Những đứa con chung của Đoàn 337

Những đứa con chung của Đoàn 337
TP - Đội sản xuất 3 (Trung đoàn Nông lâm 52 - Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337) có 3 “chiến sĩ” nhí không quân phục, không cấp hàm, nhưng vẫn ăn cơm bộ đội, ngủ nhà bộ đội. Đó là 3 chị em mồ côi người Vân Kiều Hồ Thị Huê (18 tuổi), Hồ Văn Hưng (14 tuổi) và Hồ Văn Dưng (8 tuổi) ở xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), được các “bố” bộ đội nhận về làm “con” chung.

> Tri ân và tưởng niệm các liệt sỹ
> Toả sáng lửa tri ân

Những “ông Bụt” trẻ

Vừa tới đơn vị, thấy ba đứa ríu rít vây quanh các chiến sĩ, miệng gọi bố, xưng con, trông ấm áp như một gia đình. Trung tá Ngô Sĩ Lý, Đội trưởng đội sản xuất 3, kể: Hai năm trước, mẹ của ba chị em qua đời do sốt rét. Người bố sau đó cũng ra đi vì bệnh gan. Chúng lúc ấy bơ vơ. Anh em trong Đoàn cùng cán bộ xã liên hệ người thân để nuôi nấng, nhưng họ lắc đầu: Thôi, sợ hắn dẫn “con ma” về nhà lắm. Thế là chúng tôi làm thủ tục xin nhận về nuôi.

Ngày mới về, các anh nhường phòng ăn tập thể làm phòng ngủ cho ba chị em. Hai tủ, hai giường ngăn nắp. Cả ba đang tuổi ăn tuổi lớn, các anh xin thêm kinh phí để lo cơm nước, áo quần cho đầy đủ. Riêng với chị cả Hồ Thị Huê, Trung tá Lý phải kiêm luôn phần làm mẹ. “Trong đội, con bé gần tôi nhất, đi mua đồ phụ nữ tôi cũng đưa nó đi, chỉ bảo luôn những chuyện không thể hỏi ai”, anh kể.

Xong nơi ăn chốn ngủ, các anh lại đến trường xin cho các em theo học. Ngày ba mẹ mất, cô chị đầu bỏ ngang, hai em nhỏ chữ được chữ mất. Giờ buổi sáng lên lớp, buổi chiều về, ba chị em cầm vở ra bàn tự học, tối đến các “thầy” bộ đội kèm cặp. Không mấy chốc, cả ba nói thành thạo tiếng Kinh, đọc viết nhanh nhẹn. Hưng và Dưng còn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi trong nhiều năm liền.

Ở được một thời gian, thấy các con ngày càng lớn, nhất là Huê, sợ không thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày, các anh bàn nhau phải kiếm một căn nhà riêng cho ba đứa ở. Thế là đội trưởng lại trình cấp trên và UBND xã, vận động mỗi chiến sĩ, cán bộ ủng hộ một ngày lương và kêu gọi các đơn vị khác chung tay để có tiền xây nhà. Kết quả một căn nhà khang trang trị giá 200 triệu đồng mọc lên sát đơn vị. Huê một phòng, hai em trai một phòng, có cả công trình phụ khép kín, cửa ngõ an toàn. Vậy là, ngoài nhà chung với bộ đội, ba cánh chim côi đã có mái ấm riêng cho mình.

Anh Nguyễn Bang, cán bộ UBND xã Hướng Lập, cho biết: “Tuy không còn ba mẹ, nhưng ba chị em Huê vẫn sống ổn định, được ăn uống đầy đủ, học hành đàng hoàng, có nhà cửa kiên cố. Phía xã cũng hỗ trợ một khoản nhỏ hằng tháng cho các em”.

Bộ đội nuôi là phải tốt

Em út Dưng khoe: “Em biết quét sân, biết lau nhà, nhổ rau nữa. Anh Hưng thì lau bàn, rửa ly bình, cho lợn ăn. Chị Huê nấu cơm cùng các bố”. Dù thương yêu, nhưng các anh không quên rèn cho cả ba những công việc, kỷ luật hằng ngày. Trung úy Hoàng Văn Bắc bảo, ngày mới tới, cả 3 đứa đụng vào gì cũng lóng ngóng, chúng tôi chỉ từng li từng tí, không dám nạt nộ, sợ chúng tủi thân. Nay thì quét dọn nhà cửa, nấu cơm, trồng rau..., đứa nào cũng giỏi.

Tuy ở nhà riêng, nhưng ba chị em đều tuân thủ giờ giấc như những chiến sĩ. 5g30 sáng dậy, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng đi học, trưa về phụ các bố nấu cơm, chiều cùng tăng gia. Bây giờ, đứa nào cũng biết chào hỏi, dạ thưa, thói quen không hề có khi còn ở làng. Ngoài ra còn biết tắm rửa hằng ngày, giặt giũ áo quần, học xong phải dọn dẹp bút tập ngăn nắp, chăn màn gấp vuông vức như bộ đội.

Trung tá Lý nói chắc nịch: “Ăn cơm bộ đội, uống nước bộ đội, sống với kỷ cương bộ đội, bộ đội nuôi là nhất định phải tốt”. Các anh cũng giáo dục cho cả ba rất nhiều điều, từ việc phải thật thà, không gian dối, đến việc viết kiểm điểm, chịu trách nhiệm về những việc mình làm sai. Út Dưng mới học lớp 2, đã mấy lần viết kiểm điểm. Dưng thủ thỉ, viết xong là nhớ, lần sau không vi phạm nữa.

Không bao lâu nữa, ba cánh chim ấy sẽ phải bươn chải giữa đời. Huê bảo học xong, rồi kiếm việc làm để không phụ lòng các bố. Còn bố Lý thì đã nhắm cho Huê mai này đi theo Y hoặc Sư phạm, hai em trai sẽ về làm trong quân đội. Vậy là thêm một cánh cửa nữa đã mở, chờ đón các em ở tương lai.

Trong đơn vị, nhiều chiến sĩ còn chưa có vợ, song việc chăm trẻ thì rành rọt và cẩn thận hơn cả những ông bố “chính hiệu”. Trung úy Bắc, 34 tuổi, chia sẻ: “Cứ bố bố con con, người ta cũng tưởng mình có 3 đứa con thật. Suốt ngày nấu cho chúng ăn, bày cho chúng học, rồi cả đi họp phụ huynh. Bây giờ, việc chăm trẻ tôi thuộc lòng, chưa vợ nhưng đã được tập dượt làm bố”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.