“Rái cá” làng Nú
Làng Nú sát bên dòng sông Pô Kô êm đềm. Xế chiều thường có vài con thuyền độc mộc cũ kĩ lập lờ vào bờ. Cảnh này gây nhớ một thời nơi đây có người anh hùng Puih San (1937 - 2000, bí danh A Sanh, người Jrai) xuyên đêm tay trần chèo thuyền đưa bộ đội, vũ khí, gạo qua sông bằng chiếc thuyền độc mộc.
Ông Rơ Lan Kai là một trong những người hiếm hoi cùng đơn vị với anh hùng A Sanh hiện còn sống. Ông Kai kém ông Puih San chừng một giáp. Hồi hoạt động cách mạng, ông Kai được phân công nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Campuchia về các huyện Ia Grai, Chư Păh (đều của tỉnh Gia Lai), còn ông Puih San được giao dùng thuyền độc mộc chở bộ đội, lương thảo, đạn dược qua lại dòng Pô Kô. “Puih San là người anh đi trước.Ông tham gia cách mạng tầm chục năm thì mình mới tiếp bước. Lúc đó mình mười mấy tuổi. Dù nhỏ tuổi nhưng lưng mình gùi đầy súng, gạo vượt đường rừng mấy ngày. Muỗi, vắt, sên là chuyện nhỏ, sợ nhất là hổ và thú hoang nhiều vô kể”, ông Kai nhớ lại. Ròng rã 4 năm gùi vũ khí, lương thảo, cho đến một ngày quãng lưng chiều, địch tập kích đường đi, may mắn bộ đội đã đi trước cản chân chúng. Ông Kai cùng gần 30 người khác phải đi đường vòng suốt 3 đêm trong rừng. Khi về đến doanh trại mắt ai cũng sâu hoắm, chân tay run lẩy bẩy vì đói.
Kể về người anh Puih San, đôi mắt ông Kai chợt sáng rực, nhìn về phía dòng Pô Kô. Ông nhớ như in thuở còn bé cùng người anh Puih San và đám trai làng dắt nhau ra sông đan lưới bằng cây rừng bắt cá. Ngày đó, thuyền độc mộc là phương tiện duy nhất để ra giữa sông Pô Kô bắt con cá to nhất, nhà nào cũng có thuyền buộc ven bờ. Riêng chàng thanh niên Puih San ngày còn nhỏ đã có sải tay dài, khỏe mạnh, bơi lội, chèo thuyền giỏi nhất nên được mệnh danh là “rái cá” làng Nú. Chính thế mà năm 1961 chàng thanh niên vạm vỡ, khí chất ấy được giao nhiệm vụ lái đò đưa bộ đội, vũ khí, lương thực qua sông Pô Kô. Ông Kai nhớ, ngoài ông Puih San còn có 3 người khác chia nhau thay ca chèo thuyền qua dòng Pô Kô.
Theo cựu chiến binh, việc qua sông chỉ diễn ra vào đêm tối đến mờ sáng. Bởi thế, để xác định vị trí, mọi người dùng đèn dầu đặt ở bờ sông bên kia làm tiêu, rồi đưa mái chèo về phía ấy. Khổ nhất là mùa mưa khi nước sông Pô Kô cuồn cuộn, địch liên tục thả pháo sáng, tung biệt kích, mật thám lùng sục tìm lực lượng của ta. Để đảm bảo an toàn, ông Puih San phải dời bến liên tục.
Dành cả cuộc đời phục vụ cách mạng nên 40 tuổi ông Puih San mới lấy vợ là bà Siu Phil ngày đó làm du kích, gùi đạn, vũ khí. Qua dò hỏi mới hay, bà Siu Phil giờ đã gần 70 tuổi và có với ông Puih San ba người con trai và một con gái. Bà đang sống với con trai út 30 tuổi ở thôn Thị Tứ, xã Ia Krăi, huyện Ia Grai. Bà Phil không nói được tiếng phổ thông nên cuộc trò chuyện chỉ ngắn ngủi qua lời phiên dịch của anh con trai út.
Người cuối cùng đóng thuyền
Giờ đây làng Nú chỉ còn già Rơ Lan Pêng và già Siu Tuýt đã ngoài 80 biết đóng thuyền độc mộc. Họ là những bạn thân của anh hùng Puih San. Đã hơn mười năm rồi ông Pêng cất dụng cụ làm thuyền độc mộc là chiếc rìu, đục đã tháo cán vào một góc trang trọng trong nhà.“Mình sẵn sàng truyền nghề cho bất kỳ ai nhưng bây giờ người ta đi thuyền máy thôi, thuyền độc mộc đang già theo mình rồi”, già Pêng trầm ngâm.
Ông Rơ Lan Kai bên bờ sông Pô Kô nhớ lại thủa bé |
Nhà thơ Mai Trang đã sáng tác bài thơ Người lái đò trên sông Pô Kô để ca ngợi anh hùng A Sanh. Bài thơ sau đó đã được nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc thành bài hát Người lái đò trên sông Pô Kô liên tục được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng thời kỳ chiến tranh.
Theo già Pêng, cây gỗ để làm thuyền độc mộc chủ yếu là giáng hương hoặc dầu, càng to càng tốt. Ngày xưa hai loại gỗ này dọc sông Pô Kô rất nhiều. Cây bé cũng hai người ôm nhưng giờ không còn nữa. Với ông Pêng, đóng thuyền độc mộc đơn giản, chỉ nhìn qua một lần là biết làm nhưng khi người đàn ông trong làng đi hạ cây gỗ thì người phụ nữ ở nhà phải kiêng bổ củi, cuốc đất, nhất là không được cúng Yàng ở nhà để Yàng còn cho người đàn ông sức khỏe, tìm thấy cây gỗ cứng nhất.
Già Pêng nói, khi tìm được thân gỗ ưng ý rồi, trước khi đặt lưỡi rìu đầu tiên phải khấn “Ới Yàng, ới Thần núi, Thần sông hãy về đây phù hộ cho cây gỗ đổ xuống yên lành. Cho con thuyền dù sóng to gió lớn vẫn bơi như con cá trên sông. Cho chủ nó mạnh chân sáng óc, đi thả lưới lưới mắc nhiều cá, đi rẫy rẫy được nhiều lúa, ơ Yàng!”. Đục đẽo thuyền xong lễ vật cúng cũng chỉ đơn giản là con gà, ché rượu cần trước khi đưa thuyền xuống sông.