Những biểu hiện cần cho trẻ đi bệnh viện ngay sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 17/4, Hà Nội đồng loạt tiêm vắc xin phòng COVID-19 Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là đối tượng khá nhạy cảm do tuổi còn nhỏ nên nhiều phụ huynh băn khoăn về những phản ứng có thể xảy ra với trẻ. Các chuyên gia đưa ra những khuyến cáo cần thiết khi cho trẻ đi tiêm chủng.

Để phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Hà Nội đã nhận được 72.700 liều vắc xin Moderna từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ.

Ngày 16/4, Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố. Có 3 quận huyện đầu tiên triển khai tiêm là quận Hà Đông, huyện Phú Xuyên và huyện Sóc Sơn. Từ ngày 17/4, Hà Nội đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi này.

Theo kế hoạch tiêm chủng, Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho hay, dự kiến đợt tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày. Ngành Y tế Thủ đô đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến Thành phố để tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng. Đồng thời Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực Nhi khoa, Hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng lần này.

Như vậy đến nay đã có 3 địa phương tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là Quảng Ninh, TPHCM và Hà Nội. Từ ngày 18/4, các tỉnh, thành phố khác sẽ tiến hành tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc xin, tuy nhiên trong đợt này có 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 sẽ tiêm. Với 3,6 trẻ còn lại đã mắc COVID-19 dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 - 8 tới.

Vắc xin được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là Moderna và Pfizer. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã tập huấn trên toàn tuyến về công tác tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi này. Trước khi tiêm trẻ được khám sàng lọc cẩn thận, kỹ lưỡng, tất cả vì mục tiêu đảm bảo "tiêm đến đâu, an toàn đến đó".

TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo những trẻ có bệnh lý mạn tính nên được tiêm, song một số trẻ đang có bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính đang phải điều trị thì nên trì hoãn tiêm sau và cần tư vấn của nhân viên y tế để được tiến hành tiêm ngay khi có thể.

Những trẻ này khi tiến hành tiêm và sau tiêm nên được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế. Phụ huynh cũng cần theo dõi sát sao trẻ trong những ngày đầu sau tiêm, khi có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường hoặc biểu hiện bệnh cũ nặng lên cần đến bệnh viện khám và đánh giá ngay.

Ở những trẻ có tiền sử dị ứng thì cần được tư vấn, đánh giá của nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Nhi khoa để có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi được tiêm phòng cho các cháu.

Những trẻ đã khỏi COVID-19 vẫn nên được tiến hành tiêm chủng, tuy nhiên thời điểm phụ thuộc vào từng cháu cụ thể. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 3 tháng nhiễm COVID-19, trẻ nên được tiêm phòng. Tuy nhiên tùy tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của trẻ có thể tiến hành sớm hơn, cần phải được tư vấn cụ thể của các nhân viên y tế trong những trường hợp cụ thể.

Các phản ứng sau tiêm hay gặp, khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Cũng như khi tiến hành tiêm phòng các vắc xin khác, việc tiêm vắc xin COVID-19 cũng có một số phản ứng được ghi nhận như:

Tại chỗ: Sưng đau nơi tiêm, ngứa

Ban ngoài da, phù nề một số cơ quan (môi, mắt...), nổi vân tím

Khó thở, khò khè

Đau ngực, đánh trống ngực, ngất...

Đau đầu, li bì

Đau bụng, nôn, tiêu chảy

Nặng là các dấu hiệu phản ứng nặng như: suy hô hấp, ngất, co giật, các dấu hiệu suy tuần hoàn (vã mồ hôi, nổi vân tím, tay chân ẩm lạnh, tụt huyết áp...).

"Nhìn chung, khi có các dấu hiệu bất thường ở trẻ sau tiêm vắc xin COVID-19 mà phụ huynh nhận ra được thì nên cho trẻ đến kiểm tra ngay tại cơ sở y tế để được xử trí kịp thời", TS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nói.

MỚI - NÓNG