêu sa, thơ ngây và có chút liêu trai của nàng Tiểu Long Nữ này. Nhiều độc giả của Kim Dung cho rằng Trần Ngọc Liên rất gần với mô tả của ông về nhân vật này. Những năm 80, lối hóa trang và phục trang còn đậm, chưa đạt đến sự tự nhiên như hiện tại, nhưng phục trang màu trắng, cách làm tóc giản dị đã giúp phần nào giúp Trần Ngọc Liên trở thành một Tiểu Long Nữ thực sự trong mắt khán giả.
Diễn xuất (8/10): Nhiều khán giả nhận xét, diễn xuất của Trần Ngọc Liên trong phim không có gì để chê, nhưng Tiểu Long Nữ của cô có phần mềm yếu hơn so với nhân vật được miêu tả.
Phan Nghinh Tử ("Thần điêu đại hiệp" 1984)
Phan Nghinh Tử trong vai Tiểu Long Nữ. |
Tiểu Long Nữ của Phan Nghinh Tử giống công chúa hơn là cô gái sống ẩn dật. |
Năm 1984, một phiên bản nữa của Thần điêu đại hiệp được ra đời, với nữ chính Tiểu Long Nữ do Phan Nghinh Tử thể hiện, và Dương Quá do Mạnh Phi thể hiện.
Nhan sắc (7/10): Tại thời điểm phim ra mắt, Phan Nghinh Tử đã nổi tiếng là một mỹ nhân cổ trang với sắc đẹp quyến rũ. Tuy nhiên, nét đẹp của Phan Nghinh Tử không khiến khán giả cảm thấy đó là Tiểu Long Nữ, bởi đó là sự ngây thơ pha lẫn nét sắc sảo, tinh anh, được coi là hợp với nhân vật Hoàng Dung hơn là Tiểu Long Nữ. Thêm vào đó, phong cách Đài Loan khá sến, với mái tóc cầu kỳ, trang phục rườm rà, khiến Tiểu Long Nữ của Phan Nghinh Tử giống một nàng công chúa biết võ công hơn là một cô gái sống trong thâm sơn cùng cốc.
Diễn xuất (7/10): So với nhiều vai diễn khác của Phan Nghinh Tử như Võ Tắc Thiên hay Thái Bình công chúa, Tiểu Long Nữ không phải là vai diễn quá nổi bật, hay thậm chí còn sớm bị quên lãng khi đem so với những phiên bản khác. Nhiều khán giả nhận xét Phan Nghinh Tử khiến Tiểu Long Nữ hơi sến, nhưng xét cho cùng thì đây là phong cách thường thấy của các bộ phim Đài Loan.
Lý Nhược Đồng ("Thần điêu đại hiệp" 1995)
Lý Nhược Đồng được coi là Cô Cô gần với nguyên tác nhất. |
Năm 1995, đài truyền hình Hong Kong – TVB chính thức làm lại bộ phim Thần điêu đại hiệp. Có rất nhiều tranh luận và đề cử cho vai nữ chính. Giám chế Lý Thiêm Thắng cho biết, gần đến ngày khai máy mà vẫn chưa tìm được gương mặt ưng ý để diễn Tiểu Long Nữ. Một người bạn đã giới thiệu cho vị giám chế này Lý Nhược Đồng – lúc này đang là một người mẫu tự do. Khi đến thử vai, Lý Nhược Đồng cắt tóc ngắn, mặc quần jeans – một cô gái hiện đại 100% khiến Lý Thiêm Thắng không khỏi ái ngại. Nhưng ngay sau khi hóa trang, chưa cần thử qua diễn xuất, Lý Thiêm Thắng đã nói đây chính là Tiểu Long Nữ mà ông cần,
Nhan sắc (9/10): Lý Nhược Đồng dường như sinh ra để vào vai Tiểu Long Nữ. Nhan sắc của cô không quá rực rỡ, nhưng khi khoác lên mình bộ áo trắng tinh khôi và trang điểm theo kiểu hương xưa, cô lập tức biến thành nàng Long Nữ đằm thắm, dịu dàng, cuốn hút, trong sự mềm mại có nét cương nghị, trong sự chín chắn có nét thơ ngây. Cách làm tóc của Tiểu Long Nữ Lý Nhược Đồng đơn giản nhất trong số các Cô Cô, cách ăn vận của cô cũng vậy, nhưng chính vì thế mới là Tiểu Long Nữ - người con gái sống nơi cổ mộ. Chỉ với một màu trắng tinh khiết, Lý Nhược Đồng bừng sáng trong phim và trở thành nàng Tiểu Long Nữ lý tưởng trong mắt người hâm mộ.
Diễn xuất (8/10): Lý Nhược Đồng vào vai Tiểu Long Nữ khi kinh nghiệm diễn xuất xấp xỉ bằng con số 0. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến sự thể hiện của cô, hay thậm chí, có thể nói là một lợi thế khi Lý Nhược Đồng chỉ diễn bằng cảm xúc đơn thuần của chính cô. Tiểu Long Nữ vốn là một cô gái sống nơi cổ mộ, không hiểu thế sự, trong trắng và thuần khiết, nên kỹ thuật diễn xuất đôi khi sẽ khiến nhân vật này trở nên thiếu tự nhiên – và Lý Nhược Đồng đã hoàn thành tốt vai diễn của mình. Dù có những phân đoạn vẫn còn hơi cứng, nhưng với nét đẹp của cô, khán giả có thể bỏ qua những điểm còn yếu này.
Phạm Văn Phương ("Thần điêu đại hiệp" 1998)
Năm 1998, truyền hình Singapore cũng sản xuất bộ phim Thần điêu đại hiệp với nam nữ chính là cặp kim đồng – ngọc nữ Lý Minh Thuận và Phạm Văn Phương. Vốn là nữ diễn viên nổi tiếng nhất Singapore, nên các nhà làm phim tin tưởng khả năng diễn xuất cũng như nhan sắc của Phạm Văn Phương có thể đáp ứng được yêu cầu của khán giả.
Phạm Văn Phương không mấy thành công với vai Tiểu Long Nữ. |
Nhan sắc (6/10): Tuy nhiên, thực tế, Tiểu Long Nữ của Phạm Văn Phương khiến khán giả khá thất vọng. Sắc đẹp của nữ diễn viên này chưa đủ tầm để trở thành một mỹ nhân cổ trang như Tiểu Long Nữ. Hơn nữa, cách làm tóc cho nhân vật bị chê là khá kỳ cục, cầu kỳ mà không đẹp, khiến khán giả tưởng tượng đến nàng Bạch Xà trong phim Thanh Xà Bạch Xà hơn là mỹ nhân trong Thần điêu đại hiệp.
Diễn xuất (7/10): Diễn xuất của Phạm Văn Phương không có gì để chê, không bị đuối nhưng cũng không nổi bật. Tuy nhiên, bản Thần điêu đại hiệp của Singapore khá dài dòng, không tạo được hiệu ứng, nên vai diễn này cũng không nhận được sự đánh giá cao từ phía khán giả và nhanh chóng bị lãng quên.
Ngô Thanh Liên ("Thần điêu đại hiệp" 1998)
Ngô Thanh Liên bị coi là "thảm họa" Tiểu Long Nữ với gương mặt vô hồn và những bộ đồ màu đen. |
Nhà chế tác Dương Bộ Bội đã đưa Thần điêu đại hiệp lên màn ảnh nhỏ Đài Loan vào năm 1998, với Nhậm Hiền Tề trong vai Dương Quá và Ngô Thanh Liên đảm nhận vai Tiểu Long Nữ. Đây là tác phẩm gây nhiều tranh cãi, và có nhân vật Tiểu Long Nữ đi ngược so với nguyên tác nhất.
Nhan sắc (4/10): Ngô Thanh Liên, với cặp mắt nhỏ, gương mặt hơi nhọn… vốn đã không đủ chuẩn để trở thành mỹ nhân cổ trang như Tiểu Long Nữ. Nhưng tệ hơn là Dương Bội Bội đã cho Tiểu Long Nữ của bà mặc toàn đồ đen, đồ sẫm màu và đồ màu sắc, từ hoa đến sọc kẻ… từ đầu đến cuối phim, hoàn toàn trái ngược với miêu tả về một cô gái trong bộ đồ trắng tinh khôi trong truyện của Kim Dung. Hơn nữa, cách tết tóc cũng khiến Tiểu Long Nữ rất giống một đạo cô. Sau bộ phim này, Kim Dung từng tuyên bố sẽ không cho phép Dương Bội Bội dựng phim từ tiểu thuyết của ông nữa, bởi bà đã phá hỏng hoàn toàn hình tượng Tiểu Long Nữ do ông xây dựng. Tuy nhiên, cặp Tiểu Long Nữ - Dương Quá trong phim lại được đánh giá là xứng đôi vì… xấu đều như nhau.
Diễn xuất (6/10): Do ngoại hình quá tệ, nên dù rất cố gắng, diễn xuất của Ngô Thanh Liên trong vai diễn này cũng không gây ấn tượng với khán giả.
Lưu Diệc Phi ("Thần điêu đại hiệp" 2006)
Tiểu Long Nữ của Lưu Diệc Phi cũng vô cùng quyến rũ. |
Năm 2006, Trương Kỷ Trung chọn Lưu Diệc Phi vào vai Tiểu Long Nữ, gây ra những dư luận trái chiều. Người yêu thích mặc sức tung hô, và kẻ không ưa thì coi đây là thảm họa.
Nhan sắc (8/10): Lưu Diệc Phi vô cùng xinh đẹp, tựa như thần tiên khi hóa thân vào nhân vật Tiểu Long Nữ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó là nhan sắc thiếu đi một chút hồn của nhân vật. Hơn nữa, trang phục của Tiểu Long Nữ quá rườm rà, điệu đà, lúc nào cũng “trắng sáng như Omo” khiến đôi khi nhân vật mất đi tính giản đơn, chân thực cần có, mà giống như một tiểu thư ngây thơ sống trong gia đình quyền quý hơn.
Diễn xuất (7/10): Dù ngoại hình rất lung linh, nhưng không nhiều khán giả đánh giá cao diễn xuất của Lưu Diệc Phi trong vai Tiểu Long Nữ. Thậm chí, có người còn nhận xét, Lưu Diệc Phi đang “diễn” chứ không phải nhập tâm vào nhân vật. Hơn nữa, đạo diễn Trương Kỷ Trung đã quá lạm dụng những cảnh bay nhảy, múa lượn, khiến phim trở nên rườm rà không cần thiết, phân đoạn tình cảm của Dương Quá – Tiểu Long Nữ có thể rất bay bổng, lãng mạn, nhưng lại thiếu chiều sâu.
Bên cạnh đó, vài năm 1960, 1982 và 1984, nhân vật Tiểu Long Nữ cùng từng được đưa lên màn ảnh rộng, nhưng không diễn viên nào để tại ấn tượng trong lòng khán giả.
Tiểu Long Nữ do Nam Hồng diễn xuất, bản điện ảnh năm 1960. |
Tiểu Long Nữ do Dương Quân Quân thể hiện trong bản điện ảnh năm 1984 cũng bị coi là không đạt chuẩn. |
Tiểu Long Nữ do Ông Tinh Phâm thể hiện trong phim Dương Quá và Tiểu Long Nữ, bản điện ảnh 1984. |
Theo zing.vn