Tiết sinh hoạt đầu giờ của HS trường THPT Phạm Hồng Thái |
Thừa giấy vẽ voi
Trong cuộc họp phụ huynh (được tổ chức tại các lớp) đầu năm học 2009 - 2010, nhiều phụ huynh trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) ngạc nhiên khi được đại diện Chi hội Cha mẹ học sinh, thông báo: Mỗi phụ huynh đóng từ 230.000 đồng (khối 12) đến 350.000 đồng (khối 10, 11) để giúp nhà trường mua máy chiếu lắp đặt tại các lớp.
Theo đại diện các chi hội cha mẹ học sinh, đây là đề xuất của ông Trần M., trưởng ban đại diện Cha mẹ học sinh trường. Đề xuất này được Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đồng ủng hộ và thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thông qua trong một cuộc họp trước đó.
“Thông thường, phụ huynh ít khi phản đối ra mặt các khoản thu của trường, đặc biệt với những khoản được bắn tin là có ý kiến của hiệu trưởng hay của giáo viên chủ nhiệm. Nhưng với khoản thu này, các phụ huynh có hiểu biết (nhiều người là giảng viên đại học) ở lớp con tôi phản ứng ngay tức thì.
Theo họ, ngay cả với đại học, việc lắp máy chiếu đại trà ở giảng đường cũng là điều phải cân nhắc. Nhà trường đã có ba chiếc máy chiếu, nếu số đó không đáp ứng nhu cầu dạy học thì thời điểm này cũng chỉ nên mua thêm vài ba cái”, chị T. - một phụ huynh lớp 12 T2 chia sẻ.
Cũng theo chị T., nhờ có các ý kiến phản biện này mà các phụ huynh khác trong lớp 12 T2 có được quyết tâm không đóng tiền.
Ngoài lớp 12 T2, có bốn lớp khác, các phụ huynh cũng nhất trí không đóng tiền mua máy chiếu (10 D2, 11 D4, 12 D2, 12 D1). Ngoài các ý kiến mua máy chiếu lắp cho tất cả các lớp là việc làm lãng phí thừa giấy vẽ voi, nhiều phụ huynh còn cho rằng, có sự thiếu minh bạch, cũng như cách làm thiếu khoa học trong việc đầu tư này.
Một phụ huynh lớp 11 D4 phân tích: “Dẫu mỗi phụ huynh chỉ phải đóng vài ba trăm nghìn đồng nhưng nếu thu đủ thì tổng số thu được trên toàn trường là rất lớn (khoảng nửa tỷ đồng). Lẽ ra, với một khoản đầu tư như thế, phía kêu gọi vốn đầu tư phải có dự án và thuyết trình sao cho phụ huynh thấy có thể chấp nhận. Mà đã gọi là xã hội hoá thì phải tuỳ tâm, tuỳ điều kiện của từng người. Ban đại diện Cha mẹ học sinh và nhà trường cứ quyết rồi đưa ra mức thu cào bằng như thế này là làm khó cho các phụ huynh quá!”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều phụ huynh ở những lớp đã đóng tiền (đặc biệt là phụ huynh khối lớp 12) cũng tỏ ra không bằng lòng với khoản thu này nhưng vì các vị đại diện chi hội hăng hái quá nên họ ngại phản đối.
Một phụ huynh phân trần: “Chính các thầy cô nói năm nay các cháu lớp 12 tập trung ôn thi đại học nên sẽ không mấy khi phải dùng đến máy chiếu. Vậy mà vẫn bắt các cháu đóng tiền mua máy chiếu thì tội chúng tôi quá”.
Tiền đi đâu về đâu?
Khoản thu mua máy chiếu chỉ là giọt nước tràn ly, dấy lên làn sóng bức xúc (cao trào là phụ huynh của 5/42 lớp không hợp tác) trong dư luận phụ huynh trường THPT Phạm Hồng Thái. Trên thực tế, có nhiều khoản (do nhà trường cũng như ban đại diện cha mẹ học sinh trường Phạm Hồng Thái đứng ra thu) khiến phụ huynh băn khoăn nhưng vẫn phải chấp nhận.
Dư luận đang lên án việc lạm dụng máy chiếu, biến phương pháp dạy học từ đọc - chép sang chiếu - chép. Rất may là ở trường tôi điều đó chưa xảy ra, dù phòng nào cũng có máy chiếu. Theo các thầy cô, máy chiếu có thể phát huy hiệu quả ở một số môn như Ngoại ngữ, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục Công dân. Nhưng số tiết những môn này ở các lớp không nhiều và không phải tiết nào cũng cần dùng máy chiếu. - một giáo viên nói. |
Chẳng hạn, trong danh mục thu mà phụ huynh được thông báo, có nhiều khoản thu mà xét theo tên gọi, mục đích khá giống nhau: tăm tre (2.000 đồng/HS), đền ơn đáp nghĩa (6.000 đồng/HS), chữ thập đỏ (10.000 đồng/HS), tiền y tế (khoản này được gộp trong mục bảo hiểm y tế, nếu em nào không tham gia bảo hiểm y tế sẽ phải đóng 10.000 đồng/HS); an ninh (15.000 đồng/HS/ kỳ).
Đặc biệt có một khoản thu không nhỏ khiến không chỉ phụ huynh băn khoăn mà ngay cả các giáo viên chủ nhiệm cũng bối rối. Khoản này được đề ra với mức 10.000 đồng/ tuần/ HS. Một năm học có 37 tuần, vị chi mỗi học sinh phải đóng 370.000 đồng/năm học. Hiện tại, tất cả các lớp đều đóng đủ kỳ 1 (190.000 đồng/HS).
Nhiều giáo viên chủ nhiệm cho biết, chính họ cũng không biết tên gọi chính xác của khoản này. Ở văn bản này, khoản thu đó có tên gọi hỗ trợ phát triển giáo dục. Ở văn bản khác, nó được đổi tên thành đổi mới kiểm tra. Giải thích với các giáo viên, các thành viên trong ban giám hiệu gọi đây là quỹ hỗ trợ tăng tiết.
Khoản thu này cũng giống như nhiều khoản thu khác đang thực hiện ở trường THPT Phạm Hồng Thái, cả giáo viên chủ nhiệm lẫn phụ huynh đều không biết ai là chủ tài khoản. Theo các phụ huynh, nhận được lệnh là họ nộp tiền, tiền ấy do trường hay ban đại diện phụ huynh đứng ra thu, thu để làm gì, hầu như họ không có thông tin.
Còn một giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Tất cả các khoản đều được giao gọn cho chúng tôi thu. Thu xong, riêng học phí thì chúng tôi đóng cho kế toán của trường, còn hầu hết các khoản khác chúng tôi đóng cho cô Ng. Thú thật chúng tôi cũng không biết rõ cô này làm việc gì ở trường. Chỉ biết cô mới được thầy hiệu trưởng nhận vào làm hợp đồng và làm việc ở văn phòng”.