> Những điều khác lạ về Steve Jobs và Moammar Gadhafi
Trong suốt nhiều năm, chúng ta cứ nghĩ cuộc sống chỉ tồn tại các mối tương tác giữa con người với con người hay con người với máy móc. Điều đó có nghĩa, trong cùng một thời điểm, chúng ta chỉ có thể hoặc đang nghe đài, hoặc đang nói chuyện với bạn bè.
Dĩ nhiên, bạn cũng có thể tụ tập thành một nhóm để xem tivi, nhưng bạn sẽ không vừa nhìn vào màn hình vừa lắng nghe bạn bè một cách tập trung được. Tất cả chỉ vì khi đó chúng ta chưa có cái mà trong thế kỷ 21 gọi là “công nghệ tương tác”.
Ngày nay, tình huống trên đã hoàn toàn khác. Nếu bạn sử dụng một chiếc iPhone, hay nếu bạn truy cập vào trang Facebook, liệu bạn đang tương tác với máy móc hay với người khác? Câu trả lời là bạn đang làm cả hai điều ấy.
Thực tế, con người đã làm nên một cách mạng căn bản về phương thức tương tác nhờ công nghệ. Cuộc cách mạng này cũng sẽ làm thay đổi gần như toàn bộ mọi thứ khác trong cuộc sống, từ kinh tế và giáo dục cho tới cách chúng ta giải trí, gặp gỡ và thậm chí cách chúng ta yêu.
Cuộc cách mạng này đã xảy ra như thế nào? Giống như các cuộc cách mạng khác, chúng ta có thể đi tìm nguồn gốc từ những nhóm nhỏ những người có hiểu biết và tầm nhìn, để đoán trước điều gì loài người có thể đạt đến, cùng năng lực quản lý để tổ chức tài năng của nhiều người nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Một trong những nhân vật quyết định trong điều mà chúng ta gọi là “cách mạng Internet” (iRevolution) chính là Steve Jobs (1955-2011). Cuộc đời ông để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá.
Cuộc đời “phi công thức”
Jobs trở nên nổi tiếng từ những năm 1980 khi ông, cùng với những người như Bill Gates, biến ý tưởng máy tính cá nhân trở thành điều thực tế. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây ông càng trở nên nổi tiếng hơn vì một lý do khác, đáng buồn hơn. Ngày 5-10-2011, Jobs qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy.
Ở tuổi 56, ông vẫn còn tương đối trẻ để cống hiến cho cuộc đời. Sau cái chết kiểu như thế này, thường có xu hướng phóng đại thành quả người đó đạt được, mặt khác có người lại không ngớt bàn tán về ông, hay sử dụng những kỷ niệm về ông để thu lời cho cá nhân mình.
Cả hai lối tiếp cận trên đều không phải là cách nên làm để tỏ lòng kính trọng đối với Steve Jobs. Thật may mắn, khi Jobs bị ốm, ông đã nhờ một nhà viết tiểu sử nổi tiếng người Mỹ, Walter Issacson, ghi chép lại câu chuyện về cuộc đời mình, và phỏng vấn những người khác quen biết ông.
Đương nhiên, bản tiểu sự này chỉ là bước đầu tiên, và nhiều người sẽ còn tiếp tục tranh luận về ý nghĩa của cuộc đời Steve Jobs.
Tuy nhiên, các chi tiết chúng ta có được hôm nay ấy cũng đủ làm nên một câu chuyện đáng chú ý, và chúng cung cấp nhiều bài học giá trị cho tất thảy người trên toàn thế giới, bao gồm – và đặc biệt là – những người ở Việt Nam.
Tại sao lại như vậy? Một lý do là tiểu sử về Steve Jobs cho ta những bài học, không phải một công thức. Khi bạn đọc để tìm hiểu về cuộc sống của ông, bạn nhận ra rằng quá nhiều điều thành công là nhờ vào những trường hợp đặc biệt và tình huống cụ thể.
Ví dụ, trong trường hợp Jobs là người đứng đầu, nhân viên trong công ty thường được kỳ vọng làm những điều rất khác bình thường. Có lần, khi một trong những giám đốc của Jobs phàn nàn về tình hình tại nhà máy sản xuất của Apple ở Trung Quốc, ông đã bảo thẳng với vị giám đốc phụ trách này, “vậy anh còn ở đây làm gì?” Người đàn ông đứng dậy đi thẳng ra sân bay, và lập tức bay ngay từ California đến Trung Quốc để giải quyết vấn đề.
Đây là một câu chuyện thú vị, nhưng tôi khuyên bạn không nên làm theo vậy như một công thức. Nếu bạn đứng lên trong một cuộc họp và cố gắng bay tới nơi nào đó như nước Mỹ, bạn sẽ tự nhận lấy những rắc rối thực sự.
Ở đây, chúng ta có thể rút ra bài học từ nguyên tắc chung ấy chứ không nên cố gắng bắt chước hành động cụ thể nào đó.
Điều này quan trọng vì – theo nhiều người quen thân với ông – Steve Jobs là người có tính cách phức tạp. Một mặt, ông có thể cư xử rất bốc đồng và thiếu chín chắn. Do đó, có lần ông từng lái xe quá tốc độ trên một đại lộ ở California.
Cảnh sát bắt được ông, ghi biên bản nộp phạt, và cảnh báo ông sẽ phải vào tù nếu tái phạm. Ngay sau khi vị cảnh sát đi khỏi, Jobs lại lái xe với tốc độ như cũ. Tôi không biết có thể rút ra bài học nào từ đây, ngoài việc chúng ta không thể lúc nào cũng trong đợi cuộc sống của những người nổi tiếng mang lại những bài học giá trị.
Nhưng – và đây là điểm mấu chốt nhất – liên quan đến cuộc cách mạng trong công nghệ tương tác của ông, “iRevolution”, Jobs không hoàn toàn thiếu chín chắn và bốc đồng. Chính trong lĩnh vực này, cuộc đời của ông để lại nhiều bài học nhất, cho Việt Nam, cũng như cho bất kỳ quốc gia nào khác.
Steve Jobs và những bài học cho cuộc sống
Máy tính bảng Ipad. |
Đó là vì, từ quan điểm của ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy Jobs hiểu được điều gì đó rất quan trọng về cách cả xã hội và công nghệ đang thay đổi. Trong những năm 1980, máy tính không hề có thêm điều gì mới, chúng vẫn vậy trong suốt hơn 30 năm.
Tương tự, không có gì mới từ thông điệp “hãy nghĩ khác biệt” vốn là slogan quảng cáo cho Apple Computers, và nó giúp khôi phục lại tài sản của Jobs sau năm 1997.
Khuyến khích người khác theo đuổi ước mơ của mình là một thông điệp rất bình thường ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Thay vào đó, điều khiến Jobs thành công đến vậy là việc ông tìm ra rất nhiều cách để tiếp thị công nghệ máy tính như một cách sống cá nhân hơn.
Tóm lại, ông đã tìm được cách cho thấy rằng những công nghệ hiện đại nhất có thể được sử dụng để phục vụ mục đích xa xưa nhất của loài người, nghĩa là tương tác với nhau và tìm cách để người khác chú ý đến mình.
Khi Steve Jobs qua đời, tài sản ròng của ông ước tính khoảng 8,3 tỉ USD, một con số khó tin với một người chưa học xong đại học, và một người trẻ khởi đầu với gần như hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, Jobs là một con người khá đặc biệt.
Và mặc dù ông còn đang lang bạt ở đâu đó tại Ấn Độ vào năm 20 tuổi, nhưng đến năm 25 tuổi, ông đã vững chắc trên con đường trở thành triệu phú. Nói gọn lại, ông có một năng lực phi thường để thành công.
Nhưng vì ông quá khác người nên những sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của ông cũng khó có thể dạy cho ta phương pháp để trở nên giàu có. Không học đại học thường khiến người ta khó học thêm được điều gì mới.
Nhưng ngay cả những người không thích Steve cũng phải thừa nhận ông rất tài trong việc nắm bắt nhanh chóng những cái còn mới mẻ. Đó có thể là vì bản chất thông minh của ông. Nghe nói, ngay khi mới học lớp bốn ông đã có thể giải những bài toán nâng cao dành cho học sinh trung học. Vậy nên, không nhiều người được bằng ông như thế.
Mặc dù chúng ta không thể tìm ra một công thức kiếm tiền qua cuộc đời của Steve Jobs, nhưng cái cách ông trở nên thành công rõ ràng đã cho chúng ta thấy những chân lý quan trọng về bản chất của thế giới hiện tại.
Cải tiến vĩ đại nhất của ông là giúp máy tính tương tác và công nghệ mạng Internet trở thành một phần của cuộc sống thường ngày đối với hàng trăm triệu người.
Ông đã thực hiện điều đó ra sao? Điểm đầu tiên cần làm rõ là ông không làm nên tất cả những thành công ấy một mình.
Thành công ban đầu của Jobs có được nhờ việc thành lập Apple Computer. Tuy nhiên, kết quả này sẽ không thể đạt được nếu không có nỗ lực của thiên tài kỹ thuật là Steve Wozniak. Chính Wozniak là người đã thiết kế những tính năng cơ bản của chiếc máy tính Apple đầu tiên.
Cùng lúc đó, khi Jobs và Wozniak đang phát triển chiếc máy tính này, họ có rất ít kinh nghiệm làm ăn để điều hành công ty của mình.
Jobs đi tìm kiếm những người khác, như doanh nhân Mike Markkula, để giúp công ty Apple Computer trở thành một hãng kinh doanh hiệu quả. Không có công sức của những nhân vật đó – và nhiều người nữa – Jobs sẽ không bao giờ trở nên thành công như đã đạt được.
Tuy nhiên, ngay cả khi một số người nói rằng Jobs không xứng đáng được ca tụng vì cách ông phụ thuộc vào sự hợp tác và nỗ lực của người khác, cũng có thể nói rằng không có Steve Jobs, những người này cũng chẳng có một công ty để làm những công việc như vậy. Điều này đưa tới bài học thứ nhất chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Jobs.
Mặc dù thường nổi tiếng (hay bị chỉ trích) là lập dị và cá nhân chủ nghĩa, Jobs lại rất thành công tỏng việc thuyết phục người khác hoàn thành dự án và làm việc theo một định hướng thống nhất. Để làm điều này, ông không tập hợp xung quanh mình những người yếu kém hơn, để ông có thể mãi mãi là ông chủ.
Thay vào đó, ông bố trí những con người rất thông minh, những người đôi khi còn tài năng hơn cả bản thân ông. Ông thành công nhờ có những nhóm này làm việc cùng nhau để đạt được những mục tiêu tham vọng.
Đằng sau đó, đôi điều về thời niên thiếu của Jobs cũng đáng để lưu tâm. Như đã biết, mặc dù Jobs chỉ là một người con nuôi, nhưng ông rất gần gũi với gia đình đã nhận nuôi ông – Paul and Clara Jobs – đến mức ông coi họ là người cha mẹ ruột duy nhất của mình.
Họ là những người khá giản dị. Paul làm nhiều công việc chân tay và liên quan nhiều đến việc sửa chữa ôtô, còn Clara làm người giữ sổ sách ở một công ty tại địa phương.
Mặc dù rất khó hiểu được đầy đủ câu chuyện về thời niên thiếu của người khác, nhưng xét trên một phương diện, Paul và Clara dường như là bậc cha mẹ hoàn hảo. Họ hết lòng vì việc học của con cái, ngay cả khi phải hy sinh nhiều thứ.
Tuy vậy, họ cũng không phải là những bậc cha mẹ “hổ”. Họ không mong con mình đi học ở Harvard, hay đỏi hỏi con cái phải làm những thứ khác để mang lại danh tiếng cho mình. Đúng hơn, họ dạy cho Steve Jobs ngay từ khi còn nhỏ rằng, hãy đừng làm việc chỉ vì mong muốn của người khác.
Họ dạy dỗ ông rất đúng mực, không cho phép ông lừa dối, và dạy ông biết tự hào vì những gì mình làm. Có lẽ vì thế, Jobs có thể tập trung vào các mục tiêu mà ông nghĩ là quan trọng nhất, không nhất thiết là những thứ mà người khác xung quanh ông cho là đáng làm nhất.
Chừng nào xã hội và công nghệ còn tiếp tục phát triển, cuộc cách mạng tương tác mà Jobs giúp mở ra sẽ càng thêm phát triển.
Con người tiếp tục tìm ra những phương thức mới để liên lạc với nhau, và những cách mới để cộng tác với nhau. Sẽ không nhiều người làm được như Steve Jobs, nhưng ít nhất chúng ta có thể học được nhiều điều từ cuộc sống của ông.
Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam