Ngoài ca khúc Lời ca dâng Bác nổi tiếng: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác/ Có mối tình nào mà thuỷ chung mà son sắt/ Như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam”, đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan còn để lại hàng trăm ca khúc ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả yêu nhạc.
Nhạc sĩ của người lính
Chân dung cố nhạc sĩ Trọng Loan. |
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Trọng Loan (16-12-1923/16-12-2023), Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức giới thiệu cuốn tổng tập Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc (NXB Quân đội nhân dân) của người nhạc sĩ khoác áo lính này.
Phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh ông xuất hiện ở đây với tư cách là con cháu, là thế hệ đi sau của người nhạc sĩ mà ông vô cùng kính trọng. Nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng nhận định: Nhạc của Trọng Loan luôn thấm đượm tình yêu thương, luôn tươi mát, hồn nhiên và không có dấu ấn vị kỷ. Tất cả mọi say mê, cống hiến của Trọng Loan đều dành cho đất nước, cho dân tộc, cho đồng đội, cho quê hương...
Từ trái qua: em gái nhạc sĩ Trọng Loan, phu nhân nhạc sĩ Trọng Bằng, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Cát Vận, TBT NXB Quân đội nhân dân Phạm Văn Trường. |
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người song hành cùng con trai nhạc sĩ Trọng Loan là PGS.TS Trọng Lưu thực hiện cuốn tổng tập cũng nhận định đây là một tác giả có đóng góp lớn cho lịch sử âm nhạc Việt Nam với rất nhiều ca khúc giá trị, có độ phổ rộng như Phải đánh lũ giặc Mỹ (1964); “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” (1964); “Người Châu Yên em bắn máy bay” (1966); “Quân reo quê mẹ, Quảng Trị anh hùng” (1967), “Lời ca dâng Bác” (1969); “Ở vùng than chúng tôi” (1974); “Nếu em đến thăm đảo” (1980); “Trăng” (1985)…
Một ca sĩ trẻ thể hiện Lời ca dâng Bác. |
Là người đã đi qua hai cuộc chiến tranh nhân dân, nhạc sĩ Trọng Loan nhìn nhận chiến tranh bằng con mắt riêng, con mắt hồn nhiên. Sự hồn nhiên ấy thể hiện ngay ở tiếng “a ha” trong ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay”. Theo ông Nguyễn Thụy Kha, trước đó chưa từng ai viết lời như thế. “Không hồn nhiên thì không thể nào vượt qua những năm tháng ấy được”, ông Kha nhấn mạnh.
Về tác phẩm này, GS.TS âm nhạc Tô Ngọc Thanh từng nhận xét: “Người Châu Yên em bắn máy bay” có tính dân tộc rất cao. Ở đây, dân ca Thái và điệu xòe vòng đã nhuyễn vào giai điệu đến mức không thể tách ra được.
Có mặt trong buổi ra mắt sách, nhạc sĩ Doãn Nho đã chuẩn bị rất cẩn thận để “nói đôi điều” về người đàn anh, thủ trưởng cũ của mình. Tác giả của ca khúc “Chiếc khăn Piêu” đánh giá rất cao thế hệ các nhạc sĩ (trong đó có Trọng Loan) không được học nhạc bài bản, họ đi lên hoàn toàn nhờ con đường tự học cho nên mỗi sáng tác đều là “xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn” và “rất nhạy cảm với cái mới”.
Người đàn em thân thiết này của nhạc sĩ Trọng Loan cũng đánh giá: hình ảnh người lính trong sáng tác của ông đều rất chân thực, đẹp và tình cảm vì bản thân Trọng Loan cũng là một anh bộ đội cụ Hồ.
Còn nhạc sĩ Cát Vận kể một kỷ niệm khó quên khi lần đầu ông nghe ca khúc Nếu em đến thăm đảo của Trọng Loan, ông đã nghĩ sao tác phẩm này “ông anh” viết nhạc đơn giản thế. Mãi về sau, Cát Vận mới hiểu, phải đơn giản, phải pop hóa, dùng khúc thức trong sáng, giản dị để cho lính đảo có thể hát được, để cho những người chưa từng học nhạc đều có thể tiếp cận được.
Chiếc đàn chôn trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn
Nhạc sĩ Trọng Loan sinh năm 1923 tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Loan. Ông bắt đầu sáng tác âm nhạc bằng một hành khúc viết về Đội Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng. Sau đó, ông hoạt động Văn nghệ ở Khu Bốn.
Trong cuộc đời khoác áo lính của mình, người chiến sĩ Trọng Loan từng trải qua quãng thời gian khó quên khi gia nhập vào Đoàn Vệ quốc quân viễn chinh vượt Thập Vạn Đại Sơn sang Trung Quốc góp phần cùng Bát lộ quân Giải phóng ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam thoát khỏi ách quân Tưởng.
Trong quãng đường trèo đèo lội suối qua mưa giông, bão lũ, cây đàn ghi ta đã đi theo Trọng Loan từ Nghệ An ra Việt Bắc, gắn bó không rời đã bị vỡ hộp, long cần, không thể dùng được nữa. Cuối cùng ông quyết định chọn một cái hốc sạch trong núi đá sau nhà dân để chôn cây đàn cho kịp hành quân. Người cùng chôn đàn với ông khi ấy là Đại đội trưởng Lê Sĩ Từ đã nói: “Tôi với ông chôn cây đàn ở lại đất Trung Hoa này. Không biết rồi ai trong chúng ta cũng bị chôn lại trên đất này”. Không lâu sau thì Đội trưởng Từ hi sinh.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể, sở dĩ ông tường tận câu chuyện Trọng Loan chôn đàn vì bố vợ ông lúc ấy cũng có mặt trong chiến dịch. Sau này được bố vợ kể lại, Nguyễn Thụy Kha đã thổn thức không thôi. Ông bảo những chi tiết điển hình như thế phải được ghi lại, trao truyền. Được biết, mới đây nhà văn Phạm Vân Anh đã đưa câu chuyện chôn đàn vào tiểu thuyết “Biên khu Việt quế” của mình, viết về chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.
Quay trở lại cuốn Tổng tập 700 trang, theo chia sẻ của PGS.TS Trọng Lưu, ông bắt tay vào biên soạn cuốn sách từ năm 2012 nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm tư liệu. Trong tay ông lúc ấy chỉ có một cuốn ghi chép mỏng do nhạc sĩ Trọng Loan để lại. Về sau, nhờ Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, ông Lưu tìm được phần lớn sáng tác của bố mình do trước đó ông có ý thức gửi nhờ Trung tâm “giữ hộ”.
Chia sẻ thêm, đại diện Trung tâm lưu trữ, bà Trần Việt Hoa (Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 3) cho biết, hiện đã có rất nhiều nhạc sĩ gửi tác phẩm và ghi chép của mình về Trung tâm lưu trữ như nhạc sĩ Trọng Bằng, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha...
Nhạc sĩ Trọng Loan (1923-2010) trưởng thành và tham gia cách mạng tại Nghệ An từ những năm 1940 của thế kỷ trước. Ông là một trong những “cánh chim đầu đàn” của đội ngũ các nhạc sĩ Quân đội với hàng trăm ca khúc, nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi. Ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1996; Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001; Huân chương Quân công hạng Nhì…