Trong thời đại công nghệ 4.0, mọi ngành nghề đều phát triển theo hướng tích hợp công nghệ điện tử. Đặc biệt, với ngành giáo dục, việc đổi mới phương pháp học tập cũng như giảng dạy là yêu cầu bức thiết. Với mục đích phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, phần mềm Open Classroom được biết đến như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên.
Nhóm nhà khoa học trẻ phát triển phần mềm Open Classroom - công cụ hỗ trợ đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên. |
Vượt qua hơn 300 công trình khác, công trình “Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom” đã xuất sắc trở thành 1 trong 3 công trình đạt giải cao nhất giải thưởng “Tri thức trẻ vì Giáo dục” năm 2017 do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức. Hơn 2 năm tìm tòi và nghiên cứu, nhóm 5 bạn trẻ do anh Nguyễn Hữu Hải làm trưởng nhóm và anh Phạm Thành Nam là đồng sáng lập đã dày công tìm hiểu cũng như khảo sát thực tế về môi trường giáo dục tại Việt Nam.
Nói về động lực xây dựng phòng thí nghiệm ảo, anh Nguyễn Hữu Hải - người đồng sáng lập công trình cho biết, một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn. Đặc biệt, chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0.
Kết hợp với quá trình nghiên cứu công nghệ thông tin và tham khảo những mô hình giáo dục tiên tiến tại các nước phát triển, nhóm của anh Hải đã cho ra đời Open Classroom.
Anh Hải chia sẻ: “Open Classroom cho phép học tập thông qua tương tác, giúp mỗi học sinh học tập chủ động, tư duy sáng tạo và phát triển kỹ năng phù hợp với yêu cầu cuộc sống. Khác với các hệ thống giáo dục trực tuyến hiện có, Open Classroom tập trung vào yếu tố thực hành và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đảm bảo học đi đôi với hành”.
Một buổi dạy thí nghiệm trực tuyến của giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Ảnh: Ntthnue |
Open Classroom cung cấp dưới dạng website được tạo nên bởi nền tảng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay bao gồm: dữ liệu lớn, thực tại ảo, thực tại tăng cường và trí tuệ nhân tạo... Theo đó, người dùng có thể truy cập vào địa chỉ openclassroom.edu.vn để thực hành các bài học có trình độ từ lớp 1 đến lớp 12, với tất cả các môn học như: toán học-khoa học tự nhiên-kỹ thuật-công nghệ (STEM), khoa học xã hội, ngoại ngữ, nghệ thuật, kỹ năng sống và bao gồm nhiều vấn đề thiết thực như: giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông,…
Khác với hầu hết những môi trường cung cấp nền tảng giáo dục trực tuyến hiện nay (các bài giảng tài liệu, clip, slide), phòng thí nghiệm ảo cho phép người dùng học tập thông qua tương tác chứ không chỉ cung cấp thông tin một chiều.
Mỗi bài học tại Open Classroom là một khám phá, mỗi khóa học là một hành trình và mỗi thí nghiệm là một trò chơi sáng tạo. Ví dụ như với một thí nghiệm hóa học, học sinh có thể tự tay thực hành thông qua việc nhấp chuột lựa chọn các hóa chất, tỷ lệ và cho ra những kết quả chính xác. Bên cạnh đó, người học còn có thể lưu giữ và chia sẻ những bài học của mình.
Đi vào hoạt động từ ngày 10/10/2017, đến nay Open Classroom đã có hàng nghìn lượt người truy cập đăng ký trải nghiệm hệ thống. Phần mềm cũng được các nhà quản lý giáo dục đánh giá cao và có tiềm năng phát triển lớn hơn nữa. Open Classroom sử dụng nhiều công nghệ mới nhất hiện nay như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tại ảo, điện toán đám mây và áp dụng các tiêu chuẩn kết nối hiện đại.
Trong tương lai, nhóm dự định tiếp tục cung cấp nền tảng giáo dục miễn phí, tiếp nhận phản hồi và phát triển thêm nhiều tính năng mới cho sản phẩm. Mỗi thành viên đều mong muốn có thể triển khai sâu rộng công trình phục vụ cho ngành giáo dục, đặc biệt là hơn 22 triệu học sinh Việt Nam.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019. Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn