Nhét 2 viên pin vào tai, bé trai 5 tuổi bị thủng màng nhĩ

Nhét 2 viên pin vào tai, bé trai 5 tuổi bị thủng màng nhĩ
TPO - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ống tai phải nề, nhiều mô hoại tử, khó quan sát vì tai bé 5 tuổi nên khá nhỏ.

Ngày 5/9, thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết Bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 5 tuổi, ngụ Bình Thuận bị thủng màng nhĩ vì nhét viên pin điện tử vào tai.

Theo lời kể của người nhà, vào ngày 30/8, trong lúc đang chơi đồ chơi hình quả trứng, bé trai đã nhét 2 chiếc pin của món đồ chơi vào tai phải. Ngay lúc đó cô giáo phát hiện nên đã nhanh chóng lấy một viên pin ra ngoài, viên còn lại dù cố gắng nhưng vẫn không gắp ra được. Gia đình nhanh chóng đưa bé đến một bệnh viện địa phương nhưng vẫn không gắp được pin. Sau đó, bệnh nhi  đã được đưa đến bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM để nhập viện cấp cứu.

Nhét 2 viên pin vào tai, bé trai 5 tuổi bị thủng màng nhĩ ảnh 1 Theo các chuyên gia, ngay cả khi pin được lấy ra khỏi cơ thể, nó vẫn có thể tiếp tục gây ra vết thương nghiêm trọng và gây bỏng gọi là bỏng lạnh, nguy hiểm hơn bỏng nóng nhiều lần. 
Bé nhập viện trong tình trạng ống tai phải nề, nhiều mô hoại tử, khó quan sát vì  tai bé 5 tuổi nên khá nhỏ. Nội soi cho thấy tai viêm có nhiều mô hoại tử trắng đen, hình ảnh viên pin trong tai không rõ. “Kết quả CT- SCAN cho thấy ống tai phải ngoài của bé bị phù nề, có bán trật khớp búa đe phải. Hình ảnh cho thấy có dị vật kim loại kích thước 8mm ở ống tai- hòm nhĩ phải, có dịch hòm nhĩ phải”,  Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết.

Sau đó, bé L được xét nghiệm máu và chuyển xuống phòng mổ. Dưới kính hiển vi quan sát của phòng mổ, bệnh nhi được phát hiện có dị vật là viên pin điện tử. Quá trình lấy dị vật khá khó khăn, thậm chí kĩ thuật viên phẫu thuật còn dự định mở sau tai phải, mài xương và lấy  dị vật ra ngoài. “May mắn thay, sau một vài lần gắp, chúng tôi đã lấy thành công dị vật là một viên pin điện tử trong tai phải của bé. Nhận thấy mô xung quanh ống tai, màng nhĩ của bé phù nề nhiều, màng nhĩ thủng rộng sát rìa, phần cán búa bị hoại tử 1 phần”, bác sĩ Thúy thông tin.

Hậu phẫu, bé được chích kháng sinh, kháng viêm,giảm đau, chăm sóc hố mổ tai mỗi ngày. Sau 2 ngày tai khô, hết chảy dịch. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết đây chỉ là giai đoạn đầu, vì những trẻ nhét dị vật pin vào mũi, tai, miệng cần cả quá trình điều trị dài lâu sau này. Bác sĩ Thúy cho biết thêm: “Khi chúng tôi đo thính lực của em, tai phải của em đã nghe kém, điếc dẫn truyền mức độ trung bình do bị thủng màng nhĩ hoàn toàn, cán búa cụt 1 phần.  Bệnh nhi sẽ tiếp tục được theo dõi trong khoảng 3-6 tháng, nếu tình trạng ổn định, bé phải trải qua một cuộc phẫu thuật màng nhĩ mới có thể lấy lại thính lực bình thường”.

Pin điện tử (pin cúc áo) hay còn có tên là pin Lithium, thường gặp nhiều trong các loại đồ chơi trẻ em, có xuất xứ Trung Quốc. Pin có kích thước nhỏ nên nhiều bé nhầm tưởng là kẹo, dễ bỏ vào miệng, mũi, tai. Khi kẹt lại trong cơ thể và tiếp xúc với niêm mạc, nó sẽ tạo ra dòng điện gây bỏng nặng.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi pin được lấy ra khỏi cơ thể, nó vẫn có thể tiếp tục gây ra vết thương nghiêm trọng và gây bỏng gọi là bỏng lạnh, nguy hiểm hơn bỏng nóng nhiều lần. Một cuộc thử nghiệm trên bánh hot dog cho thấy nó đã đốt cháy và làm tan bánh chỉ trong 3 giờ.

“Bé nhét pin dưới 24 tiếng lấy ra kịp thời tổn thương còn nhẹ, trên 24 tiếng cực kì nguy hiểm, có thể gây thủng niêm mạc, trẻ nhét vào tai có thể gây thủng màng nhĩ, thủng các xương con, thao tác lấy dị vật nếu không cẩn thận có thể tổn thương thêm xương con, làm trẻ giảm thính lực, các trẻ này chắc chắn sẽ phải mổ tai để vá lại màng nhĩ hoặc chỉnh lại xương con để cải thiện thính lực. Khi trẻ nhét vào mũi, gây thủng vách ngăn mũi, hủy các cuốn mũi, tổn thương các cấu trúc trong mũi. Hoặc khi trẻ nuốt pin vào thực quản, gây thủng thực quản, phải mổ để khâu lại vết thủng, nong sẹo hẹp, , tiến trình điều trị cực kì cực kì phức tạp”, trưởng khoa  Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết.

Bác sĩ Thúy khuyến cáo, khi trẻ nhét pin vào các lổ tự nhiên trên cơ thể, gia đình và nhà trường phát hiện thì cần nhanh chóng chuyển bé đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng  để được xử trí kịp thời vànhanh chóng nhất. xử trí là lấy dị vật càng nhanh càng tốt, bơm rửa tại chỗ tại vùng pin tiếp xúc để rửa các mô hoại tử và tránh các mô hoại tử lan rộng, sau đó phải theo dõi và xử lí di chứng 1 cách triệt để nhất

MỚI - NÓNG