Nhiều thay đổi trong cách ly, xét nghiệm, tiêm vắc xin tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều thay đổi trong cách ly, xét nghiệm, tiêm vắc xin tại TPHCM
TPO - Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc họp với Bộ phận thường trực hỗ trợ TPHCM chống dịch và các đơn vị chuyên môn để thảo luận các hướng dẫn với TPHCM nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16 trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết những ngày gần đây, TPHCM liên tục ghi nhận số mắc tăng cao từ 700 - 1.000 trường hợp mắc mới/ngày, ghi nhận các trường hợp mắc trong cộng đồng tại chợ đầu mối, khu công nghiệp và đã lây lan sang các địa phương lân cận.

Không cách ly F1 tại nhà với gia đình có bệnh nhân COVID-19

Nhận định trong những ngày tới, số trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ có nhiều thay đổi trong chuyên môn phòng dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng vắc xin ở TPHCM, trong đó, cách ly, xét nghiệm là hai vấn đề nổi cộm nhất.

Về vấn đề cách ly, với khu vực nguy cơ rất cao (là khu vực phong toả), F1 được cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung.

Tại khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6/2021 của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu. Đặc biệt, người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.

“Với những hộ gia đình có F0 thì cả nhà phải đi cách ly tập trung. Chủng này lây lan rất nhanh, nếu có một thành viên nhiễm thì hầu như các thành viên trong gia đình đều dương tính”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về vấn đề cách ly, theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, với khu vực nguy cơ rất cao (tức là khu vực phong toả), F1 được cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định cử 24 đoàn công tác tới thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của thành phố nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, 24 đội công tác vào hỗ trợ TPHCM cũng như Bộ phận thường trực phải lưu ý để giúp thành phố điều phối xét nghiệm. Trong đó, cần giao phòng xét nghiệm COVID-19 cho các quận, huyện để tiếp nhận mẫu và gửi trả kết quả nhanh, giảm từ 24 giờ xuống 12 giờ.

Riêng với khu vực vùng có nguy cơ rất cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình. Với khu vực nguy cơ cao tần suất lấy mẫu là 7 ngày/lần, có thể tăng tần suất nếu điều kiện cho phép. Với khu vực còn lại, tiến hành lấy mẫu đại diện hộ gia đình, trong đó chọn người hay đi ra ngoài, có mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều để lấy mẫu.

“Để tránh người dân phải ra ngoài, tụ tập, với khu vực nguy cơ rất cao và cao cần lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm lấy mẫu. Nếu test nhanh thì trả ngay kết quả cho hộ gia đình, nếu làm RT-PCR thì chỉ gộp mẫu trong gia đình đó mà không gộp với hộ gia đình khác”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý về vấn đề tiêm vắc xin. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng việc cấp vắc xin cho TPHCM. Tuy nhiên, thành phố phải tổ chức theo dạng chiến dịch, có điểm khác so với trước đây. Cụ thể, với khu vực nguy cơ rất cao và cao cần tổ chức thành nhiều điểm tiêm lưu, chia thành nhiều khung giờ để bảo đảm giãn cách. Bộ Y tế sẽ điều khoảng 30 xe tiêm lưu động và bàn giao thí điểm một số xe cho TPHCM vào ngày mai (10/7).

MỚI - NÓNG