Game show nở rộ:

Nhiều quán quân, ít nghệ sĩ nổi bật

TP - Số lượng quán quân trong các cuộc thi tài năng ngày một nhiều, song không dễ để tìm ra những cái tên thực sự nổi bật. Một số cuộc thi mở ra nhằm mục đích thương mại, nhà tổ chức “đem con bỏ chợ” khiến thí sinh loay hoay tìm đường đi.

Sớm nở, chóng tàn

Quán quân game show sớm nở, tối tàn không phải chuyện hiếm trong làng giải trí, nhất là trong bối cảnh chương trình thực tế, cuộc thi chen chân phát sóng trên truyền hình, mạng xã hội. Giành ngôi vị Quán quân Giọng hát Việt 2013 khi mới 16 tuổi, Vũ Thảo My tưởng nhanh chóng gặt hái thành công. Bẵng đi một thời gian dài, Thảo My hầu như mất hút.

Từ năm 2021, chỉ riêng ba thương hiệu ăn khách của Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TPHCM và Đài truyền hình Vĩnh Long đã nảy nở hơn 100 game show truyền hình. Năm 2023, nhiều game show âm nhạc rầm rộ trở lại. Sau bảy năm tạm dừng phát sóng, BTC chương trình Vietnam Idol bất ngờ thông báo cuộc thi sẽ được tổ chức trở lại. Chương trình Giọng hát Việt cũng trở lại đường đua sau ba năm vắng bóng. Ca sĩ mặt nạ khởi động sau năm 2022 đầy sức hút. Rap Việt mùa 3 hoàn thành buổi casting đầu tiên tại TPHCM ngày 3/4... Trong thời gian tới, danh sách quán quân trong làng giải trí lại được nối dài.

Năm 2015, Vũ Thảo My ra mắt một số sản phẩm âm nhạc nhưng không tạo được dấu ấn. Cuối năm 2022, cô trở lại làm thí sinh trong game show Thần tượng đối thần tượng. Ya Suy cũng là trường hợp để lại tiếc nuối khi không thể gắn bó với nghệ thuật sau khi giành Quán quân Vietnam Idol 2012. Bước ra từ cuộc thi đình đám, giọng ca người Chu Ru vướng nhiều tranh cãi khi tỏ ra “lép vế” so với Á quân Hoàng Quyên.

Sau đó, anh bị bạn gái cũ tố phụ bạc, có con riêng. Từ đó, nam ca sĩ gần như rút khỏi làng giải trí. Giọng ca sinh năm 1987 lựa chọn những công việc như làm vườn cà phê, nuôi gà, cắt cỏ… để trang trải cuộc sống. Ya Suy cho biết hài lòng với cuộc sống của một người lao động bình thường.

Nhiều quán quân, ít nghệ sĩ nổi bật ảnh 1

Game show nhiều đẻ ra nhiều quán quân nhưng không phải ai cũng duy trì được sức hút

Trần Ngọc Ánh là thí sinh giành chiến thắng tại Giọng hát Việt 2018. Cô thừa nhận chật vật theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và nhận thấy vị thế Quán quân của một game show không còn nhiều sức hút. Ngọc Ánh tiết lộ, hoang mang và lạc hướng vì không có các mối quan hệ trong giới giải trí. Nhiều trường hợp á quân nhận được sự chú ý nhiều hơn người dẫn đầu.

Sau chiến thắng gây tranh cãi ở King of Rap mùa đầu tiên, rapper ICD (Phạm Ngọc Huy) có phần im ắng hơn những Á quân là Pháo hay HIEUTHUHAI. Đặc biệt, HIEUTHUHAI (Trần Minh Hiếu) được coi là thí sinh thành công nhất cuộc thi. Hiếu nhanh chóng trở thành tâm điểm của mọi sô truyền hình thực tế mà anh tham gia, đắt sô quảng cáo, chăm chỉ ra sản phẩm âm nhạc và có lượng người hâm mộ đông đảo.

Nhiều quán quân, ít nghệ sĩ nổi bật ảnh 2

Nhiều nghệ sĩ trẻ nổi bật sau các cuộc thi âm nhạc dù không giành chiến thắng cao nhất

Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt theo dõi showbiz Việt nhận định số lượng các tài năng nghệ thuật được “khai phá” không nhiều.

“Tần suất dày đặc của các game show trên truyền hình khiến khán giả lầm tưởng giới giải trí có nhiều cái tên đình đám, nhiều tài năng trẻ. Tuy nhiên, nhiều game show chỉ theo đuổi mục đích kinh doanh, giải trí đơn thuần”, Nguyễn Phong Việt phân tích.

Anh cho rằng việc á quân thành công hơn quán quân là chuyện bình thường. Game show đôi khi chỉ là “viên gạch lót đường”. Thực lực của thí sinh mới là yếu tố quyết định họ có đi đường dài hay không.

“Hành trình của thí sinh khi bước ra từ game show, tiến vào giới giải trí thực thụ không hề dễ dàng. Ngoài tài năng, thí sinh nên có sự hỗ hỗ trợ của ê-kíp, cơ duyên trong nghề… Vị trí quán quân, á quân hay hạng 3, hạng 4 ở Việt Nam không quá quan trọng”, Nguyễn Phong Việt nói.

Khó xây dựng thương hiệu

Sau khi trở thành quán quân của game show âm nhạc, các thí sinh nhận được sự quan tâm rất lớn từ công chúng. Không chỉ vậy, những người đứng trong tốp đầu cũng nhận được nhiều sự chú ý. Chương trình Vietnam Idol đánh dấu bước đầu thành công của Phương Vy, Uyên Linh, Trọng Hiếu, Đông Nhi, Văn Mai Hương, Bích Phương, Trung Quân, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang…

Tuy nhiên, bên cạnh những quán quân toả hào quang trên sân khấu, không ít người lại dần lu mờ. Nguyên do đến từ việc không tạo được thương hiệu cá nhân hoặc nhanh chóng thỏa mãn với những thành công ban đầu mà buông lơi, không chịu trau dồi.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo, Giám đốc âm nhạc của vòng Chung kết Sao Mai 2022 khẳng định việc đạt được danh hiệu từ cuộc thi âm nhạc là cơ hội tốt cho người làm nghề. Tuy nhiên điều đó chưa đủ để khẳng định tên tuổi của các thí sinh sau khi đoạt giải một cách mạnh mẽ trên thị trường. “Các em cần tự lực rất nhiều sau chương trình. Một khi có giải thưởng, các em khó có thể vẫn hoạt động như trước cuộc thi. Sau cuộc thi họ thường gặp nhiều áp lực từ thị trường. Nói một cách khác, nếu các em có những chủ trương hay chiến lược nghiêm khắc, thực thi được mới có thể thành công nối tiếp từ nền tảng chiến thắng đã có”, nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ.

Ngày càng nhiều chương trình âm nhạc ra đời, liên tục xuất hiện các ngôi sao trẻ đến mức khán giả không theo dõi và ghi nhớ hết. Thị trường ngày càng khắt khe, đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ có giọng hát mà còn có sự đầu tư vào từng sản phẩm âm nhạc như bài hát hay, vũ đạo, hình ảnh, MV đẹp. Khán giả thể hiện sự quan tâm đến việc nghệ sĩ xuất hiện trước công chúng, truyền thông, cách ứng xử với người hâm mộ thế nào, thậm chí là người trợ lý cũng phải nhanh nhạy, hay nhà sản xuất gắn với nghệ sĩ đó là ai.

“Nhìn xa hơn, tôi lại cho rằng đây là vấn đề không hay của cả thị trường âm nhạc khi du nhập văn hóa làm công nghiệp âm nhạc từ các nước giàu có và có đời sống giải trí tự do phóng khoáng vượt xa nước mình, không giống mình ở nhiều khía cạnh”, nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ. Theo ông, cốt lõi của mỗi nghệ sĩ trẻ là tìm thấy cái tôi nghệ thuật đích thực và hoàn thiện mỗi ngày, thay vì mải miết, bằng mọi giá tìm kiếm các cơ hội sau một chiến thắng.

Trước đây, nhiều thí sinh trẻ coi các chương trình, cuộc thi truyền hình thực tế là cơ hội đổi đời, tiến thân vào showbiz. Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng quan điểm này không sai, bởi thực tế giới giải trí ở nước ta thiếu những ê-kíp chuyên nghiệp làm nên tên tuổi của nghệ sĩ với xuất phát điểm từ con số 0. Tuy nhiên, thời gian gần đây chất lượng các game show trong nước không được đánh giá cao. Nhà sản xuất dễ “đem con bỏ chợ” nên thí sinh khó phát triển.