Mặc dù được coi là hình thức hợp tác đầu tư linh hoạt và nhiều ưu điểm, tuy nhiên hợp tác đầu tư kinh doanh BCC vẫn tồn tại một số những điểm hạn chế nhất định. Do đó khi lựa chọn hình thức này, các nhà đầu tư cũng cần tính đến những rủi ro này để đảm bảo lợi ích của mình sau này. Những phân tích của Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải quốc tế Việt Nam trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ đưa ra cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn Ông Nguyễn Hưng Quang đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, mặc dù có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên hình thức đầu tư BCC vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Thưa ông đó là những điểm hạn chế nào?
Hình thức này có hai rủi ro chính, thứ nhất là do không hình thành một pháp nhân mới, không có một tổ chức chung, nên các bên sẽ phải phân công một bên đứng làm đại diện để điều hành quản lý hoạt động chung. Việc đó vô tình dẫn tới quyền năng của một bên có thể rất cao lấn át, có hành vi tiêu cực hoặc là gây những hiểu nhầm cho bên kia. Bên còn lại thì nhìn bên điều hành bằng con mắt nghi kị từ đó dễ dẫn tới tranh chấp. Yếu điểm thứ hai đó là quyền thỏa thuận của các bên rất cao vì pháp luật cho phép, tuy nhiên nếu các bên không quy định về cơ chế vận hành, điều hành, quản lý, cơ chế về hạch toán về tài chính…một cách rõ ràng đầy đủ chi tiết. Thì khi có tranh chấp phát sinh sẽ không có cơ chế pháp lý để điểu chỉnh hoặc giải quyết. Dẫn tới việc các bên lúng tung, dùng tình cảm giải quyết với nhau thành ra câu chuyện càng khó xử lý và dẫn tới mâu thuẫn. Một hạn chế thứ 3 nữa là khung pháp lý hiện nay của Việt Nam quy định về hợp đồng BCC chưa nhiều. Mà mới chỉ quy định được một vài câu ngắn gọn trong luật đầu tư 2014
Có một rủi ro nữa cũng hay xảy ra đó là khi 1 trong 2 bên có liên kết, giao dịch với bên thứ 3 nữa. Ông có thể phân tích rõ rủi ro này?
Vì hợp đồng hợp tác kinh doanh nó là một hoạt động chung của hai bên, tài sản tạo ra, lợi nhuận tạo ra sẽ đồng sở hữu của các bên, và trách nhiệm phát sinh cũng là của hai bên cùng chịu trách nhiệm…Vậy thì khi thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm với bên thứ 3 thì ai sẽ là người thực hiện và cái tỷ phần của mỗi bên đối với người thứ 3 như thế nào thì lại không rõ. Và nếu một trong các bên từ chối thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với bên thứ 3 thì cơ chế pháp luật xử lý rất là khó.
Thưa ông từ thực tế đã có rất nhiều tranh chấp xảy ra giữa các doanh nghiệp, cá nhân khi thực hiện HĐ hợp tác đầu tư BCC. Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì từ đây?
Bài học đầu tiên tôi nghĩ vì đây là quá trình hợp tác lâu dài cho nên chúng ta phải dành thời gian thích đáng để tìm hiểu đối tác giống như là một cuộc hôn nhân. Và để cho cuộc hôn nhân đó hạnh phúc để hợp đồng BCC đấy có thể đem lại lợi ích thì chúng ta phải lựa chọn đối tác đúng. Tìm hiểu về năng lực về tài chính, năng lực thương mại…năng lực về kỹ thuật, năng lực về chuyên môn của đối tác. Đó là những điểm theo tôi là cực kỳ quan trọng. Cái thứ hai nữa là phải giành thời gian thích đáng để soạn thảo hợp đồng. Bởi vì toàn bộ giao dịch nó sống trên cơ sở hợp đồng vì nó không thành lập nên một pháp nhân mới. Và chúng tôi vẫn nói rằng là các DN trước khi đàm phán HĐ này hãy nhắm mắt lại, hãy tưởng tượng ra trong 5 năm nữa, 10 năm nữa có những rủi ro gì xảy ra? Rủi ro có thể từ bên ngoài, rủi ro có thể từ nội bộ DN... thì tất cả những cái đó anh phải biến thành những điều khoản trong hợp đồng.
Và thưa ông để một hợp đồng hợp tác đầu tư BCC có thể vận hành suôn sẻ thì các bên tham gia cần phải đảm bảo những điều kiện gì?
Đối với Luật đầu tư 2014 thì quy định ở điều 29, còn đối với Luật đầu tư 2020 thì quy định ở điều 28 thì trong đó có 7 nội dung cơ bản mà các bên trong HĐ hợp tác kinh doanh cần phải lưu ý đó là:
- Yêu cầu đầu tiên là phải ghi rõ đầy đủ, cụ thể tên cũng như là thông tin, địa chỉ của các bên
- Thứ hai là các bên phải nêu rõ mục tiêu yêu cầu hợp tác kinh doanh
- Thứ ba là các bên phải xây dựng một cơ chế quản lý hợp đồng, điều hành hợp đồng cũng như cơ chế điều phối cũng cần phải có quy định rõ.
- Thư tư là có quy định về quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên một cách rất cụ thể
- Điểm thứ năm là phải có quy định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
- Thứ sáu là có cơ chế quy định về giải quyết tranh chấp
- Thứ bẩy là có cơ chế phòng ngừa rủi ro xảy ra.
Như vậy ngoài việc cần đảm bảo các quy định, quy chế trong HĐ phải phù hợp với quy định của pháp luật. Thì vì loại hợp đồng này không thành lập pháp nhân do đó ta phải xây dựng cơ chế quản lý và điều hành hợp đồng làm sao phù hợp với mục tiêu của hoạt động đầu tư kinh doanh. Vì nếu ta không xây dựng cơ chế, mục tiêu này rõ ràng thì khả năng dẫn tới phát sinh tranh chấp sau này là rất lớn. Đó là những điều mà các DN cần phải lưu ý.
Xin cảm ơn ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!