Nghiện kéo tóc, nghiện uống xăng, ăn cắp vặt hay ăn xà phòng... là những chứng nghiện khó tin, kỳ quái của con người mà chính người mắc nghiện cũng không lý giải được nguyên nhân.
Nghiện kéo tóc
Khi đi học, bạn có thể thường xuyên thấy hình ảnh các cậu con trai kéo tóc bạn nữ của mình. Hành động này không chỉ là trêu đùa. Theo các nhà khoa học, sở thích kéo tóc cũng là một loại rối loạn, có tên tiếng Anh là Trichotillomania. Những người nghiện kéo tóc không thể cưỡng lại sự thôi thúc bên trong cơ thể mình mong muốn được nắm và kéo, thậm chí giật, trong trường hợp nặng hơn có mong muốn nhổ tóc. Chứng nghiện này biểu hiện rõ ràng hơn khi một người đang căng thẳng cực độ. Ở động vật, tiêu biểu như ở loài chim, khi mất đi bạn đời hoặc bạn chung lồng, chúng thường tự mổ, nhổ lông của mình để bù đắp các hành động chải chuốt, vuốt ve của bạn đời khi ở cùng. Mặc dù kéo, giật hay nhổ lông/tóc sẽ mang lại cảm giác đau đớn nhưng cũng đồng thời phát ra một số hormon liên quan đến niềm vui, làm giảm sự căng thẳng thông qua sự lặp đi lặp lại, do đó, đòi hỏi người nghiện có hành vi thường xuyên giật/kéo tóc. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện có khoảng 11 triệu người trên thế giới mắc chứng bệnh này.
Nghiện ăn tóc
Hội chứng Rapunzel hay còn gọi là chứng nghiện ăn tóc khiến người nghiện có sở thích bứt những sợi tóc trên đầu và nuốt chúng vào bụng. Có khoảng 1% dân số trên thế giới bị hội chứng này. Trong thời kỳ cổ đại, người ta tin rằng tóc trong ruột là một loại thuốc chữa bách bệnh.
Cắn móng tay
Ước tính trên thế giới có khoảng 600 triệu người nghiện cắn móng tay, trong đó thiếu niên chiếm 45%, thanh niên 20%. Cắn móng tay là một trong những triệu chứng điển hình của stress và khá phổ biến ở trẻ em. Thói quen này có thể dẫn tới sự viêm nhiễm và biến dạng ngón tay. Hội chứng nghiện này được các nhà khoa học đặt tên là Dermatophagia, liên quan đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và những rối loạn lo âu khác.
Nghiện ăn xà phòng
Tempestt Henderson - cô gái 19 tuổi người Mỹ rất thích ăn xà phòng và bột giặt. Các bác sĩ đã chẩn đoán Tempestt bị mắc chứng dị thực hay còn gọi là Pica. Triệu chứng thường rất thèm ăn một loại chất nào đó như kim loại, pin, kem đánh răng, xà phòng… Nguyên nhân được xác định là do họ thiếu một số loại khoáng chất nào đó.
Shannon uống khoảng 22 lít xăng một năm.
Nghiện uống xăng
Trong tập mới nhất của chương trình “My strange Addiction” phát sóng trên kênh Travel&Living Channel, Mỹ, mọi người đã sốc nặng khi biết về chứng nghiện của cô gái có tên Shannon. Cô được biết đến bởi khả năng uống xăng như uống nước lọc. Chia sẻ về sở thích kỳ quái của mình, Shannon cho biết mỗi ngày cô uống trung bình 12 thìa xăng, cô cực thích và bị ám ảnh việc liếm nắp bình và uống trực tiếp từ chai xăng. Shannon cho biết: “Lúc đầu tôi cảm giác khắp người ngứa râm ran và cổ họng như bị thiêu đốt. Sau đó tôi phát hiện việc mở nắp và hít mùi xăng trong bình khiến cho các triệu chứng khô rát cổ họng dịu lại và tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái, thích thú mặc dù biết uống xăng rất độc”. Trong năm 2015, Shannon đã uống khoảng 22 lít xăng.
Nghiện xưng tội
Nghiện xưng tội là một rối loạn tâm lý có tên tiếng Anh viết tắt là OCD, dấu hiệu phổ biến là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện hành vi thú tội để giảm bớt căng thẳng. Đây là một dạng trong nhóm bệnh có liên quan trực tiếp đến stress. Luôn bị ám ảnh về tội lỗi nhỏ của mình, thậm chí là tội lỗi do bản thân tự tưởng tượng ra và việc xưng tội được những người mắc chứng nghiện này xem là con đường duy nhất để thoát khỏi tình trạng lo lắng.
Nghiện ăn cắp vặt
Những người mắc chứng nghiện ăn cắp vặt hay còn gọi là bệnh sùng bái đồ vật thường có sự thôi thúc không thể cưỡng lại được. Họ ăn cắp đồ vật trong cửa hàng trong khi họ có đủ khả năng kinh tế để mua các đồ vật đó. Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng, giàu có cũng có mặt trong danh sách này như hoa hậu Mỹ Bess Maierson, ngôi sao quần vợt Jennifer Capriati… Chứng nghiện ăn cắp vặt - Kleptomane bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “klepto” là ăn cắp và “mania” là mất trí. Từ này xuất hiện vào những năm 1890. Theo các nhà khoa học, những người thực sự mắc bệnh đã ăn cắp những thứ hoàn toàn không có lợi ích gì. Điều quan trọng đối với họ không phải là kết quả mà là bản thân quá trình.