Ngày càng nhiều giọng ca hải ngoại xuất hiện trên sân khấu ca nhạc VN, đặc biệt là các phòng trà ca nhạc ở TPHCM.
Những giọng ca nổi tiếng một thời: Elvis Phương, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thái Châu, Ái Vân, Đức Huy, Giao Linh, Hương Lan,... và sắp tới là Thanh Hà, Thái Hiền, Sơn Tuyền, Lệ Thu, Ý Lan...
Đi theo những giọng ca này là những ca khúc xưa đã gắn liền tên tuổi của họ và đã đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả.
Thêm vào đó, một số giọng ca cũ trong nước như Giang Tử tái xuất hiện bằng những ca khúc xưa, các ca sĩ trẻ bắt đầu thi nhau khai phá, thử sức mình trong các ca khúc một thời vang bóng.
Chính điều này đã mang lại cho dòng nhạc xưa có một sức sống mới, không ồn ào nhưng mạnh mẽ và da diết.
Người hát, người nghe đều tìm thấy sự đồng cảm
Dù không còn phong độ sung mãn như thời trẻ và giọng ca của mỗi người không còn trong trẻo như xưa, nhưng sự trải nghiệm cuộc sống càng làm cho cảm xúc trong giọng hát của họ thêm đậm đà, trọn vẹn.
Đó chính là lý do những đêm nhạc của họ đều đầy ắp khán giả. Tất nhiên, sự thành công đó ít nhiều nhờ vào sức hấp dẫn của ca khúc mà họ thể hiện.
Không chỉ khán giả, bản thân họ cũng thừa nhận những ca khúc xưa (dòng nhạc được tất cả ca sĩ hải ngoại chọn thể hiện) cũng lôi cuốn họ. Mỗi lần thể hiện là mỗi lần họ được khám phá những điều mới mẻ của ký ức, kỷ niệm.
Ca sĩ Thái Châu tâm sự: “Khi hát lại một ca khúc cũ, tôi như được quay trở lại thời niên thiếu của mình. Sự thơ mộng, kỷ niệm buồn vui trong tôi bỗng chốc tràn về. Ca khúc giúp người nghe trải rộng lòng mình hơn”.
Đó chính là một trong những ưu thế của những giọng ca hải ngoại: tràn đầy cảm xúc khi thể hiện. Và như vậy, họ thành công, còn khán giả thì thỏa mãn.
Ca sĩ Hương Lan cho biết: “Phòng trà hiện nay có đến hơn 2/3 là khán giả trẻ. Đôi lúc họ yêu cầu tôi thể hiện những ca khúc khiến tôi rất ngạc nhiên. Ca khúc đã ra đời ở thế hệ của ông bà họ nhưng họ vẫn biết và yêu thích”. Việc nghe lại những ca khúc xưa không còn dừng lại ở mức trào lưu mà đã trở thành một xu hướng trong thị hiếu thưởng thức nhạc của khán giả. Hệ quả kéo theo là những giọng ca hải ngoại trở về VN biểu diễn được khán giả chào đón nồng nhiệt. |
Đơn giản, mộc mạc ở cả hình thức lẫn nội dung là nhận xét chung của nhiều người về những ca khúc xưa. Tiến Luân, một nhạc sĩ trẻ, nhận xét về những ca khúc có tuổi đời lớn hơn tuổi của cha chú mình: “Không cầu kỳ trong thiết kế giai điệu, hòa âm chỉ dừng lại ở tính tạo điểm nhấn cho ca khúc, ca từ chân chất, mộc mạc đầy chất thơ không quá hoa mỹ đến khó hiểu.
Đó chính là lý do những ca khúc nhạc xưa dễ đi vào lòng người”. Những ca khúc Nửa hồn thương đau, Xóm đêm, Thương nhau ngày mưa, Cung đàn xưa, Suối mơ, Đôi mắt người Sơn Tây, Thiên thai, Bến xuân,... Lâu đài tình ái, Đôi ngã chia ly, Xin gọi tên nhau, Chiếc lá cuối cùng, Chiều nay không có em, Tình đầu tình cuối... đã tồn tại nhiều năm và được khán giả tán dương từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ca sĩ Elvis Phương cho biết: “Khán giả của tôi có đến 2/3 là những người quen cũ, còn lại 1/3 là những khán giả mới, chủ yếu là khán giả trẻ. Vì vậy, tôi đã sắp xếp để vừa xuất hiện với cả ca khúc cũ lẫn mới.
Thế nhưng, qua một thời gian biểu diễn, những khán giả mới cũng yêu cầu tôi thể hiện những ca khúc xưa. Không chỉ nghe mà họ còn tỏ ra hào hứng và yêu thích. Giai điệu dễ nghe, ca từ sâu lắng là yếu tố thu hút cả tôi và khán giả”.
Không chỉ biểu diễn trên sân khấu, những dự án âm nhạc sắp tới của các ca sĩ hải ngoại tại Việt Nam còn có các album nhạc xưa gồm những ca khúc ít nhiều đã gắn bó với tên tuổi của họ từ trước đến nay.
Âm nhạc của nhiều thế hệ
Đáp ứng thị hiếu của khán giả, ngoài những giọng ca hải ngoại thể hiện ca khúc xưa như một nhu cầu chủ quan (thể hiện những ca khúc xưa gắn liền với tên tuổi của mình) và cả khách quan (khán giả yêu cầu) thì nhiều ca sĩ ngôi sao và cả ca sĩ trẻ bắt đầu chạy theo xu hướng này.
Trong đó, đình đám nhất là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với live show toàn ca khúc xưa dự định diễn ra ba đêm tại rạp Quốc Thanh.
Nhạc sĩ Tiến Luân cho rằng: “Sự trở lại của nhạc xưa là điều tất yếu. Bởi, cùng chung yếu tố đơn giản, chân thật nhưng chuyện tình trong ca khúc xưa luôn được diễn tả một cách ý nhị, sâu sắc. Trong khi đó, tình ca ngày nay cũng đơn giản nhưng sự đơn giản đó lại diễn đạt một cách thô thiển nên sống chỉ được một thời gian ngắn”. |
Tuy nhiên, do hát theo trào lưu nên sự thể hiện của nhiều ca sĩ trẻ không lột tả hết cái thần cũng như cảm xúc của ca khúc. Điều đó vô tình khiến cho ca sĩ trẻ bị rơi vào hoàn cảnh trở thành “bóng” của nhiều ca sĩ tên tuổi trước đó.
Nhiều trường hợp ca sĩ thể hiện ca khúc xưa chỉ vì dòng nhạc này đang “ăn” như ca sĩ Thy Dung, Thanh Ngọc, Khánh Ngọc,... Ca sĩ Hàn Thái Tú cho biết: “Tình cờ thể hiện ca khúc xưa trong một chương trình ca nhạc, tôi không ngờ khán giả lại đón nhận nhiều đến vậy.
Chính vì vậy, tôi quyết định tìm ca khúc và thực hiện một album toàn nhạc xưa để ra mắt khán giả”. Dù khó vượt mặt đàn anh, đàn chị nhưng nhiều ca sĩ trẻ như Nguyên Thảo, Đức Tuấn, Đoan Trang, Hiền Thục, Thu Minh... đã cố gắng đem hơi thở mới vào những ca khúc xưa qua những bản hòa âm phối khí mới, cách thể hiện mới.
Ca sĩ Đức Tuấn khẳng định: “Giá trị của những ca khúc nhạc xưa đã được minh chứng rõ nét và mọi người đều thừa nhận. Giai điệu hay, ca từ đẹp là yếu tố chính để những ca khúc này tồn tại với thời gian”.