Nhà nhà làm game show
Có lẽ đỉnh điểm của game show THTT bắt đầu từ những năm 2011 cho đến 2016, khi những format game show nước ngoài bắt đầu du nhập Việt Nam. Từ Idol cho tới Got talent, từ The Face cho tới Voice… Mua bản quyền cho những chương trình này không hề rẻ, có khi tới vài triệu USD cho một chương trình nhưng các nhà sản xuất vẫn mạnh dạn vung tay bởi đơn giản nguồn thu sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Một buổi casting (thử vai) thu hút cả vài chục ngàn thí sinh đăng ký, một chương trình phát sóng có cả triệu lượt khách xem nên các nhà quảng cáo cũng mạnh dạn đổ tiền vào. Thời cao điểm, có lúc giá quảng cáo lên tới gần nửa tỷ cho 30 giây trong một game show. Nhà đài hể hả, nhà sản xuất cũng hể hả bởi nguồn thu ào ào.
Từ game show THTT đã xuất hiện nhiều đại gia mạnh bạo về tiền như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây… và nhiều công ty khác cũng nhảy vào làm THTT. Từ việc săn lùng, mua các format của nước ngoài đem về sản xuất cho tới việc tự xây dựng các format Việt hóa… Các chiêu trò hút khách như kéo các ngôi sao ăn khách vào với game show của mình, xây dựng những chương trình ăn theo xu thế của thời đại như các chương trình hài, các chương trình bolero…
Rồi phiên bản của các game show người lớn, phiên bản game show trẻ em… Rất nhiều game show có cái tên na ná giống nhau, thậm chí các thành viên tham gia cũng có nhiều cái tên quen thuộc xuất hiện hết game nọ tới game kia. Rồi cách chơi, cách bình luận tương tự như nhau dẫn đến khán giả có khi không thể phân biệt được game nào ra game nào… Hàng trăm game show THTT đã phủ kín giờ vàng giờ bạc từ đài trung ương cho tới đài tỉnh. Bởi vậy nhiều người đã nói vui “Nhà nhà làm game show, mở tivi lên là chỉ thấy game show”.
Cho tới sự lụi tàn của THTT
Không thể phủ nhận THTT một thời “gây sóng” trên thị trường giải trí Việt khi hút rất nhiều nhân lực, tài lực vào với các game show. Từ THTT đã tạo bệ phóng cho nhiều gương mặt mới cho thị trường giải trí như về ca sỹ thì những Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đức Phúc, Vũ Cát Tường, Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm, Hương Giang Idol... hay về tạp kỹ thì những Trường Giang, Trấn Thành, Đại Nghĩa, Hari Won…
Tuy nhiên, đúng như quy luật “bạo phát bạo tàn”, sau 5 năm phát triển mạnh mẽ, từ năm 2017, game show đã có những dấu hiệu đi vào sự suy tàn dần. Điển hình là các chương trình của BHD một thời đã rất nổi như Vietnam Idol, Vietnam Got Talent đã phải ngừng sản xuất. Đại gia Cát Tiên Sa dù vẫn gắng gượng với The Voice hay The Voice Nhí nhưng cũng khá nhạt nhoà. Nhiều chương trình khác như Sing My Song, Gương mặt thân quen cũng không nằm ngoài xu thế đó. Giá quảng cáo trên sóng truyền hình cũng giảm dần, thậm chí có những game show nhà đài chấp nhận giảm tới 50% so với thời điểm cao nhất ở những năm 2012-2013.
Lý giải về điều này, đạo diễn Nguyễn Trí cho rằng hầu hết các chương trình THTT đều có format na ná như nhau, các nhà sản xuất tìm cách câu kéo người xem bằng nhiều chiêu trò, trong đó không thiếu những chiêu trò rẻ tiền. Còn giám khảo, thí sinh thì ngày càng cạn kiệt do quá nhiều chương trình, dẫn tới có những thí sinh tham gia cả chục chương trình, có giám khảo nhẵn mặt chạy show ở các game show.
Vì thế khán giả không chán mới là lạ! Còn diễn viên Minh Nhí thì cho rằng “Game show chỉ là nhất thời, nó chỉ mang tính giải trí nên không thể so sánh game show so với các loại hình nghệ thuật khác. Trong một thời điểm nhất định thì game show cũng có thể lôi kéo được khán giả nhưng điều đó sẽ không bền bởi thiếu chiều sâu của nghệ thuật. Game show đi về sự thoái trào là chuyện bình thường thôi”.