Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), kết thúc tháng 10 chỉ còn 34 công ty vốn hóa hơn tỷ USD, hụt đi 5 đơn vị so với tháng 9 và 12 đơn vị so với thời điểm đầu năm. Cách đây không lâu, lúc đỉnh điểm, số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng xấp xỉ ngưỡng 70.
5 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất HoSE, tính đến cuối tháng 10 (thống kê: HoSE). |
Những doanh nghiệp bị loại khỏi danh sách tỷ đô so với tháng trước, gồm: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Chứng khoán SSI, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN Genco3).
Như vậy, với việc SSI bị loại, nhóm vốn hoá tỷ USD không có công ty chứng khoán. Thời đỉnh cao, nhóm chứng khoán đóng góp đến 3 đại diện, thậm chí vốn hóa SSI còn từng vượt ngưỡng 2 tỷ USD. Tính đến ngày 31/10, vốn hoá SSI chỉ còn hơn 24.272 tỷ đồng, giảm đến 1 nửa so với lúc đỉnh.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn chiếm áp đảo, với 12 đại diện. Vietcombank là đơn vị duy nhất có mức định giá trên 10 tỷ USD (347.840 tỷ đồng).
Đứng tiếp theo trong danh sách tỷ USD là PV Gas, với quy mô 214.640 tỷ đồng và Vingroup ở vị trí thứ 3, vốn hoá 211.292 tỷ đồng. Qua tháng 10, vốn hoá Vinhomes đã mất mốc 200.000 tỷ đồng, rơi mạnh về 159.947 tỷ đồng.
Tại HoSE, mức vốn hoá trên 100.000 tỷ đồng còn có các doanh nghiệp như Ngân hàng BIDV, Vinamilk, Novaland, VietinBank, VPBank, Sabeco.
Thứ hạng của nhóm tỷ USD cũng có nhiều xáo trộn. Trong đó, đáng chú ý, HPG rời khỏi nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu. Qua 1 năm, cổ phiếu "quốc dân" này đã giảm 65%, và tính riêng tháng 10 là 26%. Mức định giá P/B (so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) chỉ đạt 0,9 lần, điều rất hiếm khi xảy ra bởi các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (đặc biệt các doanh nghiệp hàng đầu, thường có P/B lớn hơn 1). Vốn hóa thị trường của HPG bị “thổi bay” khoảng 6,5 tỷ USD trong vòng 1 năm qua, xuống còn 91.000 tỷ đồng (hết tháng 10).
Trong khi đó, sàn HNX đã không còn doanh nghiệp tỷ USD, khi đại diện cuối là KSFinance (KSF) rời nhóm.
Về diễn biến thị trường, tháng 10, chứng khoán tiếp tục biến động xấu. VN-Index lao dốc về 1.027,94 điểm, giảm 28,8% so với tháng 9. Một số ngành ghi nhận mức giảm rất mạnh như: Nguyên vật liệu (giảm 59,39%), bất động sản (giảm 39,27%), năng lượng (giảm 36,76%). Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch trong tháng 10 là 240.446 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với tháng trước.