Theo nhận định của các chuyên gia về lâm nghiệp và bảo tồn rừng, đây là một dự án có tiềm năng, được tổ chức chặt chẽ, sở hữu nhiều điểm sáng để có thể trở thành mô hình điểm trong công tác phát triển, bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điểm sáng trong công tác tổ chức, xây dựng mô hình
Dự án Rừng An Lành được khởi xướng bởi Cỏ Mềm với sự tham gia của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Chiềng La, huyện Thuận Châu; Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững SRD và người dân địa phương trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, giai đoạn 2 là thực hành trồng 2ha rừng đầu nguồn giữ nước.
Các thành viên của dự án trồng cây tại Chiềng La |
Trong đó, Cỏ Mềm đóng vai trò là đơn vị tổ chức, khởi xướng chương trình, tài trợ toàn bộ cây giống, phân bón, vật liệu trồng cũng như tham gia trực tiếp vào dự án. Chính quyền địa phương đóng vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của rừng đầu nguồn và bảo vệ môi trường, đồng thời giám sát, bảo vệ các khu vực rừng được phục hồi để cây trồng phát triển tốt. Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững SRD có vai trò đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân về phương pháp canh tác bền vững, kỹ thuật nông lâm kết hợp và quản lý rừng, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của người dân.
Buổi tập huấn kiến thức cho người dân |
Cuối cùng, người dân địa phương, những người trực tiếp tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc và quản lý rừng, đóng vai trò duy trì và gìn giữ tính bền vững cũng như phát triển của dự án. Cỏ Mềm hiểu rằng, câu chuyện trồng rừng mới chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng nhất sau khi thương hiệu và các đơn vị hỗ trợ rời đi, là cây trồng phải được chăm sóc và bảo vệ tốt, thì mới có thể trở thành những cánh rừng vững chãi, trù phú trước thiên nhiên. Người dân chính là lực lượng nòng cốt, chính yếu thực hiện dự án này, đồng thời họ cũng là những “người gieo mầm xanh” hiệu quả nhất khi lan tỏa, giới thiệu dự án này tới các cộng đồng, địa phương khác.
Trong dự án, để thúc đẩy người dân tham gia sâu hơn vào hành trình trồng, bảo tồn rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu, Cỏ Mềm và SRD đã đặc biệt xây dựng một mô hình mới: mô hình nông lâm kết hợp - lấy ngắn nuôi dài, khác với mô hình phục hồi rừng thông thường (chỉ tập trung vào việc trồng lại rừng ở những khu vực đã bị khai thác hoặc suy thoái). Tức là cây nông nghiệp như cafe, gừng, sắn,... và cây lâm nghiệp như mỡ, trám đen, dó bầu được trồng xen kẽ nhau để tối ưu hóa việc sử dụng đất và các nguồn tài nguyên, cải thiện năng suất và bền vững.
Trám đen, dó bầu, mỡ được lựa chọn để ứng dụng trong mô hình trồng rừng nông lâm kết hợp |
Từ đó, vừa giúp giải quyết bài toán kinh tế cho bà con địa phương vừa giải quyết được nút thắt trong việc trồng và bảo tồn rừng bền vững. Sự tham gia của người dân địa phương trong việc trồng, chăm sóc và quản lý cả 2 loại cây, đồng thời cam kết và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường cũng trở nên tích cực hơn.
Hân hoan trong buổi trồng rừng, chị Quàng Thị Phượng - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La chia sẻ: “Đây thực sự là một chương trình rất ý nghĩa với xã và bà con nhân dân. Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, giám sát, phát triển thành mô hình này thành mô hình điểm, để nhân rộng trong thời gian tới”.
Điểm sáng trong công tác vận động, tập huấn kỹ thuật cho người dân
Trong dự án, công tác tổ chức giáo dục nhận thức và tập huấn kỹ thuật cho người dân cũng được Cỏ Mềm thực hiện rất chỉn chu và kỹ lưỡng. Bởi chỉ khi nắm vững kiến thức khoa học, kỹ thuật, người dân mới có thể thực hành dự án một cách trọn vẹn và bền vững nhất.
Cán bộ kiểm lâm “cầm tay chỉ việc” kỹ thuật trồng cây cho bà con |
Trong buổi tập huấn, bà con được trình bày, hỏi đáp, thảo luận, được thực hành thông qua những chia sẻ, giảng dạy của các chuyên gia, cán bộ có chuyên môn. Những “lỗ hổng” trong kinh nghiệm trồng cây của người dân như nhổ sạch cỏ, sử dụng thuốc trừ cỏ, đốt thực bì, bón phân trực tiếp vào rễ cây,... cũng được các chuyên gia chỉ ra và giải thích rất rõ ràng. Qua đó, giúp nâng cao khả năng sống sót của cây, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp của người dân một cách rõ rệt.
Ông Cà Văn Soong (bản Song, xã Chiềng La) tại buổi tập huấn của dự án |
Ông Cà Văn Soong 64 tuổi, chia sẻ sau buổi tập huấn: “Trước kia chúng tôi chỉ trồng theo kinh nghiệm nên chưa hiệu quả, nhiều sai sót. Qua buổi tập huấn này tôi đã biết thêm kỹ thuật trồng rừng, như mật độ thưa, dày như thế nào, tác hại của thuốc diệt cỏ ra sao. Tôi mong muốn sẽ áp dụng kiến thức để trồng được nhiều đồi xanh.”
Được biết, câu chuyện ý nghĩa và những hình ảnh đẹp của dự án Rừng An Lành hiện đã và đang được Cỏ Mềm lan tỏa mạnh mẽ tới đông đảo cộng đồng, xã hội.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về chiến dịch này qua fanpage của Cỏ Mềm theo địa chỉ: https://www.facebook.com/comemhomelab