Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, tại thời điểm bệnh nhân mới xuất hiên bệnh không thể biết trước bệnh nhân nào sẽ là nặng hay nhẹ. Bởi lẽ các bệnh nhân khi mới mắc COVID-19 có thể có các triệu chứng khởi phát hoặc không, nhưng đa số sau 7 ngày sẽ sang giai đoạn hồi phục. Ngược lại, có nhiều bệnh nhân khi khởi phát có thể không có triệu chứng gì đáng kể, nhưng sau 7-8 ngày lại có biểu hiện rất nặng hoặc thậm chí tử vong. Do vậy tại thời điểm bệnh nhân mới xuất hiện bệnh không thể biết trước bệnh nhân nào sẽ là nặng hay nhẹ mà chỉ sau ngày thứ 8-9 mới xác định được tình trạng. Do đó, một bệnh nhân COVID-19 được coi là không triệu chứng, hay biểu hiện nhẹ nếu từ khi khởi phát bệnh đến lúc khỏi hẳn không hề có biểu hiện gì hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ.
“Từ đó chúng ta có thể thấy, thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày thứ 7-8. Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều bệnh nhân khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7-8 của bệnh. Do đó cần coi những bệnh nhân mới phát hiện SARS-CoV2 dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7-8. Còn những bệnh nhân sau ngày thứ 8 mà không có dấu hiệu diễn biến gì xấu có thể coi là những người bệnh nhẹ, không cần điều trị gì thêm và có thể đưa ra cách ly chờ hồi phục”, bác sĩ Cấp nói.
Bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm chẩn bệnh
Khó khăn lớn nhất hiện tại là nhiều bác sĩ còn nhầm lẫn, cho rằng bệnh nhân nhập viện không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nghĩa là họ là bệnh nhân nhẹ, do đó xếp họ vào khu vực không được theo dõi sát và không phát hiện được các diễn biến nặng kịp thời.
Tiếp đó, để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng đòi hỏi phải có những xét nghiệm đánh giá về đông máu và miễn dịch, và biết cách phiên giải phù hợp kết quả xét nghiệm này. Do bệnh COVID-19 là bệnh lý mới xuất hiện, nên nhiều nơi chưa thực hiện được các xét nghiệm này và các thầy thuốc chưa có kinh nghiệm nhận định, phiên giải các xét nghiệm này. Vì vậy phải đợi đến khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới phát hiện ra sẽ làm việc điều trị bệnh nhân kém hiệu quả.
Khó khăn thứ 3 là ngay cả những bệnh nhân có tổn thương phổi nặng và suy hô hấp, thì nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng không có biểu hiện khó thở. Tình trạng này được gọi là “thiếu ôxy yên lặng”. Theo bác sĩ Cấp, nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm tốt và không có đủ thiết bị đo độ bão hòa ôxy máu có thể bỏ sót và dẫn đến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong.
Từ trước đến nay, các làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam chủ yếu xảy ra ở các khu công nghiệp, nên người mắc chủ yếu là công nhân trẻ, ít bệnh nền, do vậy số tử vong ít. Một số đợt dịch xảy ra trong bệnh viện, trên những nhóm bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong khá cao. “Trong tất cả các đợt dịch xảy ra, chúng ta đều kiểm soát bệnh nhân F0 ngay từ đầu, khống chế được số bệnh nhân nặng không vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống hồi sức và chưa từng để xảy ra tình trạng thiếu máy thở, thiếu ôxy hay nhân viên y tế kiệt sức không chăm sóc nổi bệnh nhân. Do vậy chúng ta đã giữ được tỷ lệ tử vong chung do COVID-19 khá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Đợt dịch này xảy ra ở diện rộng với số bệnh nhân mắc bệnh nhiều hơn, đòi hỏi hệ thống điều trị phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới giữ được thành quả đó”, bác sĩ Nguyễn trung Cấp nhận định.