76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2020):

Những lần cất cánh cứu dân, tìm đồng đội

Trực thăng của Trung đoàn 930 tiếp tế cho người dân xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) hồi tháng 10
Trực thăng của Trung đoàn 930 tiếp tế cho người dân xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) hồi tháng 10
TP - Tháng 10 và 11 năm nay, mưa lũ, sạt lở kinh hoàng ở miền Trung khiến lực lượng cứu hộ đường bộ, đường thủy không thể tiếp cận khu vực bị cô lập. Lập tức, máy bay của Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân) kịp thời cất cánh tiếp tế cho nhân dân vùng lũ, đưa người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cất cánh

Ngày 12/10, mưa tầm tã, liên tục. Thông tin lũ quét, sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 cuốn trôi, vùi lấp 17 công nhân làm nhói lòng cán bộ, chiến sĩ và người dân cả nước. 18 giờ cùng ngày, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) lệnh cho Trung đoàn 930 khẩn trương chuẩn bị phương tiện và lực lượng ứng cứu.

Ngay trong đêm 12/10, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 930 làm nhiệm vụ chỉ huy mặt đất và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật hành quân bằng đường bộ ra sân bay Phú Bài ở Thừa Thiên - Huế. Sáng hôm sau, 2 chiếc trực thăng Mi-171 cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn cấp tốc từ Đà Nẵng hạ cánh xuống Phú Bài sẵn sàng chờ lệnh. Thời tiết sáng 13/10 vẫn rất xấu, mây đen từ biển kéo vào ùn ùn, trời mưa như trút nước…

Tranh thủ, lực lượng bảo đảm kỹ thuật đội mưa làm công tác chuẩn bị; đội cứu hộ, cứu nạn hối hả đưa hàng lên máy bay; tổ bay chuẩn bị các phương án bay trên sơ đồ, bản đồ. Tất cả đã sẵn sàng, một bản tin thời sự lại thông báo 13 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 mất tích khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Không khí tại sân bay Phú Bài chùng hẳn bởi mất mát quá lớn.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, cho biết: “Đơn vị đã huấn luyện bay trong mọi điều kiện khí tượng, thời tiết. Với điều kiện như thế, chắc chắn tổ bay sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều phương án để tiếp cận tiếp tế và cứu hộ, cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3”.

9 giờ ngày 14/10, lệnh cất cánh từ Sở chỉ huy Quân chủng truyền tới Trung đoàn 930, cả sân bay như bừng tỉnh. Các lực lượng nhanh chóng tỏa ra ai vào việc nấy, thuần thục. Tổ bay gồm Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Trung - lái chính, thiếu tá Phi đội trưởng Phi đội 2 Lê Tiến Dũng - lái chính, thiếu tá Nguyễn Hữu Nam - dẫn đường trên không và thượng tá Trần Văn Hà - Chủ nhiệm dẫn đường. Tất cả hạ quyết tâm tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 3.

15 phút sau, chiếc trực thăng Mi-171 số hiệu 8432 cất cánh cùng lực lượng cứu nạn, gần 2 tấn gạo, mì tôm, lương khô, nước uống, thuốc men… hướng về thủy điện Rào Trăng 3. Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng, trực tiếp chỉ huy trên chuyến bay. Từ trên không nhìn rõ nhiều vùng của Thừa Thiên - Huế ngập chìm trong biển nước; đường giao thông bị chia cắt nhiều đoạn do sạt lở. Hướng về Rào Trăng 3, địa hình càng hiểm trở, thời tiết không thuận lợi, gió mạnh, hướng gió luôn thay đổi, mây mù dày đặc. Nhiều chỗ mây bay là là che khuất các điểm cao, khe núi.

Kịp thời tiếp tế công nhân bị cô lập, đói khát

Theo tính toán của tổ bay, khoảng cách theo đường chim bay khoảng 50km (trong điều kiện bình thường trực thăng bay hơn 10 phút). Nhưng phải mất tới 30 phút bay, các anh mới xác định đúng vị trí thủy điện Rào Trăng 3. Thử thách đến với tổ bay là phía dưới địa hình rất hiểm trở, khe núi hẹp, vách đá dựng đứng, gió quẩn mạnh, rất khó tiếp cận. Thấy những bàn tay vẫy gọi kêu cứu khẩn thiết của nhiều người phía dưới, tổ lái quyết định bằng mọi giá phải tiếp tế thành công. Với bản lĩnh và trình độ điêu luyện, tổ bay cho trực thăng giảm tốc độ, hạ thấp độ cao để lực lượng cứu hộ thả hàng tiếp tế cho số công nhân đang bị cô lập, đói khát.

Những lần cất cánh cứu dân, tìm đồng đội ảnh 1 Quân y Trung đoàn 930 thăm khám cho người bị nạn trên máy bay

“Trong quá trình giảm độ cao, chúng tôi lại phát hiện đường dây điện phía dưới. Tổ lái đã bình tĩnh chọn phương thức giảm từ từ độ cao, vận tốc, quay trái, quay phải, tiến lùi nhiều lần, chọn nơi phù hợp để khi thả hàng hạn chế hư hỏng và rơi xuống nước. Chúng tôi quyết định bay treo cố định trong một thời gian để thả hàng ở độ cao 20m. Sau khi thả xong, chúng tôi lại phải xoay 180 độ để đi ra chứ không thể đẩy đầu tiến cất cánh được vì vướng núi và dây điện”,thiếu tá Lê Tiến Dũng nhớ lại chuyến bay tiếp tế đầy thách thức.

Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Trung chia sẻ thêm: Bay treo ở độ cao thấp trên địa hình rừng núi là rất khó. Ngoài việc huấn luyện kỹ, tổ bay phải có kinh nghiệm và thật bình tĩnh mới thực hiện được. Thành công của chuyến bay này không những đã tiếp tế kịp thời cho số công nhân đang thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men mà còn khảo sát được địa hình khu vực thủy điện Rào Trăng, A Lin. Đặc biệt là khu vực mà cán bộ, chiến sĩ của ta bị vùi lấp trước đó để báo cáo Bộ Quốc phòng có phương án xử trí tiếp theo.

Ứng cứu người dân và đồng đội

Những ngày sau đó, thời tiết miền Trung ngày càng xấu. Thêm một tin dữ từ Hướng Hóa (Quảng Trị) báo về sự hy sinh của 22 quân nhân thuộc Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337, khiến những người lính bay thắt ruột. Cùng với đó, các anh nhận được thông tin người dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa bị cô lập, thiếu lương thực, thực phẩm và có người bị nạn cần được cấp cứu khẩn cấp.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Sở chỉ huy phía trước của Quân chủng PK-KQ do Thiếu tướng, Phó tư lệnh Phạm Trường Sơn chủ trì đã trực tiếp đến đơn vị bàn phương án cứu hộ, cứu nạn. Sư đoàn 372 cử một tổ chỉ huy mặt đất hành quân bằng đường bộ lên xã Hướng Việt. Nhưng thời tiết vẫn khắc nghiệt, ảnh hưởng của cơn bão số 8 cùng với gió mùa đông bắc tiếp tục gây mưa tầm tã. Chờ đợi cả tuần, trực thăng vẫn không thể cất cánh. Bà con bị cô lập đã cạn kiệt lương thực, những người bị nạn ngày càng kiệt sức. Cả đơn vị ra đường băng rồi lại quay về mà lòng như lửa đốt. Dường như ai cũng cảm thấy đang có lỗi, mắc nợ với nhân dân, đồng đội...

Phải đến ngày 23/10, 2 chuyến trực thăng Mi-171 của Trung đoàn 930 mới cất cánh được, mang gần 4 tấn lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân xã Hướng Việt. Đến Hướng Việt, các anh gặp một thử thách khác. Đó là không thể hạ cánh bởi nền đất yếu. Hai cán bộ cứu hộ, cứu nạn quyết định nhảy từ độ cao 3 mét xuống, lội bì bõm trong bùn nhão để làm hoa tiêu cho trực thăng tìm bãi đáp. Lòng vòng một hồi, chỗ nào cũng có lớp bùn nhão dày 40-50cm không đủ điều kiện để hạ cánh. Tổ bay quyết định bay treo ở độ cao cực thấp, 30-40cm để lực lượng cứu hộ đưa hàng cho dân. Do cánh quạt trực thăng tạo ra gió cấp 9, 10, bộ đội và nhân dân phải đi khom, bò sát đất mới vận chuyển hết hàng hóa tiếp tế và cáng 2 nạn nhân lên trực thăng. 

Một trong hai nạn nhân được tổ bay Mi-171 của Trung đoàn 930 đưa đi cấp cứu là đại úy Lê Văn Duy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt. Đại úy Duy là cán bộ Biên phòng tỉnh Quảng Trị được tăng cường về xã. Anh bị gãy chân trong khi đi cứu hộ người dân gặp nạn. “Tôi và đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã, cùng một số cán bộ đi cứu 7 người dân gặp nạn. Trong lúc cứu nạn, bất ngờ núi lở, anh Sinh và tôi đều bị gãy chân, còn một đồng chí công an xã hi sinh”, đại úy Duy kể.

Thực hiện 4 chuyến bay tiếp tế Phước Sơn

Đầu tháng 11, cơn bão số 9 gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. 4 chuyến trực thăng của Trung đoàn 930 mang lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bà con bị cô lập ở Phước Sơn và đưa những người bị thương, phụ nữ sắp sinh về cơ sở y tế an toàn.

Chị Đinh Thị Tươi, giáo viên trường Tiểu học xã Phước Lộ, là một trong những người được trực thăng đưa về Đà Nẵng: “Tôi có thai gần đến ngày sinh nở ở lại rất nguy hiểm vì xã không có phương tiện y tế chăm sóc. Rất may, có các anh bộ đội Không quân đến đưa hai mẹ con tôi đến nơi an toàn…”, chị nói.

MỚI - NÓNG