Nhớt thải lên đời

Nhớt thải lên đời
Dầu nhớt thải ra từ động cơ, ôtô, xe máy... được thu gom về nấu lại, pha hóa chất rồi đóng chai đem bán ra thị trường. Có hẳn những công ty sẵn sàng cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ biến hóa nhớt thải.

> Tái chế dầu bẩn, mỡ thối

Người làm tại Công ty Vạn Thành đổ nhớt tái chế đã được pha hóa chất vào các chai mang nhãn hiệu khác nhau rồi đóng nắp thành sản phẩm hoàn chỉnh - Ảnh từ clip
Người làm tại Công ty Vạn Thành đổ nhớt tái chế đã được pha hóa chất vào các chai mang nhãn hiệu khác nhau rồi đóng nắp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Ảnh từ clip.
 

Chúng tôi tiếp cận Tí, một đầu nậu thu gom nhớt thải tại P.Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương). Những câu chuyện “thâm cung bí sử” về việc biến nhớt thải thành nhớt xịn dần dần lộ sáng...

Chuyển giao công nghệ giá 900 triệu đồng

Công việc hằng ngày của Tí là đi gom dầu thải từ các tiệm sửa xe, nhà xưởng tại Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) và Thủ Đức (TP.HCM) với giá 5.000-7.000 đồng/lít về nấu lại cho ra dầu tái chế (hay còn gọi là dầu tái sinh, dầu cắt). Lượng dầu tái chế này tùy theo chất lượng từng loại, Tí đem bỏ mối lại cho những ai có nhu cầu dùng để bôi trơn động cơ, chạy động cơ hoặc pha lại đóng chai thành sản phẩm dầu nhớt dành cho xe máy.

“Nhớt nhiều lắm, mấy anh cần bao nhiêu cũng có. Muốn đóng bình thì tui giới thiệu chỗ cung cấp bình cho mua. Còn hóa chất tạo mùi thơm cho nhớt thì dễ ợt, lên chợ Kim Biên loại gì cũng có” - Tí tư vấn cặn kẽ.

Tại cửa hàng kinh doanh hóa chất ngành công nghiệp ở chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) thuộc Công ty Minh Trường, nhân viên cho biết hóa chất cho vào dầu nhớt tạo mùi thơm loại nào cũng có, từ mùi trái cây đến mùi hương các loại hoa với giá bán dao động 300.000-400.000 đồng/kg.

Loại được giới pha chế dầu nhớt ưa dùng hiện nay là mùi singum với giá 350.000 đồng. Nhân viên bán hàng cho biết dùng loại hóa chất này với tỉ lệ chưa đến 1% (100 lít dầu cho vào chưa đến 1 lít singum) sẽ tạo mùi thơm dễ chịu cho dầu nhớt nhưng không làm biến đổi màu sắc của loại nhớt được pha.

Ông Cư - một chủ tiệm sửa xe - cho biết đây là những chai nhớt (do PV mua đem tới) được làm từ nhớt tái chế rất gây hại cho động cơ, nhưng lại được nhiều tiệm sửa xe, rửa xe sử dụng vì giá rẻ. Ảnh: Nguyễn Nam
Ông Cư - một chủ tiệm sửa xe - cho biết đây là những chai nhớt (do PV mua đem tới) được làm từ nhớt tái chế rất gây hại cho động cơ, nhưng lại được nhiều tiệm sửa xe, rửa xe sử dụng vì giá rẻ. Ảnh: Nguyễn Nam.
 

Đầu nậu thu gom dầu thải về nấu lại đem bán như Tí chỉ thuộc loại “cò con”. Để có thể sản xuất quy mô lớn, các đầu nậu cần đầu tư dây chuyền máy móc dùng để nấu và lọc dầu. Hệ thống máy này đang được nhiều công ty chào bán với giá 900 triệu đồng, bao lắp đặt và bảo hành.

“Bên công ty sẽ chuyển giao công nghệ, giới thiệu nguồn mua nhớt thải, hóa chất về pha chế cho anh” - Lựu, nhân viên Công ty CP công nghệ Minh Đức (trụ sở tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội), chào hàng. Theo chỉ dẫn của Lựu, chúng tôi tìm đến văn phòng của Công ty Minh Đức tại số 33 đường 14, P.Phước Bình, Q.9 (TP.HCM) để được tư vấn trực tiếp.

“Bên em sẽ đến lắp đặt máy, vận hành cho đến khi máy chạy lọc ra dầu mới quay về” - Dân, nhân viên tại văn phòng trên, khẳng định. Hệ thống máy lọc dầu nhớt trọn gói mà Dân giới thiệu gồm có máy tách nước, cặn trong dầu nhớt thải công suất 100-200 lít/giờ, máy pha trộn và tẩy màu công suất 100 lít/giờ, máy chiết rót dầu nhớt bằng vòi chiết bán tự động.

Ngoài ra còn có máy in ngày sản xuất và hạn sử dụng lên sản phẩm, máy dán màng siêu (miếng giấy bạc bao miệng chai dầu nhớt). Kèm theo máy móc, công ty này sẽ chuyển giao cách vận hành máy, hướng dẫn công nghệ pha chế... Giá bán trọn gói cho hệ thống máy lọc dầu này là 900 triệu đồng.

Giá nào cũng có

Sau thời gian dài tìm hiểu, chúng tôi biết được Công ty Vạn Thành (đóng tại 19/2/7 đường số 20, khu phố 1, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) chuyên sản xuất dầu nhớt tái sinh pha với dầu gốc đóng bình thành phẩm dùng cho xe máy, được cho là đầu mối phân phối dầu nhớt dỏm ra thị trường lớn nhất hiện nay tại khu vực phía Nam. Sản phẩm dầu nhớt đóng bình tại đây được phân phối đi nhiều tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây nguyên với đủ loại thương hiệu.

Công ty này lúc nào cũng đóng cửa im lìm, thoạt nhìn bên ngoài không ai biết đây là nơi chuyên sản xuất dầu nhớt. Cổng vào công ty chỉ bằng cửa của một phòng trọ, tuy nhiên bên trong là một phân xưởng rộng lớn khoảng 1.000m2. Những vỏ nhựa dầu nhớt thể tích 1 lít với các thương hiệu Samurai, Mikedo, Hinooil, Superpower... được đựng trong các bao tải lớn chất thành đống ngay phía hành lang đi vào phân xưởng chiết rót bên trong. Hệ thống sản xuất tại đây rất hoàn chỉnh với nhiều bồn đựng dầu nhớt có vòi dẫn chiết vào chai, gần đó là máy đóng siêu và nắp chai tự động.

Bà Hương, quản lý tại đây, cho biết nơi này chỉ nhận đóng chai cho những mối hàng lớn, lấy hàng lâu dài, chứ không làm ăn cò con. Dầu đóng bình ở đây giá từ 26.000-35.000 đồng tùy theo tỉ lệ pha chế giữa dầu nhớt tái sinh với dầu gốc (dầu chất lượng cao được tinh lọc từ dầu thô) nhập khẩu về. Theo đó những tỉ lệ phổ biến là 3 (dầu gốc) - 7 (dầu tái sinh), 4-6 và 5-5. “Nhãn mác, siêu thì bên anh thiết kế chuyển qua để bên tôi đóng gói dán vào hoặc bên tôi làm luôn còn bên anh trả tiền. Nếu muốn tự thiết kế thì chúng tôi giới thiệu chỗ làm cho” - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, những chai dầu nhớt 1 lít công ty bán ra với giá 26.000 đồng/chai. Còn bên mua dầu khi dán nhãn mác rồi bán ra bao nhiêu do họ tự quyết định. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của những loại dầu nhớt siêu rẻ này hiện nay là vùng Tây nguyên, tỉnh Bình Phước và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Bà Hương đưa ra nhiều mẫu mã chai nhựa khác nhau cho khách hàng lựa chọn và kêu người làm công đem hóa chất tạo mùi hương đến để pha vào dầu nhớt. Phía khu vực đóng chai dầu nhớt, một người thợ đang đứng khởi động máy rót dầu nhớt vào những chai đã dán sẵn nhiều nhãn mác khác nhau. Rót dầu xong người này đem qua máy dập siêu và nắp chai tạo thành một chai dầu nhớt thành phẩm.

Chỉ có một loại dầu nhớt dán nhãn Hinooil là được ghi sản xuất tại Công ty Vạn Thành. Những sản phẩm khác có thương hiệu lạ hoắc như Superpower mặc dù đóng chai tại đây lại ghi là Công ty Toàn Phát (Q.8, TP.HCM), còn nhãn hiệu Mikedo được ghi là sản xuất và đóng chai tại Công ty Thịnh Phát, Quảng Ngãi.

Máy bị bào mòn nhanh, dễ hỏng hóc

Ông Cư, chủ một tiệm sửa xe máy trên đường Nguyễn An Ninh, thị xã Dĩ An, cho biết nhiều người đem dầu nhớt giả đến tiệm ông chào bán với giá rẻ hơn hàng chính hãng cung cấp từ 10.000-20.000 đồng/chai. Tuy nhiên, ông khẳng định chỉ những người thợ sửa xe làm ăn chụp giật, làm ven đường nay đây mai đó mới mua hàng nhái, hàng giả về bán, chứ làm ăn có lương tâm không ai tiêu thụ hàng này.

“Nhớt giả đổ vào chạy một lúc thì động cơ xe máy có vấn đề ngay vì không đảm bảo độ bôi trơn. Còn những loại nhớt 30.000 đồng/chai thì chất lượng cũng như vậy. Họ dùng nhớt thải nấu lại, giá rẻ nhưng không có chất lượng” - ông Cư tư vấn.

Theo ông Trương Ngọc Thanh - quản lý khu vực Đông Nam bộ của GS Oil (sản phẩm của Tập đoàn GS - Caltex, Hàn Quốc), sự khác biệt giữa dầu nhớt tái chế và dầu nhớt chất lượng của các sản phẩm chính hãng như Castrol, Honda, GS Oil, Shell, Total... là sản phẩm dầu nhớt của các tập đoàn dầu khí này được pha chế với công nghệ hiện đại, với thành phần gồm dầu gốc chất lượng được tinh lọc từ dầu thô (chiếm 80-99% trong dầu thành phẩm), pha chế với phụ gia (chiếm 1-20%), cùng với các tính năng khác như độ bôi trơn, chất chống đông...

Còn dầu nhớt tái chế được hiểu là dầu nhớt tái tạo từ dầu nhớt đã qua sử dụng thải ra, đã hoàn toàn hết tính năng của dầu bôi trơn. Loại dầu này không duy trì được lớp màng dầu giữa hai bề mặt tiếp xúc của chi tiết máy làm cho các chi tiết bị mài mòn nhanh. Do không đảm bảo tính năng bôi trơn nên khi sử dụng dầu tái chế, các thiết bị máy móc rất dễ xảy ra hỏng hóc bất thường.

Dầu tái chế cũng không còn tính năng chống oxy hóa và chịu nhiệt kém, vì vậy sẽ rất nhanh hao hụt. Ngoài ra, hàm lượng axit trong dầu tái chế rất cao (do người sản xuất thêm vào khi tái chế từ dầu thải) nên khi sử dụng sẽ đẩy nhanh tốc độ ăn mòn máy móc.

Theo Nguyễn Nam
Tuổi Trẻ

Thu giữ 1.080 chai dầu nhớt giả

Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) vừa bắt vụ vận chuyển dầu nhớt giả các thương hiệu Honda, Castrol, Vistra 300 với số lượng lên đến 1.080 chai. Cơ quan công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vương Văn Đồng (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) về tội sản xuất hàng giả. Dầu nhớt giả được Đồng chuyển đến chợ đầu mối Thủ Đức, sau đó chuyển đến các tỉnh miền Tây Nam bộ tiêu thụ. Ngày 24-8, khi Đồng thuê xe vận chuyển 1.080 chai nhớt giả trên thì bị bắt.

Ông Nguyễn Công Chắc, cán bộ thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an thị xã Dĩ An, cho biết ngoài số nhớt giả trên, cơ quan chức năng còn thu giữ một máy đóng siêu và nắp chai. Các mẫu nhớt trên sau khi đưa đi giám định đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng so với bảng công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của hàng chính hãng.

 

Phân biệt nhớt thật - nhớt giả

Trước vấn nạn nhớt giả tung hoành trên thị trường trong những năm qua, nhà phân phối các sản phẩm dầu nhớt của Motul, Shell, Castrol, Mobil, Total... là Công ty TNHH Dầu nhớt giá sỉ (Vietlube.com) đã đưa ra đặc điểm nhận dạng như sau: chai nhớt giả do sử dụng nhiều lần nên trên thân chai có dấu hiệu bẩn và lem dầu nhớt, trong khi chai nhớt thật thì rất sạch sẽ. Lớp niêm phong như nắp chai, vòng đệm nắp chai và siêu dán của chai nhớt giả do gia công bằng tay nên rất xấu. Riêng siêu dán của chai nhớt thật, nhiều hãng đã dùng siêu 3D rất tinh xảo.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu.

Trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng cũng bàn tán nhiều về nạn nhớt giả. Một thành viên trên diễn đàn Otohui chia sẻ kinh nghiệm: “Tem hàng giả thường in sai chính tả, thiếu dấu ở một số chữ, còn tem hàng thật được in rất rõ ràng, sắc nét. Những dấu hiệu khác là siêu của chai nhớt giả được dán rất xấu, không bằng phẳng, còn siêu của chai nhớt thật thì rất đẹp và mịn”.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG