Hàn gắn nước Pháp
Tờ báo chính trị xã hội hàng đầu nước Pháp, Le Monde đưa ra con số thống kê rằng bài quốc ca La Marseillaise là giai điệu được hát nhiều nhất xứ sở lục lăng trong vòng 1 tháng qua, 1 tháng Euro 2016. Nói như cách của những nhà bình luận thời cuộc là “ngọn gió ái quốc” đã trở lại với xứ sở lục lăng, nơi vốn đang bị chia rẽ nghiêm trọng về vấn đề nhập cư. Les Bleus là ví dụ tuyệt vời cho sự đoàn kết, thậm chí có phần hơi quá khi 3/4 các cầu thủ là thế hệ F2 của những người nhập cư gốc Phi. Ngay bản thân HLV Deschamps cũng là một người gốc xứ Basque (Tây Ban Nha).
Bóng đá Pháp từng trải qua giai đoạn đau thương từ năm 2008 tới 2013 với đỉnh cao là sự hỗn loạn tại World Cup 2010 ở Nam Phi dưới triều đại Domenech. Ở thời điểm đó, tuyển Pháp không những không còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết mà còn bị ghét bỏ. Bài La Marseillaise thậm chí bị chính những CĐV trên khán đài huýt sáo chế nhạo.
Nhưng giờ mọi thứ đã khác, với phong độ tuyệt vời của thầy trò Deschamps, người Pháp giống như được uống một liều “thuốc vui”. Họ hát hò, nhảy múa. Những thanh niên nhập cư gốc Bắc Phi hòa chung vào dòng người ăn mừng chiến thắng trên đại lộ Champs-Elysees với người gốc Do Thái và người bản địa. Trong cuộc vui này, họ quên đi tất cả và cùng nhau hát bài quốc ca La Marseillaise với giai điệu hùng hồn. Chẳng còn khoảng cách, chẳng nhớ đến những chuyện đang tồn tại: nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc hay biểu tình chống chính phủ.
Tiền lãi khổng lồ
Nhưng không chỉ có yếu tố tinh thần, tiền cũng rất quan trọng. Có thông tin rằng, doanh thu mà UEFA thu về từ Euro 2016 lên tới 1,93 tỷ euro. Trong đó bao gồm hơn 1 tỷ euro tiền bản quyền truyền hình, 480 triệu tiền quảng cáo và 400 triệu từ tiền bán vé cùng các dịch vụ khác.
Trừ đi 650 triệu euro tiền tổ chức Euro 2016, 301 triệu tiền thưởng cho các đội tuyển và 150 triệu tiền trả cho các CLB vì đã cho cầu thủ về thực hiện nghĩa vụ quốc gia, UEFA lãi tới 830 triệu euro.
Khoản lợi nhuận này tăng tới hơn 34% so với Euro 2012, phần lớn nhờ vào 20 trận gia tăng khi có thêm đến 8 đội bóng tại vòng chung kết Euro 2016.
Thể thức mới, dấu ấn mới
Ban đầu người ta nghi ngờ Euro 2016 bị tầm thường hóa vì nâng cấp phiên bản mới với 24 đội tham dự thay vì 16 như trước kia. Điều này càng có cơ sở khi những đội bóng mới toe đến với ngày hội bóng đá cấp châu lục như Iceland, Bắc Ireland, Slovakia hay xứ Wales.
Nhưng họ mới chính là những “bé hạt tiêu”. Xứ Wales vào tới tận bán kết với đầu tàu Gareth Bale. Iceland được nhắc đến như một câu chuyện cổ tích đáng nhớ tại kỳ Euro 2016 mà họ chơi xả thân như những người hùng. Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất trên đất Pháp mùa hè này là màn ăn mừng theo kiểu Viking với những tiếng “Huh, huh, huh” ấn tượng của các cầu thủ Iceland. Ireland, Slovakia hay chừng nào đó là Albania cũng đã để lại những ấn tượng đẹp tại kỳ Euro lần này.
Việc được chứng kiến nhiều khuôn mặt mới mẻ như thế ở Euro cũng là điều tốt, một sự đổi thay đáng khích lệ so với những ông lớn đã trở nên quá cũ kỹ và quen mặt.
Nếu như bóng đá cấp CLB là câu chuyện tài chính và danh hiệu thì tại ĐTQG là nơi các cầu thủ đại diện cho niềm tự hào dân tộc. Tại Euro lần này, niềm tự hào dân tộc ấy được thể hiện một cách tuyệt vời khi các đội bóng nhỏ bằng quyết tâm và tinh thần đồng đội tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ.