Nhớ ông hoàng cải lương, tuồng cổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, NSƯT Vũ Linh vẫn vinh dự được xếp vào danh sách “thế hệ Vàng” của sân khấu cải lương cùng với những tên tuổi lớn như Minh Vương, Thanh Sang, Thanh Tuấn...

Ông hoàng cải lương, tuồng cổ

Ngoại hình cao ráo, có gương mặt sáng cùng giọng ca ngọt ngào, từ khi bước chân lên sân khấu, Vũ Linh được chọn làm kép chính trong nhiều vở diễn. NSƯT Diệu Hiền - một trong những người thầy đầu tiên dạy Vũ Linh từ những ngày chập chững học nghề kể, Vũ Linh ham học hỏi và sáng dạ nên rất mau thuộc tuồng. Với những vở tuồng cổ đòi hỏi diễn viên không chỉ ca, chỉ diễn mà còn phải múa võ, Vũ Linh cũng học rất nhanh. Bởi thế, những vở diễn các tuồng tích cổ có nội dung kiếm hiệp, các đạo diễn thường chọn Vũ Linh. Trưởng thành từ các vai diễn ở những đoàn hát nhỏ như cải lương Khánh Hồng, cải lương Sông Bé, Thiên Nga…, chàng kép đẹp Vũ Linh được các đoàn cải lương có tên tuổi như Minh Tơ, Huỳnh Long, Trần Hữu Trang mời về.

NSƯT Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Trưởng thành sau năm 1975, nghệ sĩ Vũ Linh đã giành nhiều giải thưởng: Diễn viên được yêu thích nhất trong suốt nhiều năm; Huy chương Vàng giải triển vọng Trần Hữu Trang năm 1991; Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang năm 1995. Nghệ sĩ Vũ Linh vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1997.

Do bệnh nặng, NSƯT Vũ Linh qua đời vào ngày 5/3/2023 tại nhà riêng (quận Phú Nhuận, TPHCM) hưởng thọ 65 tuổi.

Những năm sân khấu cải lương hưng thịnh, tên tuổi của NSƯT Vũ Linh rực sáng và luôn có tên trong các vở diễn đình đám một thời như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Xa phu đi sứ, Chiêu Quân cống Hồ, Bàng quý phi, Bức ngôn đồ Đại Việt… Thời băng đĩa phát triển, NSƯT Vũ Linh tham gia đóng vai chính hơn 400 vở cải lương trên video, trở thành hiện tượng sân khấu ngày đó và được khán giả mến mộ gọi là “ông hoàng cải lương, tuồng cổ”.

Nghệ sĩ Phượng Mai từng diễn cùng NSƯT Vũ Linh trong nhiều vở cải lương, chia sẻ, chàng kép này luôn tìm tòi, nghiên cứu sâu từng vai diễn. Lối diễn của Vũ Linh rất đa dạng và biến hoá, tạo ra sự mới mẻ, từ đó chinh phục được khán giả. Ngày biết tin NSƯT Vũ Linh qua đời, nghệ sĩ Phượng Mai vô cùng xúc động: “Tạm biệt chàng Lương Sơn Bá - NSƯT Vũ Linh. Cảm ơn vì chàng đã được sinh ra, đã cống hiến cả đời vì nghệ thuật sân khấu cải lương và khán giả thân thương. Vô cùng biết ơn, vì chàng đã đồng hành cùng Phượng Mai trên bước đường nghệ thuật, cùng tạo nên một cặp đôi đẹp, những tuồng tích và những vai diễn hay. Khán giả sẽ mãi nhớ đến chàng. Và chàng sẽ mãi là ông hoàng trong lòng mọi người, mãi mãi”.

Nhớ ông hoàng cải lương, tuồng cổ ảnh 1

NSƯT Vũ Linh

NSƯT Lê Thiện, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang kể, ngày mới về đầu quân cho nhà hát, vở diễn đầu tiên NSƯT Vũ Linh tham gia là Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Sức hút của kép Vũ Linh mạnh tới mức sân khấu sáng đèn suốt thời gian dài, trong đó có những ngày nhà hát phải diễn tới 3 suất mới đáp ứng đủ nhu cầu khán giả. Năm 1991, khi giải thưởng Trần Hữu Trang dành cho các nghệ sĩ cải lương ra đời, NSƯT Vũ Linh là kép hát duy nhất được trao giải thưởng danh giá này, cùng với những cô đào tên tuổi ngày đó như Thanh Hằng, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy,… Sau này, có những nghệ sĩ được giải thưởng Trần Hữu Trang ngày đó đã xa rời sân khấu vì nhiều nguyên nhân nhưng Vũ Linh vẫn lựa chọn đứng trên sân khấu cải lương cho tới khi lâm trọng bệnh.

Ông thầy - mát tay”

Không chỉ là một ngôi sao trên sân khấu cải lương, với nhiều đồng nghiệp, NSƯT Vũ Linh còn là một người thầy rất “mát tay”. Trong mỗi vở diễn, không chỉ hoàn thành tốt vai diễn của mình, chàng kép này còn góp tay dìu dắt bạn diễn cùng thăng hoa. Nhiều cô đào gạo cội như Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ...và sau này là các đào trẻ như Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh... đều thành danh khi đóng cặp với Vũ Linh. NSƯT Thoại Mỹ kể, chị đã đóng cặp với NSƯT Vũ Linh trong nhiều vở diễn và cảm nhận sức hút sân khấu của anh luôn lan toả mạnh mẽ. Thoại Mỹ nhớ lại: “Bên ngoài sân khấu, anh Vũ Linh là người vui vẻ, hoà đồng nhưng đến khi tập vở, anh ấy rất nghiêm khắc. Ai diễn chưa đạt, Vũ Linh bắt tập đi, tập lại, thậm chí anh ấy còn lên sân khấu hướng dẫn luôn. Tôi coi anh Vũ Linh là một nghệ sĩ tài hoa, một người anh luôn tâm huyết và khao khát chỉ dạy nghề cho đàn em, con, cháu... Anh ấy xứng đáng là một tượng đài của sân khấu cải lương”.

Nhớ ông hoàng cải lương, tuồng cổ ảnh 2

Được khán giả và đồng nghiệp trân quý bởi tài năng, ngoài đời, NSƯT Vũ Linh còn được yêu mến bởi tính cách trung thực, chân tình, thành tâm với bạn bè, đồng nghiệp. Khi sức khoẻ đi xuống, Vũ Linh lui về hậu trường, hỗ trợ cho thế hệ đàn em và đỡ đầu một số nghệ sĩ trẻ như Bình Tinh, Vũ Luân... Nghệ sĩ Bình Tinh kể, cô coi NSƯT Vũ Linh như cha, thường xuyên được “ba Linh” góp ý trong các vai diễn. Khi đoàn Huỳnh Long phục dựng lại thương hiệu, dù đang lâm bệnh, NSƯT Vũ Linh vẫn nhận lời trở về đứng trên sân khấu. Ông cũng nhiệt tình tham gia công tác thiện nguyện, đi hát quyên góp tiền cho những người nghèo, các mái ấm tình thương. Vũ Linh đã góp sức xây dựng được 11 mái ấm tình thương, tổ chức quyên góp giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Bởi sống hết mình vì mọi người, trong những ngày diễn ra lễ tang của NSƯT Vũ Linh, đông đảo nghệ sĩ đã tới viếng và gửi vòng hoa chia buồn. Hàng trăm khán giả yêu mến NSƯT Vũ Linh, dù có người ở rất xa đã không quản ngại, tìm đến tận nơi, thậm chí thức trắng đêm chỉ để mong được thắp nén nhang tiễn biệt.

Anh Lê Hùng (quê An Giang) kể, từ Long Xuyên, anh phải đi từ 2 giờ sáng để kịp đến đám tang thần tượng. “Ngày trước, tuồng nào có Vũ Linh đóng, tôi cũng mua đĩa. Với tôi, Vũ Linh là một nghệ sĩ tài năng mà các thế hệ sau này khó có ai thay thế được”.

MỚI - NÓNG