Những 'điểm sáng' giáo dục năm 2018

2 đại diện của Việt Nam lọt vào top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS 2019
2 đại diện của Việt Nam lọt vào top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS 2019
TPO - 2 trường Đại học Việt Nam lọt top 1000 trường tốt nhất thế giới; Những đổi mới quan trọng trong kì thi THPT quốc gia hay Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là những “điểm sáng” trong giáo dục năm 2018.

Lần đầu tiên 2 trường Đại học Việt Nam lọt top 1000 trường tốt nhất thế giới

Lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings). Theo đó, Đại học Quốc gia của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM có tên trong top 1000 các đại học hàng đầu thế giới.

ĐH Quốc gia TP.HCM nằm trong nhóm 701-750 của bảng xếp hạng QS 2019, trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1000.

Trước đó, Việt Nam mới chỉ có 6 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội xếp vị trí thứ 139. ĐHQG TP.HCM ở vị trí 142. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301-350. ĐH Huế ở nhóm 351-400. ĐH Đà Nẵng xếp 417.

Còn với bảng xếp hạng THE châu Á năm ngoái, Việt Nam không giành được bất cứ vị trí nào.

Trong khi đó, với các bảng xếp hạng khu vực, những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore từ lâu đã giành được các thứ hạng cao. Với THE châu Á 2018, Trung Quốc có 63 trường đại học lọt vào danh sách này. Nhật Bản thống trị với 89 trường, trong khi Singapore tiếp tục giữ ngôi đầu bảng sau khi tiếp tục cải thiện môi trường giáo dục và nghiên cứu của mình. 

Những đổi mới quan trọng trong kì thi THPT quốc gia

Để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có một số thay đổi quan trọng.

Về công tác coi thi, nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.

Về công tác chấm thi, Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GDĐT chủ trì.

Bộ GDĐT công bố công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi.  

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tập huấn nghiệp vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức Kỳ thi; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

84,12% đại biểu "gật đầu" với Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Với 408 đại biểu có mặt tán thành, bằng 84,12% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ 1/7/2019. 

Chính sách lớn nhất được sửa đổi là mở rộng và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cơ chế tự chủ cao từ gói gọn trong 5 đại học và 23 trường thí điểm sẽ mở rộng cho tất cả cơ sở giáo dục đại học. Luật Giáo dục đại học sửa đổi giảm đáng kể thời gian thủ tục hành chính.

Những 'điểm sáng' giáo dục năm 2018 ảnh 1

Biểu đồ kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ năm 2007-2018

Thành tích xuất sắc trong sân chơi quốc tế

Dự thi Olympic Sinh học quốc tế, Nguyễn Phương Thảo (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) đã đứng đầu trong số 261 thí sinh và được vinh danh The first winner (người chiến thắng cuộc thi). Đây cũng là lần đầu tiên, đội tuyển Sinh học có điểm cao nhất cuộc thi, giành được 3 huy chương vàng.

Năm 2018 Việt Nam có 38 trong tổng số 38 học sinh thuộc 7 đội tuyển dự thi Olympic khu vực, quốc tế giành huy chương. Trong đó có 13 huy chương vàng, 14 giải bạc và 11 giải đồng. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo (trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) ngoài giành huy chương vàng còn là thí sinh có điểm cao nhất tại Olympic Sinh học quốc tế.

So với năm 2017, năm nay số huy chương vàng ít hơn, nhưng nếu tính cả bạc và đồng thì cao nhất trong 10 năm qua.

Đánh giá về kết quả đã đạt được, Bộ GD&ĐT khẳng định kỳ thi chọn HSG quốc gia được tổ chức hằng năm và được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; kết quả thi phản ánh sát đúng chất lượng thực tế về công tác bồi dưỡng HSG của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển HSG Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Công tác tổ chức thi và kết quả đạt được đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông, nhất là các trường THPT chuyên, góp phần quan trọng thực hiện Đề án trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020 và mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong 05 gần đây, kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn HSG Việt Nam nhìn chung đều đạt cao. Một số đội tuyển có thành tích ổn định, đoạt nhiều giải cao, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (đội tuyển Toán, Hoá học, Vật lí và Tin học); trong đó, có nhiều học sinh xuất sắc: đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa) trong kỳ thi Olympic quốc tế.

TP HCM giảm học phí THCS từ năm 2019

Tại kỳ họp 12 vào đầu tháng 12, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình của UBND thành phố, điều chỉnh mức thu học phí bậc THCS và nhà trẻ tại các trường công lập.

Học phí THCS, bổ túc THCS sẽ giảm từ 100.000 đồng mỗi tháng còn 60.000 đồng, áp dụng với học sinh ở 19 quận. Tại năm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, học phí giảm từ 85.000 đồng xuống 30.000 đồng.

Với nhà trẻ, học sinh 19 quận vẫn giữ nguyên mức hiện nay là 200.000 đồng mỗi tháng, trẻ ở năm huyện giảm từ 140.000 xuống 120.000 đồng. Các mức học phí trên áp dụng từ ngày 1/1/2019.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.