Các phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại VCK World Cup 2022 tại Qatar |
Bị đánh bật khỏi trung tâm
World Cup luôn là bữa tiệc bóng đá hấp dẫn với các tín đồ túc cầu giáo trên toàn thế giới, bao gồm cả cánh phóng viên thể thao. Tuy nhiên do không có ĐTQG tham dự, số lượng thẻ tác nghiệp tại các kỳ World Cup được FIFA dành cho Việt Nam khá ít. Tại World Cup 2022, ngoài Đài truyền hình Việt Nam (VTV) có bản quyền thì chỉ một số báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong và Tạp chí Bóng đá được FIFA cấp “code” đăng ký thẻ tác nghiệp.
Số lượng phóng viên Việt Nam đưa tin hiện trường ở World Cup 2022 vì vậy không nhiều, trong đó đa phần vẫn là những gương mặt gạo cội như nhà báo Trương Anh Ngọc (TTXVN), Đỗ Hùng (Thanh Niên) hay Trung Nghĩa (viết cho Tuổi Trẻ)... Tuy nhiên ngay cả với những cây viết đã từng qua nhiều kỳ World Cup như vậy, Qatar vẫn là một trải nghiệm mới lạ. Lạ bởi nền văn hóa đậm chất Hồi giáo ở quốc gia này và cả số tiền khổng lồ chủ nhà đầu tư cho World Cup. Con số lên đến khoảng 300 tỷ USD, theo các thông tin khác nhau.
Với hầu hết các phóng viên Việt Nam, ấn tượng đầu tiên khi tới Qatar là?đắt. Cái gì cũng đắt! Vấn đề căng thẳng nhất với giới hâm mộ bóng đá thế giới khi đến Qatar là nơi ăn chốn ở. Dù đã có thời gian dài chuẩn bị, Qatar vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu khách sạn, nơi nghỉ cho CĐV. Đỗ Hùng hôm qua chia sẻ đã bị “đánh bật” khỏi trung tâm Doha bởi mức giá khách sạn chát chúa: 215 triệu đồng cho 10 đêm khi vào giải và đây chỉ là? khách sạn bình dân. Với khách sạn hạng sang 4 hoặc 5 sao, tiền phòng mỗi đêm có thể lên 70 triệu-150 triệu đồng.
Cổ động viên các nước đổ bộ tới Qatar trước thềm World Cup 2022. ảnh Thuỳ Dung |
Theo Đỗ Hùng, Qatar không có nhiều loại hình lưu trú như những nước thường xuyên đón du khách quốc tế nên việc tìm nơi nghỉ khó khăn, đặc biệt với những người chưa có kế hoạch sớm. Đối tác của BTC chủ nhà xây một số khu vực như lều trại, công-ten-nơ (container) khá tốt, có đủ giường, nơi tắm rửa... nhưng mức giá thấp nhất cũng tới 84 USD/đêm còn cao lên tới 5.000-6.000 USD/đêm nếu trên du thuyền. Dù vậy, số lượng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Giá căn phòng nơi anh đặt trước đây một tháng ở trung tâm còn rẻ nhưng cận ngày đã tăng dựng đứng như trên.
Để chống chọi lại bão giá ở Qatar, cánh phóng viên Việt Nam chọn cách dễ thở hơn là thuê căn hộ. Dù đã rẻ hơn rất nhiều so với khách sạn, chi phí dành cho nhà trọ vẫn rất đắt đỏ. Trí Công (Tạp chí Bóng đá) cho biết căn hộ anh thuê ở khu Bin Mahmoud Plaza, cách ga Al Saad khoảng 1km có thể ở được 3 người, giá tiền thuê khoảng 200 triệu đồng cho 13 ngày.
Đã có nhiều kinh nghiệm, Trương Anh Ngọc và Trung Nghĩa chọn giải pháp rẻ hơn là thuê nhà của người Việt tại Qatar. Để di chuyển, cả hai thuê luôn ô tô tự lái. Trương Anh Ngọc cho biết anh đặc biệt ấn tượng với giao thông ở Qatar. “Họ lái rất nhanh, nhiều pha phải thót tim. Nhưng đường thì quá đẹp, với người thích lang thang như tôi thì không có gì để chê. Cộng đồng người Việt ở Qatar ít, nơi chúng tôi thuê trọ chủ rất quý khách. Kinh nghiệm của tôi “an cư mới lạc nghiệp”, cần chủ động nơi ăn nghỉ mới có thể thoải mái tác nghiệp”, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ.
Hành trình trải nghiệm
Tôi gọi họ là những “gã lang thang” theo đúng nghĩa của từ này, bởi hành trình di chuyển mỗi ngày, mức độ sục sạo, tìm kiếm thông tin và cả những trải nghiệm ở Qatar. Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết, mỗi ngày anh có thể lái xe hàng chục km, đi từ các sân tập, nơi đóng quân của các đội bóng đến phòng họp báo, trung tâm thông tin và những điểm văn hóa ở Qatar. Trái ngược với World Cup 2018 trên đất Nga, Trương Anh Ngọc cho biết anh chưa gặp nhiều CĐV nước ngoài ở Qatar ở thời điểm World Cup chỉ còn 3 ngày sẽ khởi tranh.
Nhà báo Trí Công chia sẻ, đây là lần đầu anh đến Qatar, nơi anh ở khá bình thường so với khu trung tâm. Do Qatar và Việt Nam chênh lệch múi giờ (4 tiếng), anh gặp vấn đề nho nhỏ trong bố trí thời gian tác nghiệp. Mỗi ngày của anh có thể bắt đầu từ 4h sáng (giờ Qatar, khoảng 8h-giờ Việt Nam), làm việc xuyên ngày cho các ấn phẩm báo giấy, điện tử. Xen kẽ thời gian làm việc là quãng đường di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau, đôi khi phải “cuốc bộ” dưới nắng nóng hàng km.
Theo nhà báo Đỗ Hùng, khác biệt của Qatar so với các nước chủ nhà World Cup khác là diện tích nhỏ nên các địa điểm thi đấu không xa nhau. “Hai sân xa nhất chỉ khoảng 80km, vì vậy mình không cần phải ở nhiều thành phố khác nhau. Đây là thuận lợi cho việc tác nghiệp bởi chỉ cần thuê ở một điểm cố định rồi hàng ngày đi tới các điểm đó. Ở Nga, Đức hay Brazil, các bảng đấu tổ chức tại nhiều thành phố, như ở Nga tôi phải bay 4-5 tiếng khi đến Kaliningrad hay Ekaterinburg còn ở đây có thể chỉ đi 1-2 tiếng. Tương tự, nơi đóng quân các đội bóng cũng gần nhau, có thể đi bộ từ đội này sang đội kia” - nhà báo Đỗ Hùng nói.