Nhiều điểm sáng trong bức tranh đẩy lùi hủ tục

0:00 / 0:00
0:00
Những năm qua, ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền, nên những năm gần đây tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa phương đã giảm đáng kể, các giải pháp thiết thực trong giai đoạn tới được đặt ra để ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này.

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, các cấp, ngành tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về hôn nhân góp phần giảm thiểu tình trạng này.

Là một trong những hoạt động tuyên truyền đem lại chuyển biến tích cực, năm 2020 chương trình truyền thông “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết” do Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc miền núi (HRC) phối hợp với Phòng giáo dục đào tạo, Phòng dân tộc huyện Cư M’gar triển khai tại 22 trường THCS trên địa bàn huyện.

Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) là một điểm sáng. Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của trường chiếm 94 %. Sau khi tham gia các hoạt động tuyên truyền, học sinh đã trở thành những tuyên truyền viên nhí vận động bạn bè, gia đình, người thân thay đổi về quan niệm trong hôn nhân gia đình. Em H Đa Ni Niê (lớp 8B, Trường THCS Ngô Mây) chia sẻ: “Sau khi tham gia các buổi sinh hoạt được nhà trường tổ chức, em hiểu được tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, là một trong nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Để có một sức khỏe tốt, cuộc sống hạnh phúc thì bản thân chúng em phải luôn cố gắng học hành. Em về tuyên truyền lại cho bố mẹ, người thân, họ hàng hiểu được nguy hiểm, hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Nhiều điểm sáng trong bức tranh đẩy lùi hủ tục ảnh 1

Ở các thôn, buôn vùng sâu, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường

Buôn Brah (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) chủ yếu là người dân tộc Êđê. Những năm trước, người dân giữ tư tưởng “đông con hơn đông của” nên hầu như gia đình nào cũng con đàn cháu đống, nghèo đói đeo bám mãi. Chi bộ buôn Brah xây dựng nghị quyết và quán triệt các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), đồng thời tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân. Từ năm 2013, người dân trong buôn đã thống nhất đưa nội dung DS-KHHGĐ vào quy ước chung của buôn: Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con; không phân biệt đối xử con trai hay gái; không tảo hôn; không sinh dày... Gia đình nào vi phạm sẽ đưa ra cuộc họp dân kiểm điểm, viết cam kết không tái phạm và bị dân làng chê cười...nhờ thực hiện nghiêm túc quy ước nên nhiều năm nay buôn Brah không còn tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3; khoảng 90% số hộ trong buôn được công nhận “Gia đình văn hóa”; 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học.

Theo ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức, hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, mô hình can thiệp và việc cung cấp thông tin như tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu,...về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. So với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án năm 2015 thì hiện tại, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể; nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình, ý thức chấp hành pháp luật từng bước được nâng lên.

Nhiều điểm sáng trong bức tranh đẩy lùi hủ tục ảnh 2

Mỗi gia đình, người dân thôn, buôn vùng sâu là tuyên truyền viên về luật hôn nhân, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao

Năm 2017-2020, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền cho gần 3.900 lượt học viên tại địa bàn 30 xã có tỷ lệ tảo hôn hôn nhân cận huyết cao; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định nội dung, Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản theo quy định để biên soạn, in ấn và cấp phát gần 300 nghìn tờ rơi, lắp đặt trên 100 áp phích; 18.800 cuốn Sổ tay hỏi-đáp về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. UBND các huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc, UBND xã phối hợp phòng, ban liên quan thực hiện Đề án. Chủ động lồng ghép được 322 hội nghị cung cấp thông tin và phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 24.000 lượt học viên…

MỚI - NÓNG