Liên hoan báo cáo viên giỏi toàn quốc lần thứ II - 2019:

Nhiều chủ đề 'nóng', mô hình hay

Chị Trần Thị Kim Phượng (ngoài cùng bên phải là một trong những thí sinh tham gia Liên hoan báo cáo viên giỏi toàn quốc) chia sẻ với các bạn trẻ về mô hình hoa lan Mokara Ảnh: NVCC
Chị Trần Thị Kim Phượng (ngoài cùng bên phải là một trong những thí sinh tham gia Liên hoan báo cáo viên giỏi toàn quốc) chia sẻ với các bạn trẻ về mô hình hoa lan Mokara Ảnh: NVCC
TP - Liên hoan báo cáo viên giỏi toàn quốc lần thứ II năm 2019 có chủ đề “Sáng mãi niềm tin theo Đảng” do T.Ư Đoàn tổ chức không chỉ xuất hiện những điểm mới trong hình thức tranh tài, chất lượng đội ngũ báo cáo viên mà còn có nhiều chủ đề “nóng”, hấp dẫn.

Liên hoan là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); tạo môi trường để đội ngũ báo cáo viên các cấp có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rèn luyện, trau dồi kỹ năng. Sau vòng sơ khảo, liên hoan đã chọn 90 thí sinh lọt vào vòng bán kết. Từ ngày 21 đến 23/11, liên hoan diễn ra vòng bán kết và chung kết tại TPHCM.

Nhiều chủ đề “nóng”

Theo ban tổ chức, nội dung chủ đề báo cáo của các thí sinh “mang hơi thở” cuộc sống, là những vấn đề tổ chức Đoàn, đoàn viên thanh niên quan tâm. Các vấn đề được tiếp cận, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau, qua đó có các kiến nghị, đề xuất giải pháp. Chẳng hạn, chủ đề chủ quyền quốc gia có cơ sở pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; nhận thức và cách phản biện những luận điệu sai trái về chủ quyền biển đảo, tuổi trẻ tham gia việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Liên quan đến không gian mạng, có mô hình, giải pháp tập hợp thanh niên qua mạng xã hội; nâng cao văn hóa ứng xử của thanh niên trên mạng xã hội; nắm bắt, thu hút, định hướng thanh thiếu nhi trên không gian mạng; thông tin xấu độc trên không gian mạng và ứng xử của cán bộ Đoàn.

Đặc biệt nhiều thí sinh tập trung chia sẻ về chủ đề Giáo dục lý tưởng Cách mạng cho thanh niên theo Tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng giá trị hình mẫu trong thanh niên thời đại mới; khởi nghiệp sáng tạo; cơ hội và thách thức cách mạng công nghiệp 4.0 trong thanh niên; chất lượng sinh hoạt chi đoàn ở nông thôn; vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trong trẻ em; vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số; phòng chống biến đổi khí hậu, rác thải nhựa.

Mô hình hay, cách làm hiệu quả

Anh Bùi Văn Tưởng (ở Bạc Liêu) chia sẻ mô hình Câu lạc bộ (CLB) Thuyết minh viên du lịch, thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, có nhiều “tiếp lửa” cho du lịch. CLB thành lập từ năm 2014, có 95 thành viên thường xuyên tham gia. Với phương châm “Lịch thiệp, văn minh, hiếu khách, chu đáo, nhiệt tình, ấn tượng”, thành viên CLB hướng dẫn hàng nghìn lượt khách du lịch tham quan các địa danh, di tích. Đặc biệt, CLB luôn là lực lượng chính tại các sự kiện do Bạc Liêu đăng cai tổ chức như: Festival Đờn ca tài tử quốc gia, Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan văn hóa Khmer Nam bộ, Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường...

Anh Tưởng cho biết, CLB thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các tour du lịch như: Tour du lịch tìm hiểu về lịch sử truyền thống đấu tranh của quân và dân Bạc Liêu, tour du lịch giải trí, tour du lịch ẩm thực, tour du lịch tìm hiểu về kiến trúc,… kết hợp giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống bằng cách giao lưu với các nhân vật lịch sử, tổ chức kết nạp đoàn viên, đảng viên; chơi trò chơi, thi hỏi đáp. Ngoài ra, CLB  tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cho các thành viên và kết nạp thêm thành viên mới tạo mạng lưới khắp các địa phương.

Chị Trần Thị Kim Phượng (ĐH Tiền Giang) cho rằng, muốn khởi nghiệp thành công cần tư duy tích cực; muốn hun đúc tinh thần, kiến thức khởi nghiệp cần đọc sách. Chị gợi ý 5 cuốn sách: “Quốc gia khởi nghiệp”, “Khuyến học”, “Nghĩ giàu làm giàu”, “Đắc nhân tâm”, “Không bao giờ thất bại, tất cả là thử thách” đúc kết các bài học thành công của nhiều quốc gia, nhân vật ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực do “vua cà phê” Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ tuyển chọn. “Bài học về tinh thần khởi nghiệp của Irsael mà vượt xa hơn đó chính là tinh thần ý chí, tư duy thay đổi bản thân và lòng tự tôn dân tộc. Bạn hãy đọc sách và mài chí để hành động cho một Việt Nam hùng mạnh ảnh hưởng và trường tồn trước mọi mối đe dọa thiên tạo lẫn nhân tạo. Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được thì nước ta làm được”, chị Phượng chia sẻ.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, đầu năm 2019, chị Phượng bắt tay khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất lan Mokara cắt cành ứng dụng công nghệ cao. Ý tưởng khởi nghiệp của chị bắt nguồn từ thực tế nhu cầu lớn tiêu thụ hoa lan Mokara ở Tiền Giang, trong khi thị trường cung ứng lại không nhiều. Từ số vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, tưới phun sương và lan giống về trồng, đến nay chị Phượng trồng hơn 3.000 cây lan Mokara. Đồng thời thu hoạch được đợt đầu tiên với hơn nghìn cành hoa.

Chị Phan Thị Trang (Học viện Ngân hàng, Hà Nội) giới thiệu về cách thành lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường. Cụ thể, thành lập CLB Hướng nghiệp quốc tế - icareer tạo mạng lưới, kết nối sinh viên đào tạo quốc tế với thị trường việc làm; phát triển kỹ năng tiếng Anh. Mở rộng mô hình cụm các CLB có liên quan đến khởi nghiệp như CLB Đầu tư, Kinh doanh quốc tế, Tài chính, Nghiên cứu khoa học... Đồng thời xây dựng mạng các chuyên gia tư vấn đào tạo, mạng lưới các nhà đầu tư, tài trợ. Từ năm 2016 đến nay thu được kết quả tích cực với nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên, nhận được lời mời đầu tư từ các doanh nghiệp; có cơ hội kêu gọi vốn...

Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần và Công nghệ Dịch vụ Moca.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, điểm mới của Liên hoan lần này là các vòng thi được ứng dụng công nghệ thông tin; đăng tải 120 video chuyên đề của báo cáo viên; thí sinh tham gia trực tiếp báo cáo tại cơ sở để tương tác với đoàn viên, thanh niên với tinh thần “đối tượng nghe làm trung tâm để đánh giá chất lượng báo cáo viên”. 

MỚI - NÓNG