Đây là một hiện tượng đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở giới trẻ khi họ dùng điện thoại di động, internet, mạng xã hội như một bộ phận nối dài của ký ức. Họ quá lệ thuộc vào các thiết bị điện tử đến nỗi mất khả năng tự suy nghĩ.
Một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy có một tỷ lệ không nhỏ người không thể nhớ nổi thông tin quan trọng của người thân họ. Chẳng hạn, 7/10 người không thể nhớ được số điện thoại của con mình. Chỉ 50% số người trưởng thành khi được hỏi có thể nhớ ngay ra số điện thoại bàn nhà họ đã dùng thời điểm họ 10 tuổi.
Đừng để công nghệ biến thành bộ nhớ của bạn.
Dưới đây là năm dấu hiệu rõ nhất cho thấy bạn đã mắc chứng quên kỹ thuật số:
. Lưu trữ mọi dữ liệu vào điện thoại, máy tính hay các thiết bị điện tử khác.
. Dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử thay vì các hoạt động khác.
. Nghiện mạng xã hội, lệ thuộc vào mạng xã hội đễn giao tiếp với người khác. Cảm thấy không thoải mái khi giao tiếp mặt đối mặt.
. Trong công việc dần kém hiệu quả, hay quên, không hoàn thành, thiếu trách nhiệm.
. Cảm thấy khó chịu nếu phải trải qua vài giờ ở một nơi phi công nghệ: không điện thoại, không máy tính, không kết nối internet…
Ngăn chặn bằng cách nào? Sau đây là lời khuyên của bác sĩ sức khỏe tâm thần Samir Parikh (Ấn Độ).
Đừng để công nghệ biến thành nguồn cơn của stress. Mục đích ban đầu của công nghệ là làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, nhưng ít ai nghĩ rằng nó đang dần lấn áp, điều khiển con người bằng những thay đổi liên tục và những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao và khắt khe.
Hãy lựa chọn thông minh. Sử dụng internet để trợ giúp công việc, duy trì kết nối và cập nhật thông tin. Đừng dùng internet để giết thời gian, xem những nội dung vô ích thậm chí có hại, hay xâm nhập không gian riêng tư của người khác.
Đừng thay thế các mối quan hệ đời thường bằng những mối quan hệ số hóa. Dành quá nhiều thời gian cho các mối quan hệ hời hợt trên mạng đồng nghĩa với việc chúng ta bớt đi thời gian cho các mối quan hệ hiện hữu đời thường. Hãy cân bằng chúng.