Nhân viên ngân hàng giúp sức làm giả hồ sơ niêm yết cổ phiếu

Các bị cáo tại phiên toà diễn ra ngày 15/10
Các bị cáo tại phiên toà diễn ra ngày 15/10
TPO - Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, giả mạo trong công tác và thao túng giá chứng khoán liên quan đến Công ty Cổ phần Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung (Công ty MTM), cơ quan tố tụng xác định có sự giúp sức tích cực của một số giám sát, giao dịch ngân hàng TP Bank và BIDV.

Cán bộ ngân hàng câu kết với tội phạm

Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND Tối cao, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Nari Hamico đã chi 3 tỷ đồng mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm thuộc xã Sơn Hạ (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Tuy nhiên, sau khi thăm dò thấy mỏ có hàm lượng quặng thấp, Dĩnh không tổ chức khai thác…

Nhằm “gỡ gạc” số tiền đã đầu tư, Nguyễn Văn Dĩnh và đồng phạm đã câu kết với một số cán bộ ngân hàng để làm giả chứng từ, hoàn thiện thủ tục tài chính để niêm yết cổ phiếu lên sàn Upcom nhằm chiếm đoạt tiền của những nhà đầu tư mua cổ phiếu.

Cụ thể, ngoài việc lập khống hồ sơ, làm giả danh sách 103 cổ đông đứng tên sở hữu 31 triệu cổ phiếu (tương đương 310 tỷ đồng), Nguyễn Văn Dĩnh còn chỉ đạo em gái là Nguyễn Thị Hiên và Ngô Văn Hiến (nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản Tây Bắc) móc nối với các cán bộ, nhân viên ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nam Hà Nội (BIDV Nam Hà Nội) và ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Tây Hà Nội (TB Bank Tây Hà Nội) để làm giả chứng từ thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hoá qua tài khoản ngân hàng của Công ty MTM với các công ty liên quan.

Nhận chỉ đạo của Dĩnh, Hiên đã nhờ cán bộ thuộc hai chi nhánh ngân hàng nêu trên giúp “chạy khoản” bằng cách hạch toán dòng tiền tệ trên hệ thống phần mềm (mỗi giao dịch cách nhau vài phút) để lập chứng từ giấy nộp tiền, uỷ nhiệm chi, rút tiền tổng số tiền hơn 485 tỷ đồng.

Hệ thống giám sát bị “qua mặt”

Để đối phó hoạt động kiểm tra, kiểm soát (BIDV có hệ thống camera giám sát hoạt động giao dịch), các cán bộ ngân hàng BIDV Nam Hà Nội yêu cầu khi Hiên đến giao dịch phải có tiền mặt để trên quầy giao dịch; đồng thời hướng dẫn Hiên mỗi lần giao dịch phải chia thành nhiều chứng từ để ngân hàng thu được nhiều phí dịch vụ. Do đó, mỗi lần giao dịch, Hiên đều thuê tiền của một người tên Sơn (không rõ địa chỉ). Bên cho thuê tiền sẽ mang tiền đến phòng giao dịch để cán bộ ngân hàng làm thủ tục kiểm đếm, sau đó lại mang tiền về ngay.

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2015, các cán bộ ngân hàng BIDV Nam Hà Nội đã làm giả 143 chứng từ với tổng số tiền hơn 355 tỷ đồng cho Công ty MTM và các công ty trong nhóm liên quan, thu 67 triệu đồng tiền phí giao dịch. Cơ quan tố tụng xác định có 4 giám đốc, phó giám đốc Phòng giao dịch và 4 giao dịch viên thuộc BIDV đã giúp sức cho nhóm đối tượng Công ty MTM hoàn thiện hồ sơ pháp lý giả.

Tương tự, Lê Thị Hằng Nga - Giám đốc TP Bank Tây Hà Nội đã chỉ đạo cấp dưới là Trần Thị Mai Lan, Giám đốc Dịch vụ khách hàng làm giả chứng từ nộp tiền góp vốn, uỷ nhiệm chi, séc rút tiền với tống số 130 tỷ đồng cho Công ty MTM với hình thức “chạy khoản” dòng tiền qua các công ty liên quan, thu phí giao dịch 38,9 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền phí giao dịch này đã được để ngoài sổ sách, sử dụng làm quỹ phòng Dịch vụ khách hàng.

Dựa vào hồ sơ giả nêu trên, cùng với sự giúp sức của một số cán bộ ngân hàng, Dĩnh đã có trong tay 150 chứng từ giả thể hiện việc nộp tiền, rút tiền, uỷ nhiệm chi với tổng số tiền 485 tỷ đồng. Sau đó, Dĩnh tiếp tục chỉ đạo các đối tượng làm giả báo cáo tài chính, hồ sơ hoạt động sản xuất kinh doanh; liên hệ với các công ty kiểm toán để làm hồ sơ kiểm toán của Công ty MTM nhằm lừa dối các cơ quan chức năng đăng ký là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu MTM trên thị trường chứng khoán Upcom…

Đến tháng 5/2015, khi mới nộp hồ sơ đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu thì Dĩnh bị công an bắt trong vụ án khác. Sau đó, Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty MTM đã tiếp quản và chỉ đạo một số bị can sử dụng các tài liệu giả của Công ty MTM đăng ký giao dịch trên sàn Upcom; sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu MTM.

Cáo trạng cáo buộc, Trần Hữu Tiệp và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 56,1 tỷ đồng cho các nhà đầu tư cổ phiếu MTM. Đến nay đã xác định được 822 nhà đầu tư, sở hữu hơn 12,2 triệu cổ phiếu, với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 17,2 tỷ đồng…

Trong số 15 bị can liên quan tới vụ án thì nhóm các bị can là cán bộ ngân hàng gồm: Lê Đắc Giang, giám đốc PGD Đại Kim; Lộ Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Giang Thanh và Hồ Xuân Lý đều nguyên là Phó giám đốc PGD Đại Kim – Chi nhánh BIDV Nam Hà Nội; Lê Thị Hằng Nga, giám đốc TP Bank Tây Hà Nội và Trần Thị Mai Lan, Giám đốc Dịch vụ khách hàng Ngân hàng TPbank…bị truy tố về tội làm giả tài liệu cơ quan tổ chức và giả mạo trong công tác.

Ngày 15/10 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án nêu trên ra xét xử, tuy rất nhiều bị hại và một số luật sư đã vắng mặt nên HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập. Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào 14/11 tới đây,

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.