Tại hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày về các tiến bộ mới nhất trong can thiệp tim mạch, thay van động mạch chủ, cấp cứu, sốc tim,... Đặc biệt, tại hội trường còn diễn ra tường thuật trực tiếp ca can thiệp động mạch vành thành công tại BVĐK Hồng Ngọc, ứng dụng kỹ thuật nong phủ thuốc kết hợp với phần mềm đo phân suất dự trữ lưu lượng vành không xâm lấn vFFR (vessel Fractional Flow Reserve) lần đầu tiên tại miền Bắc.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch học Việt Nam cho biết: “Tim mạch là lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác và cập nhật liên tục. Những tiến bộ trong công nghệ y học đang mở ra cơ hội mới để chúng ta cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh của chúng ta. Tôi hy vọng rằng, qua các phiên thảo luận và bài trình bày của các chuyên gia đầu ngành, chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của y học tim mạch, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Toàn cảnh Hội nghị |
Với sự phát triển của y học hiện đại, điều trị bệnh tim mạch có nhiều tiến bộ như bằng xâm lấn tối thiểu như: Nong và đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, thay van động mạch chủ và sửa van hai lá qua đường ông thông… Tuy nhiên, trên một số nhóm đối tượng bệnh nhân bị bệnh động mạch vành nhạy cảm có nguy cơ chảy máu cao, nguy cơ tái hẹp trong stent, huyết khối trong stent cao đặc biệt người có bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh nền: tăng huyết áp, béo phì, đái đường, bệnh lý gan thận…thì nong bóng phủ thuốc đang là giải pháp được đánh giá cao.
Mở đầu phiên thảo luận về kỹ thuật nong bóng phủ thuốc trong điều trị bệnh mạch vành cho đối tượng có nguy cơ chảy máu cao của PGS.TS.Lee Joo Myung, Viện Tim mạch Đột quỵ, Trung tâm Y tế Samsung, Trường Y khoa Đại học Sungkyunkwan, Seoul, Hàn Quốc cho biết: Nong bóng phủ thuốc (DEB) là xu hướng mới trong điều trị hẹp mạch vành. Khác với stent truyền thống, bóng phủ thuốc không cần khung giá đỡ kim loại nên không để lại thiết bị nào trong lòng mạch. Điều này giúp quá trình nội mạc hóa diễn ra nhanh hơn và giảm nguy cơ huyết khối cấp. Ngoài ra, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc chống đông máu ngắn hạn sau thủ thuật, giảm nguy cơ chảy máu.
GS.TS.BS Ying-Hwa Chen, Giám đốc Bệnh Tim Cấu trúc, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc trình bày trình bày về kỹ thuật Cusp Overlap. Kỹ thuật này là phương pháp tiên phong giúp giảm thiểu rối loạn dẫn truyền sau khi thay van động mạch chủ qua da, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các biến chứng dẫn truyền. Cusp Overlap còn giúp xác định vị trí của dây dẫn trong tâm thất trái, mức độ căng của dây; tối ưu việc đặt van hơn,...
GS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch học Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Nhiều tiến bộ mới trong y học mở ra cơ hội cho bệnh nhân tim mạch
Tại Hội nghị đã diễn ra 7 phiên báo cáo chuyên sâu về các tiến bộ mới nhất trong can thiệp tim mạch, thay van động mạch chủ, cấp cứu sốc tim,... Những báo cáo này đóng vai trò như một “la bàn chiến lược”, mở ra hướng điều trị, nâng cao tỉ lệ thành công cho mỗi ca can thiệp trong điều trị tim mạch.
Tại phiên thảo luận về cập nhật chẩn đoán hội chứng vành cấp của Ths.BSCK II Lý Đức Ngọc, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E giúp phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác bệnh, tối ưu hóa điều trị, cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Những cải tiến ấy không chỉ giảm thiểu biến chứng, chi phí y tế mà còn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch toàn diện.
Báo cáo về hội chứng động mạch chủ cấp của TS. Lê Xuân Thận - Phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia giúp phát hiện và điều trị kịp thời hội chứng động mạch chủ cấp, cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân đồng thời giảm chi phí…
Hình ảnh trong ca live can thiệp ứng dụng kỹ thuật nong bóng phủ thuốc mạch vành bị hẹp nặng cho bệnh nhân 65 tuổi có nguy cơ chảy máu cao |
Dấu ấn nổi bật tại hội nghị là ca can thiệp ứng dụng kỹ thuật nong bóng phủ thuốc mạch vành bị hẹp nặng cho bệnh nhân 65 tuổi có nguy cơ chảy máu cao bằng kỹ thuật nong bóng phủ thuốc, kết hợp với phần mềm vFFR đo phân suất dự trữ lưu lượng vành không xâm lấn của Ths.BS Nguyễn Văn Hải thực hiện.
Đây là lần đầu tiên vFFR được triển khai thực hiện tại miền Bắc, giúp xác định chính xác vị trí tổn thương mà không cần đặt thiết bị vào cơ thể, tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian điều trị. Ca can thiệp này được phát sóng trực tiếp tại hội nghị, kết quả can thiệp thành công, để lại ấn tượng sâu sắc và trở thành điểm nhấn của chương trình.
Hội nghị lần này là một phần của chuỗi liên kết và hợp tác đào tạo quốc tế của Hồng Ngọc, nhằm cập nhật những kiến thức và kỹ thuật y học tiên tiến nhất. Điều này tạo điều kiện cho các bác sĩ của Bệnh viện nói riêng và bác sĩ Việt Nam nói chung, đặc biệt là khoa Can thiệp Tim mạch, có cơ hội nâng cao tay nghề và phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.
Bệnh viện Hồng Ngọc với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đào tạo nhân lực, cũng khẳng định vị thế tiên phong trong chăm sóc sức khỏe tim mạch.