Trò chuyện với chúng tôi, Hà Chương cho biết bản thân rất bất ngờ bởi khi sáng tác ca khúc, chỉ mong muốn động viên mọi người cùng đọc sách để vươn lên khỏi những gian truân, nghịch cảnh; hướng tới lý tưởng sống cao đẹp và khát khao cống hiến cho xã hội mà thôi.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại bị khiếm thị từ nhỏ nhưng Hà Chương không mặc cảm mà tự mình vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội. Anh tự học văn hoá, tự học đàn để thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và tốt nghiệp Thủ khoa chuyên ngành Đàn bầu. Nhưng chừng ấy là chưa đủ, không chỉ với đàn bầu, Hà Chương còn mày mò học tập để giờ đây có thể chơi được 10 loại nhạc cụ khác nhau và còn sáng tác ca khúc.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ giúp Hà Chương đoạt 9 huy chương vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu tài năng trẻ Đà Nẵng và toàn quốc; được giải B sáng tác ca khúc của liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và được nhận bằng khen của Thủ tướng.
Sau khi tốt nghiệp, anh đeo đuổi theo một công việc mới, đó là trở thành diễn giả để truyền lửa cho mọi người. Từ chính những nghị lực vươn lên của bản thân, Hà Chương đem tinh thần đó đi tới với mọi người. 300 chương trình truyền lửa do Hà Chương làm trong hơn 3 năm qua đã đưa anh đi tới với mọi miền của Tổ quốc, gặp gỡ hàng trăm ngàn người để cùng chia sẻ, truyền cảm hứng và khơi gợi khát vọng vươn lên của mỗi người. “Tôi đã vượt qua bóng tối của số phận bằng chính nghị lực của mình, nhưng hơn thế nữa tôi còn muốn mọi người cùng vượt qua bóng tối”, Hà Chương chia sẻ như thế.
Về ca khúc vừa được Vụ Thư viện lựa chọn, Hà Chương kể: “Là người khiếm thị nhưng tôi rất thích đọc sách, ngày xưa đọc sách chữ nổi, sau này phương tiện công nghệ hiện đại thì tôi đọc sách thông qua các phần mềm kỹ thuật. Sách đã đem cho tôi kiến thức, niềm hy vọng và cả khát vọng để vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Sách đã làm bạn với tôi trong những khó khăn nhất, gian khổ nhất cho tới ngày hôm nay. Vì thế tôi cho rằng một ca khúc vận động mọi người cùng đọc sách cũng là một cách làm cho những điều như nghị lực sống, khát vọng vươn lên trong mỗi người sẽ được lan toả mạnh mẽ hơn nữa”.
Ban đầu Hà Chương đặt tên ca khúc là Hạt giống tâm hồn dành cho tủ sách cùng tên, nhưng sau khi nghe lại ca khúc, Hà Chương lại mong muốn ca khúc có sức lan tỏa rộng hơn nên anh đã đổi thành Khát vọng tâm hồn. Ca khúc ra đời vào cuối năm 2019 nhưng trong những ngày đại dịch COVID-19 , Hà Chương nghe lại và chỉnh sửa thêm lời. Lời bài hát đề cập đến ý nghĩa của việc đọc sách, khát vọng, ý chí của con người, động viên con người vươn lên khỏi những gian truân, nghịch cảnh; hướng tới lý tưởng sống cao đẹp và khát khao cống hiến cho xã hội.
Rồi thật bất ngờ, Vụ Thư Viện đã lựa chọn Khát vọng tâm hồn làm ca khúc lan tỏa văn hóa đọc, truyền những thông điệp sống tích cực đến cho cộng đồng.
Chia sẻ về lý do lựa chọn bài hát để lan tỏa cho học sinh, sinh viên Việt Nam, TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ thư viện cho biết: “Khi nghe ca khúc Khát vọng tâm hồn, tôi nhận ra đây là một ca khúc rất ý nghĩa. Tác giả đã nói lên ý nghĩa rất lớn của việc đọc sách, khát vọng và lý tưởng sống tốt đẹp của con người. Tác giả cũng chia sẻ một điều vô cùng quý giá, đó là lý do vì sao chúng ta lại sống - vì đất nước cần và lý tưởng vươn tới sự tự do. Chính những trang sách đã làm con người đẹp lên, đồng thời sách cũng giúp con người thực hiện được khát vọng. Tôi đã mong muốn được góp phần quảng bá bài hát này nhiều hơn cho cộng đồng”.