“Soi” kỹ những bản quy hoạch này thấy một thực tế đáng buồn: quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo.
Dự kiến sẽ có 100 bãi đỗ xe, trong đó riêng các quận nội thành có 36 bãi đỗ được xây dựng tại các vị trí cơ quan, đơn vị sản xuất được di dời. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hầu hết 36 vị trí được quy hoạch bãi đỗ xe trên đều đã biến thành trung tâm thương mại, tòa chung cư cao 30 đến 40 tầng.
Từ năm 2010 đến nay, thành phố Hà Nội có chủ trương xây bãi xe ngầm trong công viên. Từ đây, ngoài 7 dự án thành phố đang giao cho các sở ngành nghiên cứu triển khai, nhiều doanh nghiệp dưới sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương cũng “đua nhau” đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe ngầm trong công viên.
Sau các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, thì công viên Cầu Giấy cũng đang được nhà đầu tư tư nhân đề xuất “xẻ” khoảng 1.400 m2 mặt bằng để làm bãi đỗ xe 3 tầng hầm. Tuy là ngầm nhưng xem qua đề xuất của các nhà đầu tư, dễ dàng thấy rằng, mặt bằng đất công viên tại vị trí bãi đỗ xe hầu hết đều được sử dụng cho các công trình phụ trợ, như nhà điều hành, thoát hiểm, thông gió… Việc người dân lo ngại dự án bãi đỗ xe sẽ “xà xẻo” đất công viên là hoàn toàn có cơ sở.
Đại diện Sở QH&KT và Xây dựng Hà Nội đều cho rằng, do ngân sách thành phố còn hạn hẹp nên để có mặt bằng và hạ tầng cho các đơn vị chuyển đi, thành phố phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo hình thức này, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận mặt bằng được di dời, đổi lại nhà đầu tư sẽ lo mặt bằng, làm hạ tầng ở ngoại thành để đơn vị được di chuyển đến ổn định sản xuất.
Cách di dời theo kiểu “xã hội hóa” này mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng đô thị. Thứ nhất, tuy có mục tiêu di dời để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường nhưng chính tại những vị trí được di dời lại mọc lên các tòa nhà cao ốc, khiến mật độ dân cư tăng cao hơn gấp nhiều lần.
Đánh giá về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi trên khiến Nhà nước và cộng đồng xã hội thiệt đơn, thiệt kép. Mục tiêu giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường không thực hiện được khi mật độ dân cư tại đây tập trung đông, thậm chí còn cao hơn lúc chưa di dời; thứ hai, về kinh tế, nhà đầu tư chỉ bỏ một chi phí nhỏ theo kiểu hỗ trợ di dời, được giao đất không qua đấu giá nên theo nhiều chuyên gia, hình thức này không khác gì nhà đầu tư chỉ bỏ con tép để bắt con cá kình. Vì sao lại có chuyện này? Có hay không lợi ích nhóm?