Nhạc sĩ của Trường Sa

Nhạc sĩ của Trường Sa
TP - Tôi là người con quê hương Nha Trang - Khánh Hòa, hiện định cư tại Úc nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Có rất nhiều ca khúc giúp chúng tôi thêm yêu quê hương, trong đó ca khúc “Gần lắm Trường Sa” với ca từ, giai điệu thật mượt mà, sâu lắng, có giá trị rất lớn... Trích thư của bà Huỳnh Thị Qua, Việt kiều Úc gửi nhạc sĩ (NS) Hình Phước Long.
Những người lính trước giờ lên đường bảo vệ Trường Sa
Những người lính trước giờ lên đường bảo vệ Trường Sa.
 

Gần lắm Trường Sa

Năm 1980, NS Hình Phước Long đang là cán bộ Phòng VHTT huyện Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), được Lữ đoàn 146 - đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa mời giúp làm chương trình dự hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh. “Lúc đó, hiểu biết của tôi, và của mọi người nói chung về Trường Sa còn mù mờ lắm”- Nhạc sĩ nói.

Tại Lữ đoàn 146, ông được những người lính vừa từ đảo về kể chuyện cuộc sống nơi đảo xa, được Lữ đoàn trưởng Cao Ánh Đăng cho xem phim tài liệu Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ của Xưởng phim Tài liệu Quân đội. Ấn tượng về những người lính xạm đen vì nắng gió bảo vệ vùng đảo nhỏ giữa biển khơi, ông ghi vào sổ lưu niệm của Lữ đoàn: sẽ viết một bài hát về Trường Sa.

Ấp ủ mãi, đến năm 1982 khi dự trại sáng tác nhạc của tỉnh Phú Khánh, NS Hình Phước Long mới viết được bài hát về Trường Sa. Một chiều, đang đạp xe trên đường Trần Phú, Nha Trang, ông thấy một cô gái mặc áo dài đang đứng trông ra biển. Nhìn dáng vẻ tư lự, mái tóc thề của cô gái, ông chợt nghĩ, nếu có người yêu đang ở Trường Sa, cô gái có nghe được tâm sự của người lính gửi về qua làn sóng biếc?

NS nhớ câu ca dao, mẹ ông thường hát ru: “Khi xa sát vách cũng xa, khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”. Một giai điệu chợt vang lên, “không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu ơi Trường Sa ơi!” Ông ghi vội giai điệu đó vào tờ giấy trong túi áo, rồi bắt xe đò về nhà mẹ ông ở Ninh Hòa. Tranh thủ trời chưa tối, ông mang chiếc ghế đẩu tròn ra trước sân để viết, bảo mẹ chờ cơm.

Ấp ủ đã hai năm, nay có tứ, có mạch cảm xúc, chỉ sau một giờ ông đã hoàn thành bài hát Gần lắm Trường Sa. Bài hát được phát trên Đài Phát thanh Phú Khánh và đưa vào băng cassette “Nha Trang biển hẹn”, lan khắp cả nước. Đến nay, Gần lắm Trường Sa vẫn là một trong những bài hát về Trường Sa được nhiều người ưa thích nhất.

Ca sĩ Anh Đào là người đầu tiên hát Gần lắm Trường Sa, được coi là người hát bài này hay nhất. “Anh Đào là học trò của tôi, tôi viết Gần lắm Trường Sa cho chất giọng của Anh Đào, cô ấy hát với cảm xúc thật”. NS Hình Phước Long cho biết. Theo ông, trong các ca sĩ hiện nay, người thể hiện Gần lắm Trường Sa hay nhất là Thanh Thúy.

Bài bát Gần lắm Trường Sa do chính tay NS Hình Phước Long chép
Bài bát 'Gần lắm Trường Sa' do chính tay NS Hình Phước Long chép.
 

Viết bằng cả tâm hồn

Năm 1983, sau khi huyện đảo Trường Sa được chuyển từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về thuộc tỉnh Phú Khánh, tỉnh tổ chức đoàn công tác đi nhận bàn giao. NS Hình Phước Long đang nằm viện, được Giám đốc Sở VHTT tỉnh Phú Khánh Cung Giũ Phú động viên viết một bài hát nữa về Trường Sa.

“Vượt trùng sóng biển khơi, em gặp anh giữa đảo, biết nói sao cho vơi, vẫn bên anh là đảo Sinh Tồn…” Ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn được ông đưa cho Anh Đào tập hát, ba ngày trước khi chị lên đường ra Trường Sa.

Sau khi viết hai bài hát hay về Trường Sa, đến năm 1984, NS Hình Phước Long mới được ra thăm quần đảo, chuyến thăm Trường Sa duy nhất của ông. Chuyến đi hơn ba tuần, đến tất cả 9 đảo nổi ta đóng quân khi đó. “Những điều tôi thấy ở Trường Sa đều rất giống với những gì tôi đã cảm nhận, đã viết”. NS Hình Phước Long kể.

Vừa đặt chân lên đảo đầu tiên là đảo Song Tử Tây ở cực Bắc quần đảo Trường Sa, tác giả Gần lắm Trường Sa đã được lính đảo vây kín. Xúc động trước tình cảm của họ, dù còn say sóng, NS ôm ghita đứng hát “Anh ơi có nghe lời người từ phố biển, khi ngọn triều dâng cao. Khi cánh hải âu về, khi nắng sang mùa, nơi đảo trúc san hô…”.

“Tôi đã sáng tác 16 ca khúc về Trường Sa, mỗi bài có cấu tứ riêng, cảm xúc riêng, bài nào cũng được viết bằng cả tâm hồn” - NS Hình Phước Long nói. Buổi chiều trên đảo Sơn Ca, ông thấy cả trăm người lính ngồi im lặng bên nhau ở bờ tây đảo, dõi mắt về đường chân trời. Họ ngóng về đất liền, về nơi có cha mẹ, vợ con, những người thân yêu nhất.

“Ôi, còn gì đẹp hơn những lúc hoàng hôn, cánh lính chúng tôi có già có trẻ, cùng nhìn về phương trời xa thầm gửi lòng mình theo cánh chim bay…” Ca khúc Tâm tình người lính Trường Sa, một trong những bài ưng ý nhất của Hình Phước Long được ông viết sau chuyến thăm Trường Sa.

Còn ngay trong chuyến đi đó, ông viết Tiếng hát đảo Sơn Ca: “Đảo Sơn Ca vắng tiếng sơn ca, chỉ có tiếng hát của những người chiến sĩ, anh bỗng trở thành loài chim quý, hát giữa đảo ngàn thay tiếng hót sơn ca…”

Bài hát Đêm trên đảo Thuyền Chài cũng được sáng tác từ kỷ niệm về chuyến đi. Chuyến đó, đoàn công tác của NS Hình Phước Long đưa một bia chủ quyền ra đảo chìm Thuyền Chài, hồi đó ta chưa đóng giữ. Khi ta đang đặt bia, có máy bay Mỹ bay lượn ở trên, nhưng công việc vẫn được tiến hành.

Nhạc sĩ Hình Phước Long
Nhạc sĩ Hình Phước Long.
 

Đêm xuống, mọi người nằm trên tàu, nghe chương trình dân ca qua radio. “Đêm trên đảo Thuyền Chài, nghe câu dân ca Nam bộ ơ hớ ớ hơ. Lòng nhớ về cánh đồng xanh quê ta…”

Nghỉ hưu năm 2009, năm 2010 NS Hình Phước Long viết bài hát Lung linh hồn biển. Bài hát nói về những đoàn tàu thả vòng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14-3-1988, trong đó có Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146. Một buổi chiều, NS Hình Phước Long gặp Trung tá Trần Đức Thông chạy xe máy trên đường Lê Thành Phương, Nha Trang.

Anh Thông xin lỗi NS, không ngồi cùng uống nước được, vì đang vội mua sắm vật dụng cho chuyến ra Gạc Ma. Chỉ ba ngày sau, Trung tá Trần Đức Thông hy sinh cùng nhiều đồng đội trên tàu HQ-604. “Tàu buông neo khơi xa, giữa một vùng biển sóng, thả một vòng hoa trắng, nhớ đồng đội hy sinh. Cả Trường Sa lung linh, sáng ngời lên sắc biển, phải anh vừa hiển hiện, cánh chim đảo nghiêng mình…” NS Hình Phước Long cất lời hát, mắt ngân ngấn nước.

Mái tóc bạc trắng, đang hồi phục sức khỏe sau một cơn tai biến, NS Hình Phước Long tâm sự, Trường Sa vẫn là đề tài sáng tác của ông. “Chưa biết bài hát mới sẽ được viết khi nào, nhưng sẽ có” - Ông nói.

Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh ngày 7-9-1950 tại xã Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các tác phẩm được giải:

- Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1984.

- Đêm Xoang Tây Nguyên giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1990.

- Vầng trăng nơi đảo xa, giải nhất cuộc thi sáng tác về Trường Sa năm 1997 của Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh; tặng thưởng giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1997.

Năm 1997, báo Văn Hóa phát hành tập bài hát Gần lắm Trường Sa, tập hợp 12 ca khúc của NS Hình Phước Long sáng tác về Trường Sa cho đến khi đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.