Những mảnh ghép

TP - Một nghệ sĩ cố thu mình vào những vấn đề nghệ thuật thuần tuý, quên đi những phận người nổi trôi khốn khổ mà người bạn gái đang tận tâm giúp đỡ trong vật vã và (nhiều khi) vô vọng. Một cuộc đối thoại dài qua không gian mạng đầy cách trở. Không phải vì xa cách địa lý. Đơn giản chỉ là những níu kéo vô vọng.
Những mảnh ghép ảnh 1

Truyện ngắn Nguyễn Hồng Nhung thường ẩn giấu những trăn trở về những xung đột của thời chúng ta đang sống. Truyện ngắn dưới đây cũng vậy. Nhưng nó đáng đọc không phải chỉ vì điều đó - các bài báo cũng có thể làm được điều này; nó đáng đọc vì không khí mà nó tạo ra, dưới những dòng chữ, một không khí căng thẳng đầy những chuyển động nhân sinh.

Nhà văn Nguyễn Hồng Nhung sống và làm việc ở TP Hòa Bình.

L.A.H

Những mảnh ghép ảnh 2

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.

Thiếu một giây để mỉm cười, thừa một ngày để than vãn. Em đối diện với sự trống không bên trong mình như thế nào?

À, em tận hưởng nó. Như một cánh đồng vậy đó. Nếu trống quá, em sẽ thử trồng một cái cây vào đó.

Em tự đối thoại không ngừng. Em nghĩ, đối thoại có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất đời. Em nhìn người và hỏi mình rồi chọn cách phản hồi với thế giới này. Luôn có một cánh cửa mở sẵn cho luồng gió mới, tư tưởng mới. Nhà không thông gió thì bí lắm. Con người không thể cứ cũ kỹ đi theo thời gian được. Ít nhất cũng phải làm việc gì đó hòng chống lại sự bào mòn. Và tâm hồn bằng một cách nào đó cũng sẽ biến chuyển, phát triển hoặc suy bại. Điều này thể hiện qua khí sắc, ánh mắt, thần thái. Chúng ta đã xa khác quá rồi. Lứa tuổi, lối sống và phạm vi địa lý.

...

Mỗi năm em sẽ mỗi khác.

Mỗi khoảnh khắc đời khi ánh xạ qua mắt nhìn và rung cảm của ta, nếu ta biết cảm nó... sẽ là những trải nghiệm rất đáng giá. Nghĩ lại... anh đã từng bỏ qua nhiều thứ tuyệt vời như vậy. May mắn là anh đã học được chút cách cân bằng để bước lên được những nấc thang cảm xúc đó và thành một better me (cái tôi tốt hơn qua từng ngày). Nhưng thế nào là tốt hơn? Giờ thì chính anh lại đối thoại với mình. Ví dày hơn? Công việc trôi chảy hơn? Chân dài ở cạnh nhiều hơn? Xem ra, những cái hơn ngày càng đẩy anh vào khoảng trống vô nghĩa.

Anh đã nhiều lần ra biển mùa cuối năm.

Thế à? Biển miền Trung mùa này sẽ động đến sau tháng Ba.

Năm nay anh đi qua đó hai lần, ở lại một đêm. Sáng ra lẩn quẩn bên đám dân chài gỡ lưới ngó ra hải đăng. Lưới lưa thưa cá, không vui như vẫn tưởng nhưng họ vẫn miệt mài. Đến lúc trời loà hết một nửa ngọn hải đăng và sóng miết lên sát con suối chảy song song đó thì anh rời đi....

Cảm giác gặp lại người quen cũ nhưng đoán biết sẽ là cảm xúc mới... dù nghe có vẻ khiên cưỡng, nhưng xét về khía cạnh tâm lý là một chuyện hẳn có thể xảy ra. Giá mà lúc này em ở đây!

Em cũng ra biển cuối năm với đám bạn. Đó là chuyến đi em kỳ vọng làm mới cảm xúc của mình.

Anh nhấn nút like mà không nói gì.

Sợi dây phải kéo thì mới biết nó chắc hay không.

Nếu tìm lại cảm xúc cũ thì đơn giản. Còn cảm xúc mới, anh “thực dụng” theo đúng mục tiêu của mình: sự đổi trao cần hữu ích cho cả hai, ít nhất là thời điểm nó diễn ra.

Cảm xúc cũ là điều mãi mãi nằm ở quá khứ.

Cảm xúc cũ? Với anh nó ở yên trong trí nhớ và nó nên như vậy. Cái mới phụ thuộc bộn bề vào nhiều thứ khách quan mà đến 99% nằm ngoài dự kiến. Có thể thú vị khi nó mang được mình lên một tầng nấc khác. Nhưng anh hiếm khi may mắn được như vậy. Anh quay về bởi cái thôi thúc muốn xác thực lại sau cái thoáng qua của mớ ồn ào xao xác. Anh cố gắng xây cái gì lên trên cái nền cũ đó? Mà thường anh lại lười và thiếu chủ động để lên kế hoạch xây đắp gì, dù biết rõ nền móng của nó đáp ứng được tải trọng ra sao mà không nhọc nhằn mất thời gian.

Đôi khi điều cần thiết đơn giản là một lời nói thôi.

Hôm nay đúng là một ngày cuối năm thật khác biệt. Lâu lắm rồi anh mới có một ngày cuối năm, với một người lạ, ruổi rong vài ba thứ lặt vặt trong trí nhớ, mấy vụn cảm xúc huyên náo.

Chúng ta còn chưa kịp mới đã phải ở yên một chỗ. Bực mình với mọi sự, anh cũng bẵng quên em. Ngày nhàm chán. Ánh gắt cháy và nghẹt thở. Phố thị vẩn mùi âm khí. Những dãy phòng trọ hoang lạnh. Người ta còn không tìm nổi cái ăn thì đi tìm cảm xúc để làm gì? Chúng ta đang cùng qua giấc kinh hoàng mà tiếng hờ khóc từ các dãy trọ của lao động ngoại tỉnh bám miết lấy tâm trí.

Phòng chát nhi nhít chữ.

Em đang cùng đám bạn tổ chức quyên góp để giúp đỡ người dân khu xóm trọ. Nhóm của em bị dân đuổi mắng vì một sự nhầm lẫn và dồn nén nào đó hàng tháng trời băng kín. Rồi tất cả mọi người theo nhau mà khó khăn. Em cùng đám bạn lại lên kế hoạch cho một phiên đấu giá tranh gây quỹ, thêm đồng mua rau cho dân khu xóm trọ.

Vào lúc này, có ai còn tâm trí để mua tranh? Thay vì tư vấn cho em phương thức mở rao một phiên đấu giá ở vào thời điểm mà mọi thứ đều đang bế tắc, anh lại ẩy cho em một bảng câu hỏi dành cho người cầm cọ và họa tưởng:

1. Bức họa hoàn chỉnh có nằm trong ý thức khi bắt đầu phác nét cọ đầu tiên?

2. Đôi mắt là vật chủ thể hiện tâm hồn của bức họa chân dung, nhưng ngoài ra, đôi tay trong bức chân dung có thể hiện được tâm thế nhân vật, nếu chỉ thể hiện một bàn tay mà thôi?

3. Màu sắc khi trở về đơn sắc thì lúc vẽ điều gì là mối bận tâm nhất?

4. Sự giao cảm là gì và giới hạn đến đâu khi chép lại một bức tranh?

5. Diễn tả mùi hương trong một bức họa thì như thế nào?

Còn một loạt câu hỏi nữa nhưng anh không đủ kiên nhẫn để gõ chúng ra rồi tống vào phòng chát.

Em thả mặt buồn. Phòng chát rơi vào khoảng trống không. Anh là phường vô tâm khi em đang cố gắng gom từng đồng mua cơm cho dân xóm trọ. Phố thị vẩn mùi âm khí.

Chúng ta ở trong cơn hoang tưởng.

Những đêm chẳng thể đẫy giấc.

Những câu chuyện trên-đường-đi cắm rễ.

Đêm qua hơn 10 giờ nhóm của em mới đến đưọc con hẻm số 410/52/291 chằng chịt. Mưa cả chiều. Nước không thoát được đi đâu. Khu nhà trọ tạm bợ ở quận 8 lúp xúp kênh rạch lẫn rác thải. Mọi thứ đều cũ nát, rỉ sét và ngâp ngụa mùi bùn thải. Duy nhất mới cóng là dãy hàng rào đỏ ngoét và tấm biển màu trắng chữ xanh cảnh báo ngạo nghễ ở phía đầu hẻm.

Người ta bị đóng đinh bởi những đôi mắt từ phía sau những vách tôn đó rón rén nhìn ra ngoài. Ngay sau là tiếng reo mừng của trẻ con xen lẫn cái nghẹn đến cả cổ họng của những người lớn đã hoàn toàn bất lực. Nỗi tủi thân của họ khi đó mới vỡ được thành những giọt ngắn, dài đọng trên thành má khô khốc, bợt xanh vì đã lâu thiếu ăn và lo lắng. Vừa khi nhóm chia sẻ sạch hết những gì mang theo, một nhóm loai choai từ cái ngách nào chẳng biết ùa đến, một chú nhỏ gãi đầu, ngọng nghịu cố ngăn lại sự hớt hãi lo mất phần, “Tụi con lội kênh đào ốc sên để nướng ăn xa quá, nghe báo chạy về không kịp”.

Rồi tuần trước, nhóm em sang một quận ven ở cửa ngõ phía bắc hỗ trợ cho một nhóm khác phân phát thức ăn, nước uống và chút lộ phí cho dòng người bỏ thành phố về quê. Ba ngày đứng ở chốt bằng một thiên niên kỷ. Dòng xe vật vạ loạng choạng trên quốc lộ. Từng người tấp vô rồi quay đi khi vừa nhận vội phần quà, lí nhí những câu không rõ sau lớp khẩu trang. Hai mươi năm hoặc nhiều hơn thế gắn với phố thị, họ chưa từng nghĩ về một cuộc tháo chạy.

Chúng ta còn chưa chạy đi?

Ai đó phải là người chạy đi?

Phiên đấu giá của em và các bạn đã được quy đổi ra rau, gạo, mì tôm và bỉm nữa. Giá của một bức tranh hạ thấp bằng phần ba giá thị trường. Tên tuổi của họa sĩ? Bỏ đi. Bán được nó khi còn đang sống là tuyệt rồi. Chẳng phải đã từng cần cho họa sĩ phải chết đi để bức tranh của anh ta trở nên có giá đấy thôi?

Em không thả buồn, vui hay giận dữ.

Cánh đồng của em nêm mùi nilon cháy khét.

Phố thị côi cút, hoang trống. Cái cây của em sẽ đặt ở điểm nào? Chúng ta có chạy đi?

Ngay cả cái việc nhao ra ngoài cho thoát cơn tù túng, anh cũng khước từ. Anh hoảng sợ khi đối diện với những đôi mắt đứng bất lực ở các chốt chặn. Họ cũng như chúng ta thôi. Đến và mang theo bao hy vọng. Những hy vọng hóa hình thành cơm no, thành áo mặc, thành chút tiền chắt bóp chuyển về quê. Bấy nhiêu thôi giờ cũng thành quá đỗi khó khăn. Loay hoay với câu hỏi chạy đi hay ở lại, anh ở lỳ trong bầu không khí đầy hiểm họa mà việc thở ra hay hít vào cũng còn khó khăn. Em nhao ra ngoài làm gì?

Tin nhắn cần trợ giúp từ các phòng trọ của lao động ngoại tỉnh vẫn đổ liên hồi vào nhóm. Ra khỏi nhà là chốt chặn. Nhóm của em cũng không biết di chuyển làm sao. Phố trống hoang, côi cút. Phòng chát nhi nhít chữ. Tới lượt anh không thả buồn, vui hay giận dữ. Nút like vô hồn kết thúc đoạn độc thoại.

Đối thoại là cách người ta phản hồi với thế giới. Nhưng giờ, nó đột nhiên thành khó khăn. Nhìn trân trân vào những dòng tin nhắn cần hỗ trợ. Tai quánh đặc tiếng loa. Mở miệng định hét lên nhưng âm thanh không thoát ra được. Nút like vô hồn đóng băng đường truyền. Bên tai anh vẳng tiếng chân duyệt binh. Trong một thoáng anh thấy mình đứng như chôn nơi cánh đồng nêm mùi nilon cháy khét. Ai sẽ là người chạy đi? Tiếng kêu vì đói thì dễ nghe thấy và dễ khiến người ta mủi lòng. Tiếng bế tắc trì dai, khó diễn đạt. Anh mắc virus gì?

Giá anh là một đứa trẻ?

Anh không còn là một đứa trẻ. Không có quyền thở than hay ngồi chờ ai đó đặt mình vào một nơi nào êm ái. Anh có quyền gì? Quyền đặt bom hẹn giờ cho mình nổ banh xác?

Không, không đời nào anh làm thế.

Phòng chat trống không. Em không còn thì giờ cho những than vãn nhảm nhí của một tinh thần hoang mang. Anh, gã đàn ông có tiền, có công việc, yên ổn tiếp tục tồn tại trong căn phòng xa cách và an toàn. Còn than vãn nỗi gì? Những bước chân duyệt binh thình thịch nện vang. Chúng ở dưới phố. Ở ngoài bức tường. Rồi một loáng, chúng ùa vào căn phòng xa cách và yên ổn. Chúng nện vang trong đầu.

Ở một góc thành phố khác. Những đứa trẻ nhà em ngồi bên cửa sổ. Chúng mê thích chạy theo sắc màu. Một góc phố thân quen. Một lối đi nho nhỏ. Một nhành hoa hay đơn giản chỉ là những vệt màu loang trên viên cuội chúng nhặt được trong chuyến đi chơi hè cũ. Chúng không nghe thấy tiếng duyệt binh. Chúng nghe thấy tiếng của những vì tinh tú. Những bà mẹ khi nào cũng có linh cảm tốt nhất để đặt đứa trẻ vào nơi an toàn.

Anh có đang an toàn? Anh không bận tâm nhiều đến những bức tranh phá giá để đổi lấy bỉm và sữa. Anh cũng quên bẵng đi bảng câu hỏi về họa tưởng anh ẩy cho em vào đầu đoạn hội thoại của mùa này. Anh tự loại bỏ mình trong cuộc đối thoại. Vắng thiếu một ai thì cuộc sống vẫn cứ diễn ra. Những đứa trẻ cầm chìa khóa của cánh cửa có con đường dẫn đến ngày mai. Phải có thứ gì bị loại bỏ và được làm mới?

Đóng máy. Ra ngoài ban công. Thả từ tầng trời thứ mười tám.

Đêm qua, phố thị nêm mùi nilon cháy khét.

Em trồng cây vào khoảng trống nào?