Những chuyện cảm động tại triển lãm Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B

Những chuyện cảm động tại triển lãm Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B
TP - Ông bà Lương Vũ Tường từ Tây Ninh ra dự khai mạc triển lãm đã nhận được hơn 5.500.000đ- tương đương với số tiền 300đ được gửi tiết kiệm gần 30 năm khi ông Tường lên đường đi B.
Những chuyện cảm động tại triển lãm Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B ảnh 1
“Góc” của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại triển lãm Ảnh: Đoàn Loan

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đến dự khai mạc triển lãm. Một số nhân chứng sống cũng có mặt, trong đó có bà Doãn Ngọc Trâm- mẹ của anh hùng Đặng Thùy Trâm.

Trong thư gửi tới Triển lãm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Những kỷ vật này là một biểu hiện về tinh thần yêu nước và quyết tâm chống Mỹ cứu nước của quân đội ta, dân tộc ta. Tôi mong các đồng chí sưu tập được nhiều kỷ vật của cuộc đại hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường B chống Mỹ của quân đội và nhân dân, để góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ thanh niên nước ta”. 

Triển lãm Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B - do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III chủ trì và phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN và Bảo tàng TPHCM tổ chức- giới thiệu một số tài liệu về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, trong đó có bản viết tay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch; biên bản Hội đồng Chính phủ họp ngay sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ (23/9/1945);

Những sắc lệnh quan trọng về vấn đề tổ chức kháng chiến tại Nam Bộ; tài liệu về Hội nghị Gèneve, về việc chuyển quân tập kết ra Bắc; chính sách của Đảng và Chính phủ với cán bộ đi B; hoạt động của cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết trên miền Bắc...

Những “nhân vật” chính của triển lãm là gần 300 bộ hồ sơ cán bộ, và hàng ngàn kỷ vật: huân-huy chương, kỷ niệm chương, bằng-giấy khen, thư, tiền, sổ tiết kiệm, ảnh chân dung, tư trang của cán bộ gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước khi lên đường vào Nam công tác. Đặc biệt có một số hiện vật của đồng bào chiến sĩ miền Nam tặng Hồ Chủ tịch; áo đi mưa, bi đông, bật lửa mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dùng.

Năm 1959, các đoàn cán bộ đã lặng lẽ theo đường mòn Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường miền Nam- gọi tắt là “đi B”. Cán bộ đi B đa số là những người từ miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954, còn lại là thanh niên, sinh viên, cán bộ miền Bắc theo yêu cầu của cách mạng hoặc xung phong vào miền Nam công tác theo đường dân sự.

Từ 1960 cho tới ngày đất nước thống nhất, hồ sơ của cán bộ đi B thuộc Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý, sau đó chuyển giao cho Lưu trữ Nhà nước. Cuối 2004, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III trình đề án chỉnh lý hồ sơ, kỷ vật, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ và mở cửa đón tiếp thân nhân đến khai thác hồ sơ, nhận lại kỷ vật. Trung tâm thường xuyên thông tin tới các địa phương có cán bộ đi B biết để đến nhận lại.

Ngay trước giờ khai mạc triển lãm, ông Huỳnh Tùng, con của một cán bộ đi B hy sinh năm 1971, đã nghẹn ngào hồi lâu mới kể được “sự tích” 37 năm đi tìm lai lịch của cha để được công nhận là gia đình liệt sĩ.

Công việc được chuyển từ em trai của người đã khuất cho chị gái của ông Tùng, và cuối cùng bản thân ông Tùng đã đi khắp các Sở, Bộ, ngành và mọi thứ chỉ dừng lại tại kho hồ sơ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III: “Chỉ sau 10 phút, là hồ sơ được mang ra, tôi nhìn thấy mặt cha và những dòng viết tay của ông...”. Ông Tùng lại lặng đi, không nói nên lời.

Ông bà Lương Vũ Tường khăn gói từ Tây Ninh ra dự lễ khai mạc triển lãm rút cuộc đã nhận được hơn 5.500.000đ- tương đương với số tiền 300đ được gửi tiết kiệm cách đấy (thời điểm 2002) gần 30 năm khi ông Tường lên đường đi B. Số tiền không nhiều nhưng ý nghĩa lớn.

Nhiều trường hợp con của cán bộ đi B lần đầu tiên được biết mặt cha mình nhờ hồ sơ của Trung tâm cung cấp. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có chưa đầy 4.500 lượt thân nhân đến nhờ Trung tâm tìm kiếm thân nhân. Thủ tục khá đơn giản, với chỉ cần giấy CMND và giấy giới thiệu của địa phương hoặc cơ quan là có thể đến làm việc với Trung tâm từ 8g đến 16g30 hàng ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật)- trừ thứ Sáu.

MỚI - NÓNG