Bệnh nhân đang được cấp cứu kịp thời khi gọi số 115. Ảnh: Lao Động |
Theo TS-BS Đỗ Quốc Huy - Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu TPHCM - tại VN, nếu đúng theo nghĩa cấp cứu thì bác sĩ (BS) phải đến với người bị nạn thì ngược lại, BS chỉ biết ngồi chờ bệnh nhân chở đến bệnh viện (BV)...
Bác sĩ chờ bệnh nhân!
Đầu tháng 3.2010, một trường hợp trú tại quận 1 bị tai biến mạch máu não, gia đình đưa vào BV N ở quận 5, thay vì gọi điện thoại để nhân viên cấp cứu đến vừa “tranh thủ giờ vàng” để làm các động thái hồi sức tích cực và đưa vào đúng nơi để can thiệp trúng đích thì ngược lại BV cứ... mãi miết tìm nguyên nhân và hậu quả bệnh nhân hôn mê sâu và sau đó tử vong. Mới đây, một bệnh nhân bị đột quỵ ngã xuống hôn mê được người nhà chuyển thẳng bằng xe taxi đến một BV ở quận 5.
Điều đáng tiếc BV này thiếu điều kiện triển khai phương pháp điều trị loại thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch nên khi chuyển bệnh nhân đến BV Cấp cứu Trưng Vương thì đã muộn và hậu quả là bệnh nhân bị liệt toàn thân vì đã quá “thời gian vàng”.
Theo BS Huy, nhiều người dân vẫn quan niệm sai lầm là chỉ có đến BV mới được cấp cứu. Trong khi đó, cấp cứu còn có một ý nghĩa khác quan trọng hơn, BS phải đến được với bệnh nhân ngay tại nơi xảy ra biến cố. Trong những trường hợp như tai biến mạch máu não, chỉ cần cấp cứu đến sớm trong 10 - 15 phút, khả năng sống của bệnh nhân sẽ tăng thêm 30%. Còn trong những ca ngưng tim ngưng thở, nếu người phát hiện tiến hành ngay các biện pháp sơ cứu như hà hơi thổi ngạt và sau đó gọi cấp cứu, các BS ngoại viện sẽ “tiếp ứng” bằng các thiết bị phá rung, bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội sống.
Theo BS Tôn Thất Quỳnh Ái - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy - nhiều BV tuyến trên và BV tuyến dưới thì chưa hình thành được mạng lưới cấp cứu. Phần lớn các trường hợp chuyển viện cấp cứu không hợp lý do tuyến dưới không kết nối thông tin để thông báo tình hình bệnh nhân.
Gọi cấp cứu 115 là quyền lợi của người dân (ảnh minh hoạ) |
Chi phí rẻ hơn cả cước taxi
Một khảo sát chuyển viện tại BV Nhi Đồng 1 của BS chuyên khoa II cho thấy, từ tháng 3.2003 – 2.2004, BV tiếp nhận 701 ca chuyển viện. Trên 90% chuyển viện không báo trước nơi nhận. Điều đáng lo ngại là 90,9% số trường hợp có biến cố khi chuyển viện không xử lý được, do không phát hiện được và vượt quá khả năng của nhân viên hộ tống chuyển viện. Trong khi đó, chỉ khoảng 3,7% được trang bị đầy đủ y dụng cụ cấp cứu như bình ôxy, bóng giúp thở, máy hút đờm, ống nghe, máy đo huyết áp, kim tiêm, dụng cụ truyền dịch...
Theo các BS của khoa Cấp cứu ngoại viện 115 – BV Trưng Vương, khi có cấp cứu riêng lẻ ngoài cộng đồng (ốm đau, tai nạn...), chưa tới 50% số người dân biết nhấc điện thoại lên gọi vào tổng đài 115. Tuyệt đại đa số không biết mình có quyền được cấp cứu ngay tại nhà, hoặc ngay tại hiện trường.
Mỗi ngày, trung bình khoa Cấp cứu của BV Trưng Vương tiếp nhận từ 20 – 30 ca tai nạn giao thông, hầu hết đều được đưa đến bằng các phương tiện sẵn có như xe máy, taxi,
xíchlô. Nhiều ca trong số đó đã bị những biến chứng do cấp cứu ban đầu không đúng cách.
Điển hình trường hợp anh T.V.H - trú tại quận Tân Phú, TPHCM, bị gãy xương đùi do tai nạn giao thông. Người đi đường đã giúp nẹp cố định xương bằng hai mảnh gỗ. Tuy nhiên, trên đường đưa anh H tới BV bằng xe máy, người ngồi sau cố đỡ phần đùi gãy nằm ngang, máu tụ và bắp chân bị sưng nề, khiến cho thần kinh ở đùi bị chèn ép. Mặc dù đã được chữa trị, nhưng sự vận động của các ngón chân anh H. đã bị yếu đi.
Theo BS Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện, BV Trưng Vương - người dân cứ tưởng gọi cấp cứu là tốn phí. Thực tế, chi phí này rẻ hơn rất nhiều so với cước taxi: Chỉ 5.000 đồng/1km và tiền khám cho bệnh nhân là 30.000 đồng/lần. Bên cạnh đó, người dân có thể gọi cho 115 để được tư vấn những sơ cứu ban đầu cho nạn nhân.
Theo Võ Tuấn
Lao Động