Một bài toán của học sinh lớp 1 về điền phép tính cộng hoặc trừ để có kết quả đúng.
Cụ thể, câu hỏi số 3 yêu cầu học sinh điền dấu cộng trừ vào phép tính (2 ... 1 … 1 = 1) để cho kết quả bằng 1. Nhưng trên thực tế không thể đặt dấu cộng và trừ vào phép toán này để cho ra được kết quả như vậy.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh cho rằng cần phải thêm phép tính nhân và chia vào bài toán này thì mới cho ra được kết quả là 1. Tuy nhiên, với học sinh lớp 1 thì chỉ mới làm quen với phép cộng và trừ mà thôi.
“Cho bài toán này đến phụ huynh còn không giải được chứ nói gì đến các bé”, một phụ huynh chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, đề bài Toán này dù sai sót do in ấn hay do “kiến thức” của người ra đề cũng khó có thể chấp nhận được.
Đề Toán 'cưa gỗ'
Đề bài ra như sau: Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút cưa xong được một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ mất bao lâu.
Học sinh giải: Cưa cả cây gỗ đó hết số phút là: 12 x6 = 72 (phút).
Cô giáo phê kết quả này sai và ghi lời giải:
Cưa được số đoạn là: 7:1 = 7 (đoạn)
Cưa cả cây gỗ hết thời gian là: 12 x7 = 84 (phút).
Sau khi xuất hiện trên mạng, nhiều phụ huynh không đồng tình với cách làm của giáo viên và đưa ra nhận định: “Một cây gỗ dài 7m và được cưa thành 7 khúc thì cần có 6 lần cưa. Như vậy, học sinh đã hiểu đúng, làm đúng còn cô giáo đã sai”.
Thậm chí, phụ huynh này còn lập luận rằng: “ Đây phải là cây gỗ nằm ngang dài 7m. Nếu cây chưa được cắt khỏi gốc, thì chẳng ai gọi là "cây dài 7m", mà phải là "cây cao 7m".
Nhiều ý kiến cũng tỏ ra hoài nghi về trình độ của cô giáo khi giải bài toán trên.
Đê toán “tảo hôn”
Đề Toán được cho là của học sinh lớp 3 với những dữ kiện, kết quả thiếu hợp lí đang trở thành đề tài bàn luận của những người quan tâm tới giáo dục.
Đề bài có nội dung:
Hiện nay, Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp bốn lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ gấp ba lần tuổi Nam. Hỏi:
a) Bố Nam bao nhiêu tuổi?
b) Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?
Theo tính toán, bạn Nguyễn Trung Sơn thắc mắc: “Kết quả số tuổi của bố Nam là 16 tuổi và mẹ Nam là 12 tuổi. Trong khi đề bài cho biết Nam 4 tuổi, vậy khi Nam thì bố Nam mới 12 tuổi và mẹ là 8 tuổi. Vậy là bố mẹ Nam tảo hôn à?”.
“Đọc đề Toán mà giật mình. Người ra đề Toán cũng cần có những kiến thức văn hoá xã hội nhất định nếu không sẽ gây hiểu lầm lớn cho trẻ”, cô Phương Hoa, phụ huynh học sinh trường tiểu học Cát Linh nhận xét.
“Nạn tảo hôn quay trở lại trong bài toán lớp 3? Người ra đề và soạn thảo sách nên cẩn trọng hơn. Dạo này sách giáo khoa, sách bài tập có quá nhiều lỗi không thể chấp nhận được rồi”, bạn Trần Mạnh Dũng góp ý.
Đề Toán thiếu dữ liệu, không logic... được cộng đồng đem ra 'mổ xẻ' và phản ứng gay gắt khi cho rằng đang làm khó học sinh.
Đề Toán 'đánh đố'
Xuất hiện vào đầu tháng 4, đề Toán giữa học kỳ 2 năm học 2012 -2013 của học sinh lớp 1 Vũ Bảo Ngọc trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Nội dung câu hỏi trắc nghiệm đưa ra: 60<…<80. Số thích hợp điền vào là? Các đáp án được đưa ra bao gồm 61, 70, 80. Học sinh đã khoanh tròn đáp án 61 và bị giáo viên chấm là sai. Đáp án chính xác phải là 70.
Một câu hỏi khác cũng bị cho là thiếu tính thống nhất và thiếu cơ sở với nội dung: Số 49 bao gồm 4 và 9 hay 40 và 9.
Đề Toán vấp phải sự phản đối mạnh từ người xem khi cho rằng ra đề kiểu này chẳng khác nào "chơi đố" học sinh.
Với đề Toán này, Tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất từng nhận xét: "Nội dung câu hỏi 1C đưa ra rất tối nghĩa nên dễ gây hiểu nhầm cho học sinh. Còn về câu 1D thì cả 2 đáp án A (61) và B (70) đều đúng".
Đề Toán thiếu logic
Đề Toán lớp 4 với nội dung: “Một cửa hàng ngày thứ nhất bán được 4326 kg gạo, ngày thứ hai nếu bán thêm được 32 kg thì sẽ bán hơn ngày thứ nhất 100 kg, ngày thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg gạo. Hỏi cả ngày cửa hàng bán được bao nhiêu kg gạo?”
Ngay lập tức, cộng đồng mạng nhảy vào “mổ xẻ” cho rằng đề dữ liệu quá mập mờ và thiếu logic gây khó cho học sinh trong việc suy luận.
Người xem không ngừng đặt câu hỏi: “Ngày thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg gạo” và “Hỏi cả ngày cửa hàng bán được bao nhiêu kg gạo” là hỏi riêng ngày thứ 3 hay là cả ba ngày?
Đề Toán hình học
Nội dung đề cho một hình vẽ là một hình tam giác, bên trong có thêm một đường song song với cạnh đáy và một đường kẻ vuông góc với cạnh đáy. Học sinh trả lời "có 3 hình tam giác và 3 hình tứ giác".
Câu trả lời này được giáo viên chấm sai khi đáp án phải là 3 hình tam giác, 1 hình tứ giác.
Bài Toán nhanh chóng bị phản ứng. Nhiều người cho rằng đáp án của giáo viên sai, học sinh đúng. Nhiều bạn đã dựa vào định nghĩa hình tứ giác, thậm chí vẽ hẳn các trường hợp rõ ràng để bảo vệ chính kiến của mình.
Một bài Toán đếm số hình tam giác cũng gây xôn xao không kém. Nội dung bài Toán gồm 1 hình vẽ và 3 đáp án 2, 3 và 4 hình tam giác để học sinh lựa chọn.
Tuy nhiên khi nhìn vào hình, nhiều cư dân mạng kết luận có 5 hình tam giác tất cả. Nhiều bình luận cho rằng đề sai hoặc in thiếu đáp án. Một số lại nhận định chưa thể kết luận đúng sai vì nội dung câu hỏi không rõ ràng.
Sục sôi bài toán lớp 2
Cộng đồng mạng xã hội Facebook mấy ngày này liên tục chia sẻ 2 bài tập trong đề thi Toán - Tiếng Việt lớp 2 của một trường tiểu học.
Bài tập có nội dung: “Con lợn nặng 45 kg, con chó nhẹ hơn bao gạo 28 kg. Hỏi con chó nặng bao nhiêu kilogam?”. Có 3 đáp án: "A. 17kg, B. 7 kg, C.27 kg”.
Hầu hết cư dân mạng “bó tay”, không thể giải nổi bài toán này. “Đề thi chả logic, chả ăn nhập gì với nhau. Sao giáo viên lại đưa ra đề thi vô lý như thế này đối với học sinh lớp 2”, cư dân mạng bình luận.
Dân mạng cho rằng, thực tế hiện nay nhiều giáo viên ra đề thi rất khó. Điều này không chỉ ảnh hưởng điểm số, kết quả học tập, mà trên hết nó còn khiến cho các em học sinh thêm phần hoang mang, mất lòng tin vào khả năng học tập của mình.
Lan Phương (tổng hợp)