Ông Tuyên cho hay Nhật Bản là đất nước chú trọng đào tạo thầy thuốc chuyên ngành dinh dưỡng, tất cả các ca hội chẩn đều phải mời bác sĩ dinh dưỡng. "Khi bước vào khoa dinh dưỡng trong các bệnh viện ở Nhật Bản có cảm giác như bước vào phòng mổ ở nước ta, yêu cầu rất nghiêm ngặt, sạch sẽ, quy củ, hiện đại. Trong khi khoa dinh dưỡng tại một số bệnh viện Việt Nam, đặc biệt ở tuyến dưới, chỉ coi như bếp ăn cung cấp thức ăn, chưa xem đây là phương tiện điều trị", GS Tuyên nói.
Từ năm 2013, với sự hỗ trợ của Quỹ Ajinomoto, Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống đào tạo về dinh dưỡng tại Việt Nam (VINEP) được hình thành. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia dinh dưỡng từ Hội dinh dưỡng tiết chế Nhật Bản, giáo sư một số trường Đại học của Nhật Bản và Việt Nam đã giúp trường Đại học Y Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng đầu tiên tại Việt Nam. Cử nhân dinh dưỡng với trình độ đại học hệ chính quy là nguồn nhân lực quan trọng để triển khai, thực hiện các hoạt động dinh dưỡng, đặc biệt trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng. Hiện nay, mỗi năm Đại học Y Hà Nội đang tuyển sinh khoảng 50 sinh viên và là đơn vị đào tạo tiên phong nguồn nhân lực về dinh dưỡng cho Việt Nam. Là một ngành học mới, chương trình không những được kế thừa các kinh nghiệm đào tạo mà còn được đầu tư đầy đủ và hỗ trợ chuyên môn hiệu quả từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Tập đoàn Ajinomoto, Nhật Bản.
Chủ tịch Hội Tiết chế dinh dưỡng Nhật Bản và các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong ngành Dinh dưỡng tiết chế đã chia sẻ thông tin về đào tạo đại học và sau đại học đối với cử nhân dinh dưỡng tại Nhật Bản. Đây là kinh nghiệm vô cùng quý báu cho Việt Nam để thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng tiết chế.