Hết thời Rolex “của để dành”
Đồng hồ đeo tay là đồ vật không chỉ dùng để đo lường thời gian mà còn mang giá trị trang sức rất lớn. Trên thế giới đã có những bảo tàng trưng bày các mẫu đồng hồ từ thời xa xưa cách đây vài trăm năm, cho đến những mẫu đương đại. Ở đó du khách có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu không chỉ những thiết kế đẹp, mà còn có thể hiểu thêm về lịch sử, về văn hoá, xã hội từng thời kỳ.
Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử nên sự xuất hiện của các hãng đồng hồ cũng muộn hơn các quốc gia thay đổi. Trước 1975 ở miền Nam cũng đã có người sử dụng đồng hồ của các nhãn hiệu Thụy Sỹ, nhưng ở miền Bắc có lẽ rất hiếm. Sau ngày thống nhất đất nước, vì hoàn cảnh và quan niệm, người Việt chủ yếu sử dụng đồng hồ của các nước Đông Âu hoặc Nhật Bản. Không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác, đồng hồ chưa thật sự trở thành thú chơi.
Thế nhưng những năm gần đây, mọi việc đã thay đổi khi cuộc sống được nâng lên, rào cản thương mại bị dỡ bỏ, các nhãn hiệu đồng hồ thâm nhập thị trường ngày một phong phú.
Có lẽ cái tên phải kể đến đầu tiên chính là Rolex. Rolex thâm nhập thị trường Việt Nam sớm và chiếm được niềm tin của người Việt chính bằng phẩm cấp thương hiệu, mẫu mã, nhưng điểm quan trọng nhất lại là mức giá. Ở thời điểm cách đây khoảng trên 15 năm, ít ai thấy các sản phẩm đồng hồ cao cấp khác ngoài Rolex. Có lẽ do chúng đắt hơn và người dùng chưa đủ thông tin để chấp nhận một mức giá mà họ chưa hiểu rõ về giá trị văn hoá và lịch sử.
Cuộc sống lấp lánh kim tiền
Con người không ai giống ai nên sự rung cảm cũng đến từ nhiều góc độ và rất phong phú. Với những người có tính thực dụng cao, luôn coi trọng kết quả của công việc bằng một giá trị vật chất nhất định, họ rất dễ bị cuốn hút bởi những chiếc đồng hồ bằng vàng khối và gắn nhiều kim cương. Khi đeo trên tay, sự lấp lánh của kim cương, sự vững chãi chắc chắn của vàng làm họ cảm thấy đồng điệu. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, loại đồng hồ này được tiêu thụ rất nhiều. Lý do rất đơn giản, vì hầu hết doanh nhân Việt Nam đều đang trên đà đi lên với một mục tiêu rõ ràng và nhất quán, tích luỹ và gia tăng tài sản. Bạn có thể nhìn thấy ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn khác, rất nhiều người đeo đồng hồ như vậy. Với họ đó là một sự khẳng định về vị trí và thu nhập. Điểm hướng tới của họ chính là một cuộc sống kim tiền lấp lánh.
Khi đọc đến đây, chắc sẽ có nhiều người bảo rằng tôi có suy nghĩ không tôn trọng với những người như vậy. Xin thưa, không! Việc lao động để làm ra của cải vật chất là một điều đáng được tôn trọng. Dùng tiền làm thước đo hiệu quả là một điều rất thực tế. Những người như vậy luôn luôn cần cho một xã hội phát triển. Nhưng đến một lúc nào đó, họ thảnh thơi hơn, họ thoải mái hơn, sẽ nghĩ đến những điều gì? Chắc chắn họ sẽ nghĩ đến gia đình, quan tâm hơn đến sức khoẻ, dành nhiều thời gian để khám phá tìm hiểu những giá trị văn hoá,… Và cũng từ đây, thị trường cho đồng hồ sang trọng “không kim cương” bắt đầu được mở rộng.
Thời đại hoàng kim của Rolex ở Việt Nam kéo dài khoảng một thập kỷ, và sau đó Rolex phải nhường chỗ cho các nhãn hiệu khác.
Tỉ mỉ là một đẳng cấp
Hệ đầu tiên của đồng hồ dạng này phải nói đến Tourbillon. Loại đồng hồ này được phát minh vào năm 1798 bởi người thợ chế tác bậc thầy Abraham-Louis Breguet. Mục đích của phát minh này là loại bỏ sự tác động của trọng lực lên tính đẳng thời của quả lắc (trên những chiếc đồng hồ thời bấy giờ). Việc chế tạo một bộ tourbillon cực kỳ phức tạp, vì người ta phải ghép từ 40 - 90 chi tiết lại với nhau. Trong khi đó, tổng trọng lượng cho cả bộ dao động này cũng chỉ nặng từ 0,2 -0,6 gram.
Đặc tính chính xác và độ khó trong chế tác nên đồng hồ tourbillon đã chiếm được sự ngưỡng mộ của những người giàu yêu sự tỉ mỉ. Ngay cả khi ngồi ngắm chiếc đồng hồ với những vòng chuyển động đã truyền cho người dùng những cảm hứng thú vị. Loại đồng hồ này hiện nay đang rất phổ biến đối với người dùng Việt Nam, nhất là những người tinh tế và kín đáo.
Hệ tiếp theo có giá trị cao hơn tourbillon chính là “minute repeater”. Đây là đỉnh cao trong cuộc đua “cơ chế phức tạp” của những nhà sản xuất đồng hồ. Từ xa xưa, khái niệm xem giờ của con người không chỉ được thực hiện bằng mắt, mà còn từ tai nghe. Âm thanh được phát ra từ những chiếc đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn, báo hiệu những mốc thời gian tương ứng. Và “minute repeater” làm được điều đó trên những chiếc đồng hồ đeo tay. Thế giới gọi vui loại đồng hồ này là “clock-watch”. Đương nhiên giá đắt khỏi phải bàn và số lượng cũng rất giới hạn.
Gần đây, theo dõi trên thị trường, tôi thấy xuất hiện một dòng đồng hồ mới. Mới không phải nó mới được sáng chế ra, mà là sự mới mẻ của quan niệm người dùng. Đồng hồ nghệ thuật, và đồng hồ sản xuất riêng biệt. Sự phức tạp đã được chuyển hoá từ máy móc sang các tác phẩm được đặt trong đồng hồ.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng những quảng cáo về đồng hồ như vậy. Có chiếc được vẽ lên bề mặt những bức tranh châu Âu cổ đại, hay chạm khắc hoa văn trên thân vỏ và khoá cài; có khi được gắn ghép tỉ mỉ bằng những dát vàng rất mảnh để tạo thành một bức tranh. Có thể kể đến những nhãn hiệu tiêu biểu như Vacheron Constantin, Patek Philippe, Jaquet Droz hay Bovet… Đây là một tín hiệu rất đáng vui mừng của thị trường, điều này chứng tỏ người dùng Việt Nam ngày một tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Họ không chỉ hướng tới những giá trị vật chất thông thường, mà đã có những mong ước khác thật sự đẳng cấp.
Đã có những khách hàng đặt sản xuất riêng đồng hồ cho chính mình, với những hoạ tiết, những thông điệp của bản thân hay gia đình. Điều đó nói lên sự tự hào, khát vọng của họ với một tương lai thành công hơn và nhiều giá trị hơn.
Để có thể sở hữu loại đồng hồ clock-watch, người chơi chắc chắn phải rất yêu những giá trị âm thanh xưa cũ, có tính hoài niệm cao và phải có rất nhiều tiền. Cũng không có nhiều doanh nhân Việt Nam sở hữu loại đồng hồ này. Có lẽ giá thành của nó thực sự chưa phù hợp với hoàn cảnh và tình yêu của họ.