> Mùi Tiên
> Chuyến tàu vé ngắn
Tại sao xóm lại có tên là Dạt? Thực ra chẳng ai quan tâm lắm. Trừ lão Sầm “say” ra, hình như ai cũng chỉ coi xóm Dạt là chỗ ở tạm mà thôi.
Lĩnh cũng chỉ coi xóm Dạt là chỗ ở tạm.
Chuyện của Lĩnh
Lĩnh dọn nhà đến xóm Dạt. Chiếc xe xích lô chở đầy sách vở lọi cọi đi qua quán nước bà Bành “béo”. Thằng Ngàn “nghiện” cầm chén chè lên hớp cạn rồi ngáp sái quai hàm, chửi đổng: “Cái xóm Dạt này sao lại nảy nòi ra một cái thằng trí thức đểu ở đâu rạch giời rơi xuống thế này!” Lão Sầm “say” nhấc điếu thuốc lào lên rít sòng sọc, thả khói nheo nheo mắt nhìn. Cúc “cave” thì gãi gãi đùi cành cạch: “Thế cũng hay! Bọn trẻ con xóm này còn có người tử tế để làm gương chứ”.
Thằng Ngàn quay lại nhìn con Cúc lẩm bẩm chửi: “Gương với lược cái mẹ gì bọn đấy! Càng lắm chữ thì càng thối. Làm được cái đếch gì cho đời!” Con Cúc ngứa miệng: “Thế mày thì làm được cho đời?”. Thằng Ngàn lừ mắt vằn tia máu: “Mẹ mày! Thích nói đểu à? Bố mày tát cho một phát rụng răng bây giờ”. Lão Sầm với cả bà Bành phải đứng lên can hai đứa. Con Cúc hậm hụi im lặng. Nói thêm, cái thằng cục tính như chó đó nó đánh lại đánh cho, chỉ tổ thiệt thân.
Mấy tuần sau, bà Bành “béo” te tái thông báo: “Này, cái cậu Lĩnh mới chuyển đến ý! Hóa ra là nhà văn đấy!”. Chẳng mấy mà cả cái xóm Dạt đều biết Lĩnh là nhà văn. Hôm Lĩnh bước ra cái quán đấy ngồi uống nước, cũng là để ngoại giao, biết thêm người nọ người kia, Ngàn “nghiện” vỗ vai nó: “Này! Cái đám nhà văn bọn mày toàn viết về truyện trên trời, sao không viết về bọn tao đây này?”. Lĩnh ngã ngửa người: “Ô, ai bảo anh em là nhà văn?”. Bà Bành “béo” cười giả lả: “Mấy lần tôi thấy có giấy chuyển tiền bảo cậu lấy nhuận bút của báo đấy là gì?”.
Lĩnh kêu khổ thầm trong bụng! Nó chỉ là một công chức quèn, thỉnh thoảng có hứng viết vài truyện được báo đăng chứ có phải là nhà văn đâu. Nó gắng giải thích. Lão Sầm “say” ngần ngừ: “Cậu có truyện đăng trên báo thì đúng là nhà văn rồi! Mỗi tội cậu trông không râu ria như đám nhà văn thực sự”. Thằng Ngàn chen vào: “Mày việc đếch gì phải khiêm tốn. Này! Nhớ viết truyện về tao đấy nhé!”. Lĩnh cười gượng gạo. Thằng Ngàn gãi ngực sồn sột: “Mẹ! Không phải nói phét đâu. Đời tao viết đến cả mấy cuốn tiểu thuyết cũng chả hết chứ nói gì là mấy cái truyện cỏn con. Nhưng mà này, nhớ là nếu được báo đăng là phải chia đôi nhuận bút đấy nhá!”.
Thằng Ngàn
Ngàn “nghiện” mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Hắn sống lay lắt quanh khu bến xe Lương Yên. Người hắn gầy ỏm như cò hương nhưng hai mắt lúc nào cũng liến láo sắc như dao cạo. Hàng ngày hắn cứ chen vào giữa đám khách đông đúc, ai hở ra cái gì là hắn thó nhanh như chảo chớp. Bao nhiêu lần bị công an bắt nhốt “nuôi muỗi” rồi mà hắn chứng nào tật nấy.
Đợt công an làm chặt ở bến xe. Thằng Ngàn dặt dẹo về quanh mấy khu lao động. Chiều hôm đó, ăn trộm cái xe đạp thì bị người dân phát hiện. Hắn bán sống bán chết chạy thoát. Lang thang đến xóm Dạt, thấy một căn lều tạm bên sông, hắn vội chui vào lục lọi. Căn lều chỉ có độc một cái giường tồi tàn, quần áo bừa bộn đượm mùi nước hoa rẻ tiền. Góc chân giường có một bát cơm còn vung vãi tý cơm nguội. Hắn nhuồm nhoàm nhét vào mồm nhai trệu trạo.
Có tiếng xe máy chạy đến xình xịch. Rồi tiếng chân người lạo xạo. Ngàn vội lẻn ra đằng sau căn lều tìm chỗ nấp. Hé mắt nhìn vào qua lỗ gỉ của tấm tôn liếp, thằng Ngàn thấy một đôi trai gái kéo nhau vào. Đứa con gái lần công tắc bật cái đèn đỏ quạch lên rồi cởi toẹt quần áo ra nằm ệch lên trên giường dạng chân ra giục giã: “Nhanh lên! Nhanh lên nào!”. Gã trai liến láo nhìn quanh: “Giường chiếu gì mà hôi rình thế này!”. “Lằng nhằng mất thì giờ quá. “Tàu nhanh” chỉ được ba mươi phút thôi đấy”.
Gã trai chồm lên người ả gái. Cả hai cuốn lấy nhau rên ư ử. Thằng Ngàn đứng bên ngoài nhìn, nuốt nước bọt ừng ực. Bỗng gã trai tru lên như chó sói rồi đổ vật xuống. Rồi gã rút ví ra đưa tiền cho ả. Ả cầm tiền rồi thét lên giọng the thé: “Thế này là thế nào? Đã bảo là tầu nhanh hai trăm cơ mà?”. Gã trai cười khả ố: “Hai trăm là bao cả tiền phòng. Mày nhìn cái ổ lợn này mà cũng là phòng à? Tao trừ năm chục tiền phòng!”. Ả xỉa xói vào mặt hắn trai: “Mẹ mày! Mày định ăn quyt tiền của bà đấy à? Thằng mặt…”.
“Bốp!” Ả cave ăn một cái tát nổ đom đóm mắt. Ả cũng không phải loại vừa, lập tức cầm guốc phang vào mặt gã trai tóe máu. Gã trai nổi cơn điên, chồm đến vật ả cave xuống, bóp cổ khiến ả lồi cả mắt: “Mày thích chết bố mày cho mày chết!”. Ả cave cổ họng khọt khẹt ặc ặc, giẫy đạp liên hồi nhưng không thể nào thoát khỏi hai kìm tay hộ pháp của gã trai.
Bỗng “Choác!” Gã trai ôm đầu rú lên. Thằng Ngàn vác một viên đá to đứng đằng sau phang thẳng vào đầu khiến gã trai be bét máu. Gã đổ rập người xuống như cây chuối bị phạt gốc, răng nghiến chặt vào nhau sùi bọt mép, mắt trợn ngược giật giật mấy cái rồi nằm im. Thằng Ngàn và ả gái định thần lại rồi đem tấm ga giường gói xác gã trai lại đem vứt xuống sông.
Từ đó thằng Ngàn “nghiện” về ở xóm Dạt, vừa làm xe ôm, vừa làm bảo kê, vừa làm chồng của Cúc “cave”. Hai đứa có với nhau một đứa con. Chẳng biết tên thật là gì. Mọi người chỉ quen miệng gọi là con Tý.
Thằng Ngàn nhấc chén chè lên uống cạn rồi hừm hừm giọng: “Thế nào? Chuyện của tao có đăng báo được không?” Lĩnh cười: “Em cũng không biết nữa. Em chuyên viết về đề tài tình yêu”. Thằng Ngàn khạc giọng rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất: “Đ.M. Tình yêu là cái chó gì cơ chứ. Toàn là láo toét. Bọn có tý chữ chúng mày là chuyên gia ăn gian nói dối. Toàn viết về những cái đâu đâu. Chuyện của tao thực trăm phần trăm thế chẳng bằng vạn lần mấy cái thứ tình yêu vớ vẩn mày viết ý chứ?”
Lĩnh cười gượng gạo: “Vâng, em sẽ cố!”. Ngàn cười hơ hơ: “Thế chứ”. Đoạn hắn phủi đít đứng dậy hất cằm về phía bà Bành: “Thằng em này trả tiền nước của tôi, cả mấy khoản hôm trước tôi nợ bà nhá”. Rồi hắn quay về phía Ngàn: “Coi như tao trừ vào tiền nhuận bút đăng báo trước. Nhớ là đăng báo có tiền là phải chia cho tao thêm đấy nhá!”.
Sốt đất
Đận này xóm Dạt có vẻ nhộn nhịp hơn hẳn. Dân tình ở đâu đổ về đây ngồi quanh quán của bà Bành “béo” hỏi han đất cát. Nghe đồn bảo có cái dự án gì gì đó xây dựng thành phố ven sông.
Bà Bành làm một cái biển ghi: “Môi giới nhà đất” treo ở quán nước. Nhiều người đến hỏi lắm. Thỉnh thoảng bà la cà vào nhà Lĩnh: “Vợ chồng cô cậu có định bán nhà không?”; Lĩnh cười xòa: “Bán nhà cháu biết đi đâu?”. Đồng lương còm của hai vợ chồng Lĩnh gom lại cũng chẳng đủ tiền mua được chỗ khác. Bà Bành nhìn sang ngôi nhà lụp xụp bên cạnh thì thào: “Này, không biết nhà thằng Ngàn có định bán không nhỉ?” Lĩnh gục gặc đầu: “Cháu cũng không rõ lắm”. Bà Bành nói: “Bọn nó thì cần gì chỗ ở! Cứ lang thang đi đâu suốt. Con Tý cả ngày cứ luẩn quẩn loanh quanh quán nước nhà tôi. Cậu lúc nào sang hỏi thử xem. Nhà nó mà bán đi, cậu lại chẳng có hàng xóm tử tế hơn nhiều ý chứ. Cứ sang mà hỏi một câu! Hàng xóm láng giềng với nhau, mất gì đâu?”.
Chuyện lão Sầm “say”
Hồi Lĩnh mới gặp lão Sầm “say”, nó tò mò: “Cụ năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”. Lão Sầm cười móm mém: “Già lắm rồi. Chẳng nhớ được đâu”.
Nhìn mặt lão Sầm thì thấy già. Nhưng nhìn cách lão uống rượu uống nước lã, đốt thuốc lá như đốt rơm, thoăn thoắt giăng “tời” bắt cá thì có lẽ đến thanh niên cũng phải chịu thua. Kể cũng lạ. Một mình ở cái lều bốn bề trống hoác với độc một manh áo cộc mà lão vẫn sống dặt dẹo từ năm này qua năm khác, chẳng biết ốm đau là gì. Có người can, bảo lão phải bớt rượu chè thuốc lá đi, lão chỉ tặc lưỡi: “Chết là hết! Sống làm đếch gì cho khổ?”.
Trở lại cái thời “từ xưa”, lão Sầm “say” mới chỉ là anh Sầm, chưa trôi đến xóm Dạt. Hai vợ chồng Sầm sống ở ven sông phía trên khúc sông này. Vợ sắp đẻ, Sầm cố đánh cá nhiều hơn để có tiền sửa lại lớp nhà. Nhưng tiền bán cá chẳng được bao nhiêu. Thế rồi cơ hội đến.
Năm đó, trời lũ lớn. Nước từ đâu ở thượng nguồn đổ về như trút. Dòng sông đỏ nghẹt trôi bao nhiêu là gỗ. Người ta bảo đó là gỗ bọn lâm tặc chặt rừng trên thượng nguồn bị nước cuốn trôi về đây. Sầm vớt được mấy chục khúc gỗ lim đã được xẻ ra vuông vắn. Hết trận mưa, anh đem đi bán được mấy chỉ vàng. Thêm tý nữa là đủ tiền làm nhà. Sầm chỉ mong ngóng, trời mưa to trận nữa thì tốt.
Thế rồi mưa thật. Mưa to. Mưa thối đất thối cát. Dòng sông lại ứ lên, bọt nước trắng xóa gào thét ầm ào như một con thuồng luồng khổng lồ. Sầm nghe dòng nước xoáy ùng ục mà mở cờ trong bụng. Anh lập tức đội mưa ra bờ sông chờ gỗ. Nhưng lần này không chỉ có anh. Bọn thanh niên cùng xóm thấy lần trước Sầm kiếm đủ nên giờ cũng đổ ra sông. Mấy súc gỗ đẹp vuông vắn trôi về nhưng Sầm chậm chân hơn, toàn bị đám thanh niên kia tranh lấy mất. Cả buổi sáng chẳng được tý gì, Sầm nhìn mấy thằng thanh niên vần gỗ lên bờ mà hậm hực.
Xa xa phía thượng nguồn ánh lên một màu vàng. Sầm lấy tay khum khum che nước mưa rồi nheo mắt nhìn. Rồi anh quay sang hét to với đám thanh niên: “Súc gỗ kia của tao đấy nhá! Cấm thằng nào tranh!”. Súc gỗ trôi lại gần. Một màu vàng rượm lấp ló dưới làn nước tỏa bọt trắng xóa. Đúng là gỗ vàng tâm. Trúng quả rồi. Súc gỗ quý này bán đi thì được ối tiền, tha hồ làm nhà. Sầm hít một hơi rồi nhao xuống dòng nước xiết.
Bỗng trên bờ mấy đứa thanh niên hét lên: “Có người trôi sông! Có người trôi sông!”. Sầm ngoái nhìn. Đám thanh niên chỉ một cái bóng trắng chấm chới lúc nổi lúc chìm đang “giã gạo” phía xa xa. Bơi ra đấy thì súc gỗ vàng tâm này trôi mất. Sầm hét lên: “Tao lấy gỗ! Bọn mày xuống cứu người đi!”. Rồi anh vung tay như một con cá kình bơi đến lái khúc gỗ theo dòng nước vào bờ.
Kéo được khúc gỗ nặng trịch lên bờ, mắt Sầm trắng dã vì mệt. Đám thanh niên kia đã vớt được người mang lên bờ trước. Vừa thở vừa leo lên bờ, Sầm thấy đám thanh niên nhìn mình lạ lạ. Ngước lên phía mọi người đang quây tụ, anh thấy cái bóng nằm dài thượt trên nền đất như quen quen. Cái áo quen quen. Mái tóc quen quen. Anh vội chạy lại. Đúng là vợ anh rồi.
Từng xoáy nước há hoác miệng ra kêu oàng oạc. Mưa cào rát mặt khiến hai mắt Sầm đỏ ngầu. Mọi người nhìn Sầm lắc lắc đầu thì thào khe khẽ: “Thằng này không vớt vợ lại đi vớt gỗ”, “Tham thì chết con ạ”, “Cái loại chồng khốn nạn. Vợ chết đuối không vớt!”. Dòng sông vẫn gào thét. Sầm gục đầu lên cái bụng gồ cao cứng ngắc của vợ tru lên rạc giọng. Bỗng mặt đất lung lay. Nước xoáy vào doi đất lở ầm ầm. Mọi người vội chạy lùi lại. Các xác của vợ Sầm rơi tuột xuống sông. Sầm vẫn ôm xác vợ không rời. Mọi người gào gọi bảo Sầm bơi vào bờ. Anh không trả lời, buông xuôi mặc cho dòng nước cuốn đi phăng phăng.
Con nước cuốn Sầm trôi về xóm Dạt. Anh chọn một doi đất, dựng mội cái lều sống vật vờ bên dòng sông. Ngày tháng qua đi, anh Sầm trở thành lão Sầm “say”. Thỉnh thoảng ngồi chỗ quán nước bà Bành “béo”, lão Sầm mặt đỏ như gà chọi ngầy ngật hơi rượu, giọng gầm gừ: “Cái tên xóm Dạt này là do tao đặt ra chứ ai! Mẹ! Đặt tên quá chuẩn luôn. Đúng chỗ bèo dạt mây trôi nhá!”.
Cái Tý
Buổi tối, Lĩnh tha thẩn ngồi vào bàn viết. Thằng Ngàn “nghiện” nói thế mà đúng. Đọc lại cái chuyện về tình yêu mình viết bữa trước, Lĩnh thấy sao mà nó nhạt toèn toẹt, chữ nghĩa cứ bở bùng bục. Lĩnh lấy một tờ giấy trắng mới viết lên hai chữ: “Xóm Dạt”. Hay là mình lấy tên xóm là tiêu đề cho truyện mới của mình? Rồi Lĩnh hăm hở viết. Nào là chuyện về Ngàn “nghiện”, chuyện về lão Sầm “say”…
Đang viết thì có tiếng “E ò e! E ò e!” nghe như tiếng xe cấp cứu. Nhưng không phải xe cấp cứu. Đó là tiếng của cái Tý, đứa con chung của Ngàn “nghiện” và Cúc “cave”. Con bé đang ngồi bên sân nhà nó, chơi với đống búp bê đất sét. Giờ này chắc bố nó lại chở mẹ nó “đi làm” rồi. Bỗng nhiên con bé lại hét lên: “Ki ai! Chiu chiu! Đỡ chưởng của ta này” Lĩnh bịt tai, nhìn lại vào trang giấy. Chữ nghĩa bay đi đâu mất. Chỉ còn cái tên truyện “Xóm Dạt” đang ưỡn ẹo như trêu ngươi trước mắt. Lĩnh vò mạnh tờ giấy đang viết dở ném toẹt xuống đất.
Con Tý suốt ngày lủi thủi ở nhà một mình, nó nghĩ ra đủ mọi trò chơi. Nó hay ra khu bờ sông vì ở đó có nhiều đất sét. Nó lấy đất sét về nặn thành hình người rồi lấy giẻ rách về làm quần áo, lấy cỏ khô làm thắt lưng cho lũ búp bê đất sét. Rồi nó nghĩ ra đủ chuyện trên giời dưới đất. Nhẹ nhàng thì công chúa hoàng tử, lúc thì Tiêu Phong, Quách Tĩnh, chưa kể còn có cả Harry Potter và “Những nàng công chúa nổi tiếng” của phim Hàn Quốc nữa.
Có lần Lĩnh nghe thấy một đoạn “kịch bản” của con bé mà phì cười. Tiêu Phong: “Trời, ta đã vô tình dùng Hàng Long Thập Bát chưởng đánh nàng bị thương rồi” A Châu: “Em không trách chàng đâu. Chàng đừng buồn. Hức! Hức! Em chết đây! Chàng ở lại bảo trọng”. Xe cấp cứu e ò e chạy đến “Có anh em nhà bác sĩ Kim Giang Sun đến chữa bệnh đây”…
Lão Sầm “say” thấy con Tý cứ lủi tha lủi thủi, thỉnh thoảng lão cứ tạt qua cho con bé con cá, miếng bánh. Có lần gặp Lĩnh, lão than phiền: “Bố mẹ con Tý này cứ đi suốt ngày thế này, chẳng chăm lo gì, khéo con bé hỏng mất!”
Đoạn kết
Cúc “cave” bảo muốn bán nhà. Bà Bành dẫn khách đến xem. Đang xem nhà thì thằng Ngàn về. Nghe thấy hai chữ “bán nhà”, thằng Ngàn lập tức trừng mắt chửi khách té tát.
Cúc cự nự. Ngàn chạy ra ngoài vác ngay một khúc gậy đuổi đánh. Bà Bành dẫn khách chạy tán loạn. Con Cúc bị vụt sưng cả mặt, tru tréo: “Nhà của tao, tao thích thì tao bán đấy. Làm sao?”. Thằng Ngàn mắt đỏ ngầu nhổ nước bọt phì phì: “Đồ chó. Không có bố mày thì mày chả chết thối xác rồi!”. Con Cúc lăn lộn dưới đất: “Thà mày để tao chết đi còn hơn. Sống thế này mà là sống à? Chồng như mày mà là chồng à?”.
Thằng Ngàn mắt trợn ngược, lao vào trong nhà. Hắn cầm bếp dầu và can xăng vứt thẳng lên cái giường lổn nhổn quần áo. Xăng văng ra tung tóe. Xoẹt! Hắn châm lửa rồi đi ra cửa. Ngọn lửa bùng lên cháy rừng rực. Con Cúc hét lên định lao vào trong nhà dập lửa. Thằng Ngàn đạp con Cúc ngã lăn ra đất. Mọi người trong xóm Dạt ào đến. Thằng Ngàn cầm con dao rựa trợn mắt: “Nhà của tao! Tao thích thì tao đốt. Đứa nào vào dập lửa tao chém chết!”.
Bỗng bên trong nhà có tiếng khóc thét the thé. Con Tý. Con bé ngủ vùi trong góc nhà, bị kẹt lại. Cúc “cave” hét lên kinh hoàng. Thằng Ngàn rụng rời cả chân tay quỵ xuống. Ngọn lửa lan vào đám đồ gỗ cháy hừng hực nổ lép bép.
Lão Sầm vác theo một cái chăn ẩm tách đám đông chạy đến trước mặt thằng Ngàn vung tay tát một cú trời giáng: “Bốp!” Rồi lão cuốn chăn quanh người lao thẳng vào đám lửa. Mọi người nín thở. Im lặng. Bỗng: “Rầm! Rầm!” Mái nhà bị lửa cắn gẫy rời đổ rụm xuống. Cúc gào khản cả hơi.
Một bóng đen đầy khói bụi lao vọt ra khỏi cửa, lăn quỵ ra đất. Mọi người tháo tấm chăn ra. Lão Sầm đã cuốn chặt con Tý trong chăn. Cả hai bốc khói nghi ngút. Lĩnh xách vội xô nước đổ lên người hai ông cháu. Cúc “cave” vồ lấy con ôm vào lòng.
Thằng Ngàn ôm má quỳ xuống bên lão Sầm. Hắn thấy khóe mắt lão ri rỉ nước: “Mày có vợ có con mà không biết giữ. Đồ ngu!” Đoạn lão ho khạc ra mấy búng máu rồi tắt thở.
Đoạn kết thực sự
Thực ra lão Sầm không chết. Vợ chồng thằng Ngàn đưa lão về căn lều của lão, thay nhau chăm sóc. Được mấy tuần, lão hồi phục dần, lại khỏe như vâm, uống rượu như nước lã.
Thằng Ngàn đồng ý cho con Cúc bán nhà. Con Cúc lấy vốn làm một cửa hàng cắt tóc gội đầu nhỏ nhỏ. Thằng Ngàn tiếp tục làm xe ôm. Số tiền còn lại, hai đứa mang đến sửa sang lại túp lều của lão Sầm thành một ngôi nhà cấp bốn rồi về sống cùng nhau ở đó. Cái Tý gọi lão Sầm là ông. Nó thích lắm. Suốt ngày được ông ra bờ sông lấy đất sét đẹp quánh về tha hồ cho nó nặn búp bê.
Tôi mang truyện này đến cho một người bạn cùng cơ quan đọc. Bạn tôi bảo: “Truyện của mày biết kiểu gì mà cứ lắt nha lắt nhắt như manh áo vụn thế?” Tôi trả lời: “Ừ, có gì viết nấy thôi” Bạn tôi nói: “Viết truyện phải có hư cấu. Mày xưng “tôi” trong truyện, không sợ thằng Ngàn “nghiện” đọc được nó vác xăng đến đốt nhà à?”. Tôi cũng hơi run, hỏi: “Làm thế nào bây giờ?” Bạn tôi đăm chiêu: “Mày đừng để nhân vật chính là “tôi”. Đặt tên khác đi cho truyện có vẻ khách quan”.
Tôi lấy tên của chính bạn tôi đặt tên cho nhân vật của chuyện này. Chắc nó cũng không giận tôi. Gì thì gì, thằng Lĩnh cũng là người bạn cùng cơ quan đầu tiên tôi dẫn về thăm nhà tôi ở xóm Dạt.
Truyện ngắn của Hoàng Tùng
“Những mảnh đời xóm Dạt” được trình bày văn bản như một phóng sự, với các tiểu đoạn và cách mô tả thiên về báo chí. Nhưng đây lại là văn ở tầng sâu nhất - tầng có thể đánh động đến thế giới cảm xúc của người đọc bằng số phận của người khác. Gần đây, Hoàng Tùng chăm chỉ theo đuổi dòng văn học kiếm hiệp - lịch sử - một thể loại hiện không nhiều nhà văn Việt đương đại quan tâm. “Những mảnh đời xóm Dạt” có phần “lạc dòng”, nhưng nó vẫn giữ được vẻ chững chạc vốn có ở nhà văn trẻ (sinh năm 1980), hiện tại đang làm việc trong lĩnh vực Marketing này. |