Những bông hoa đẹp của thể thao Việt Nam

Những bông hoa đẹp của thể thao Việt Nam
TP - Tiếng là phái yếu nhưng đóng góp của các nữ VĐV thể thao Việt Nam ở các sân chơi khu vực và quốc tế lại không yếu. Kỳ SEA Games 26 vừa qua tiếp tục khẳng định.

Hà Thanh có hai vé dự Olympics 2012
> Bài biểu diễn xuất thần của 'búp bê' Ngân Thương

Đỗ Thị Ngân Thương-Phan Thị Hà Thanh (TDDC)

Với 9 HCV đoạt được chỉ trong ngày 15-11-2011, TDDC VN đã làm kinh hoàng các đối thủ và 11 HCV chung cuộc trên tổng số 14 bộ huy chương của Đại hội đã đưa TDDC VN lên vị trí số một toàn đoàn tại SEA Games 26. Trong thành tích xuất sắc ấy, không thể không kể tới bộ đôi Ngân Thương-Hà Thanh, 2 VĐV tuy bị xem đã bước vào cái tuổi toan về già ở môn TDDC nhưng vẫn đóng góp cho ĐT TDDC VN 5 HCV.

Năm ngoái, sau 15 năm thi đấu đỉnh cao liên tục, Ngân Thương đã quyết định giã từ sự nghiệp VĐV để chuyển sang theo học khóa đào tạo HLV tại ĐH TDTT Bắc Ninh. Tuy nhiên, trước thềm SEA Games 26, do đội tuyển TDDC gặp khó khăn về lực lượng nên các thầy cô trong BHL đã phải thuyết phục Ngân Thương trở lại.

Sau 8 tháng nghỉ thi đấu và đã bước sang tuổi 21, cái tuổi bị coi là quá già với môn TDDC, tưởng như sự có mặt của Ngân Thương ở SEA Games 26 chỉ để mang ý nghĩa tinh thần nhằm động viên các VĐV trẻ, nhưng cuối cùng Ngân Thương đã làm nên một kỳ tích khó ngờ.

Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, Ngân Thương đã lấy về chiếc HCB ở nội dung toàn năng, dù đây là nội dung mà ban đầu Ngân Thương không định tham dự vì không đủ thể lực. Thế nhưng, bất ngờ chưa dừng lại ở đây, sang ngày thi đấu thứ hai, ở 2 nội dung xà lệch và cầu thăng bằng. Ngân Thương giành thêm tới 2 huy chương vàng.

Trong hơn 15 năm thi đấu, Ngân Thương đã giành được vô số HCV, nhưng cô thú nhận 3 chiếc huy chương lấy được ở SEA Games 26 vừa rồi thực sự là những tấm huy chương có ý nghĩa và đáng nhớ nhất đối với mình trong suốt 15 năm gắn bó với TDDC. Đó cũng là lời chia tay không thể ngọt ngào hơn của Ngân Thương với sự nghiệp VĐV mà cô đã dấn thân từ khi mới 6 tuổi.

Kém Ngân Thương một tuổi và cũng ít hơn Ngân Thương một năm tuổi nghề, Hà Thanh đã tạo nên một địa chấn trong làng TDDC khu vực ngay từ trước ngày SEA Games 26 khởi tranh, khi cô giành được HCĐ ở giải vô địch TDDC thế giới diễn ra tại Nhật Bản hồi tháng 10-2011, đồng nghĩa với việc giành vé chính thức tham dự Olympic London 2012.

Đỗ Thị Ngân Thương phút đăng quang
Đỗ Thị Ngân Thương phút đăng quang.

Với năng lực như thế, SEA Games không thể là sân chơi quá tầm với Hà Thanh, và không ai ngạc nhiên khi cô giành được HCV nội dung toàn năng ở SEA Games 26 với số điểm áp đảo. Toàn bộ khán giả ở nhà thi đấu Jakabaring của TP Palembang (Indonesia) hôm ấy đã hoàn toàn ngây ngất trước bài biểu diễn hoàn hảo và chuẩn mực tới từng động tác của Hà Thanh.

Ngoài chiếc HCV toàn năng, Hà Thanh còn giành thêm được 2 HCV nữa tại SEA Games 26 để giúp đội tuyển TDDC VN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với phong độ và tài năng đang chín muồi, Hà Thanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm nên chuyện ở Olympic mùa hè năm nay, dù tuổi tác của cô không thật sự lý tưởng cho môn TDDC.

Nguyễn Mai Phương (Wushu)

Cứ nói tới nội dung Taolu (biểu diễn) của môn Wushu là phải nhắc ngay tới những cô gái xinh đẹp, và Mai Phương là một trong những hoa hậu đương đại của đội tuyển Wushu VN. Giữa hàng loạt những cái tên đẹp như hoa tựa ngọc của Wushu VN như Vũ Thùy Linh, Bùi Trà My, Mai Phương vẫn có nét đẹp rất riêng, đằm thắm, thùy mị theo kiểu con gái Hà Thành điển hình, và chẳng phải ngẫu nhiên khi cô gái xinh đẹp này thường xuyên được các trang tin điện tử dành cho tuổi teen mời chụp ảnh.

Ở SEA Games 26 vừa qua cũng vậy, Mai Phương đã trở thành tâm điểm của nhà thi đấu Indoor Tennis ở khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno khi cô bước ra thảm đấu để thực hiện bài biểu diễn của mình ở nội dung Trường quyền. Sau khi giành HCV, Mai Phương liên tục bị các tình nguyện viên, phóng viên và cả VĐV Indonesia xin chụp ảnh chung vì quá ấn tượng với vẻ đẹp nhẹ nhàng mà rất tinh tế của cô gái Hà Nội này.

Đến với Wushu từ năm mới 4 tuổi, sau khoảng 17 năm tập luyện và thi đấu liên tục, Mai Phương đã có trong tay gần như toàn bộ những danh hiệu cao quý nhất ở môn Wushu, và Phương đã dần tính tới chuyện giã từ sự nghiệp thi đấu. Điểm đặc biệt ở Mai Phương là ngoài đam mê với Wushu, cô gái này còn rất ham thích nghề viết báo và hiện Phương đang là CTV thân thiết cho một tờ báo tuổi teen.

Mai Phương từng tâm sự, nếu như không theo nghiệp Wushu thì chắc chắn Phương sẽ thi vào trường báo chí để thỏa mãn giấc mơ làm phóng viên. Thế nên sau khi không còn thi đấu nữa, Phương đã tính tới việc sẽ đầu tư nghiêm túc cho nghề báo để trở thành một phóng viên thực thụ, bên cạnh việc tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với Wushu bằng cách học làm HLV để không bao giờ phải xa thảm tập.

Nguyễn Thị Lệ Dung (Đấu kiếm)

Đấu kiếm đã giành chiếc HCV thứ 70 cho đoàn thể thao VN tại SEA Games 26, giúp thể thao VN cán mốc 70 HCV đặt ra trước ngày khai mạc Đại hội.

Trong thành tích của ĐT đấu kiếm VN, đóng góp của Nguyễn Thị Lệ Dung là đáng kể nhất, bởi cô đã giành HCV ở các kỳ SEA Games liên tiếp là 22, 23 và 24, và đến SEA Games 26, Lệ Dung một lần nữa lại bảo vệ thành công vị trí số một của mình.

Thông thường báo chí Indonesia chỉ viết về những người giành HCV, nhưng riêng ở nội dung kiếm chém của Lệ Dung, do cô thi đấu quá xuất sắc nên ngay cả bại tướng của Lệ Dung trong trận chung kết là kiếm thủ chủ nhà Diah Permatasari cũng được ca ngợi hết lời vì, với việc chạm trán một đối thủ như Lệ Dung ở nội dung kiếm chém nữ thì HCB cũng có thể coi là thành công của nước chủ nhà.

Những bông hoa đẹp của thể thao Việt Nam ảnh 2
Những bông hoa đẹp của thể thao Việt Nam ảnh 3
Những bông hoa đẹp của thể thao Việt Nam ảnh 4
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.