Trên thế giới dường như dòng văn học kỳ ảo siêu anh hùng, trường thiên huyền thoại vẫn đang ăn khách. Theo anh các nhà văn Việt Nam có nên đi theo hướng này để thu hút bạn đọc thiếu nhi?
Kỳ ảo chỉ là một trong những dòng chảy làm nên văn học thiếu nhi, dễ cuốn hút hơn các dòng khác. Thế nhưng nhìn lại Dế mèn phiêu lưu ký cũng chứa đựng đặc tính đó nhưng lại được “Việt hóa” một cách nhuần nhuyễn. Và chúng ta cảm thấy dòng văn học đó phổ biến một phần cũng vì chúng được dịch nhiều ở Việt Nam, nhiều khi sự hấp dẫn ở đây cũng nghiêng về thị trường nữa. Chứ văn học thiếu nhi thế giới đa dạng phong phú vô cùng.
Những tác phẩm văn học thiếu nhi mang tính hiện thực mang lại những giá trị nhân văn như kiểu Không gia đình (Hector Malot) hay Việt Nam cũng có những cuốn như Côi cút giữa cảnh đời (Ma Văn Kháng), Chú bé có tài mở khóa (Nguyễn Quang Thân), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)… có xu hướng ít dần. Ảnh: Thái An
Nhà văn Việt Nam thường bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền nên không chuyên tâm sáng tác. Chưa kể văn học thiếu nhi có vẻ cũng không mang lại nhiều danh tiếng như văn học cho người lớn, làm cho mảng sách này càng kém hấp dẫn?
Nói văn học thiếu nhi không mang lại danh tiếng cho nhà văn như các tác phẩm lớn viết về gia đình, xã hội, về chiến tranh hay về gì đó, tôi nghĩ là quan điểm sai lệch. Giá trị tác phẩm không phụ thuộc vào thể loại, đề tài mà phụ thuộc vào những vấn đề văn chương, tư tưởng được đặt trong cuốn sách đó.Nhưng quả thực nếu chúng ta cứ viết văn như một công việc tay trái, như một nghề phụ thì khó có thể tạo ra được một thế giới sách cho trẻ em đầy đủ và trọn vẹn hoặc cụ thể là một cuốn sách nhiều thế hệ trẻ em qua các thời kỳ đều say mê đọc.
Cũng phải chia sẻ, thông cảm với nhà văn Việt Nam phải kiếm sống, phải nghĩ về bao câu chuyện khác. Rất ít nhà văn có thể tự tin ngồi xuống và bắt đầu một cuộc chọn lựa nó như một hạnh phúc, như một sự nghiệp, để có thể dấn thân cả đời. Chính sự nửa vời đó là một lý do quan trọng dẫn đến chúng ta không có những ác phẩm viết cho trẻ em tầm cỡ.
Được biết anh đang có một số dự định ấp ủ cho văn học thiếu nhi lấy cảm hứng từ đứa cháu vừa ra đời. Có thể thời xưa không quay lại nhưng biết đâu đây lại là một trang mới của Nguyễn Quang Thiều?
Tôi vẫn tiếp tục viết những tác phẩm khác của mình, nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì câu hỏi đầu tiên: tôi sẽ chọn những cuốn sách gì cho cháu tôi sau này đọc. Và trong một thế giới cần cấp bách những cuốn sách hay, những cuốn sách đúng với trẻ em hơn, thì tốt hơn ai hết ngoài việc chọn sách, chính mình ngồi xuốn thực hiện điều đó cho những đứa cháu mình.
Tôi đề cương trong đầu bộ sách có 5 cuốn và cuốn đầu tiên đã ra mắt. Đầu tiên tôi chỉ nghĩ viết để sau này đọc cho cháu mình nghe. Mình giảng giải cho chúng, gắn kết chúng nó vào cuốn sách, cuốn sách gắn kết chúng nó với cuộc đời xung quanh. Nhưng NXB Trẻ đọc được bản thảo và họ đã xuất bản. Sau 2 tháng tôi có nhờ nhà sách mua giùm thì phải mất hai tuần họ mới gom lại được một số sách trong Sài Gòn. Và sắp tới có thể họ sẽ tái bản cuốn này.
Tôi vui mừng thêm một lần nhận ra chân lý từ xa xưa: Khi anh viết một cách chân thực nhất sâu sắc nhất cho một đứa trẻ nghĩa là anh đã viết cho rất nhiều đứa trẻ khác.
Tôi tâm đắc với phát biểu của anh mới đây: “Nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn tạo dựng được những vẻ đẹp tâm hồn, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên”… Điều này theo anh là thực sự nguy hiểm?
Đã bắt đầu xuất hiện những biểu hiện của việc đó. Có những đứa trẻ có thể nói say sưa về những câu chuyện, những nhân vật của thế giới với một nền văn hóa, phong tục khác biệt và những nhân vật đó đã đồng hành với đứa trẻ đó thật. Đó là những nhân vật trong các truyện tranh hay những truyện khác của nước ngoài xuất bản tại Việt Nam. Ở đó họ cũng giáo dục trẻ con rất nghiêm cẩn và những người chọn sách dịch cũng có ý thức chọn những cuốn hay, có tính giáo dục. Nhưng chúng giáo dục những vẻ đẹp những thông qua con đường của văn hóa khác, một cách nhìn khác, một đời sống thiên nhiên, cộng đồng khác… Trong khi chúng ta cần chúng phải lớn lên, đi đến cái đẹp thông qua con đường của nền văn hóa của ông bà tổ tiên chúng, trên mảnh đất chúng sống, từ thiên nhiên, ẩm thực, giọng nói, tiếng mẹ đẻ chúng quen thuộc.
Để khi lớn lên chạm vào cái đẹp đồng thời có gắn kết trở lại với nguồn cội. Nỗi sợ hãi cho những người làm giáo dục trên toàn thế giới là những đứa trẻ đó có thể thành người tốt, nhưng khi không có một nền văn hóa gốc bản địa anh sẽ dễ rơi vào tốt chung chung và đánh mất bản sắc con người, bản sắc tư duy, ngôn ngữ, tình cảm…
Đã có lần tôi hỏi các em học sinh là giữa Quang Trung và Quan Vân Trường bạn yêu ai hơn thì tất cả trả lời yêu Quan Vân Trường hơn(!) Họ rất yêu một nhân vật cũng rất trọng nghĩa, quả cảm, bất khuất… của một nền văn hóa khác cũng tốt thôi nhưng phải là sau khi đã hiểu biết đầy đủ về nhân vật lịch sử của Việt Nam cái đã. Lỗi này thuộc về các nhà viết sử, các nhà văn và những người thiết lập dựng lên hình ảnh của những nhân vật anh hùng của dân tộc ta.
Khi giải thưởng lên tới 10 vạn đô thì chất lượng tác phẩm sẽ rất khác. Trong khi giải thưởng văn học thiếu nhi vừa ra mắt- mang tên Dế Mèn mà anh là một thành viên giám khảo chưa thấy nói gì đến hiện kim, chỉ biết BTC còn đang phải tìm cách bán đấu giá tranh để lấy tiền tổ chức giải. Anh có thấy cám cảnh?
Rất nhiều quốc gia, giải thưởng văn học thiếu nhi nằm trong hệ thống chính sách của chính phủ. Mặc dù tổ chức giải Dế Mèn cũng là cơ quan nhà nước nhưng vẫn mang tính đơn lẻ, chưa trở thành một phần của một chiến lược.
Ở nước ngoài thì khác. Bởi một dân tộc muốn phát triển muốn có một hình ảnh công dân trong tương lai như mình mong muốn thì phải coi trọng hệ thống giáo dục trong đó có tác phẩm nghệ thuật cho thiếu nhi.
Đã là một chiến lược phải có sự tập trung đầu tư lớn. Tại sao chúng ta tập trung cho những việc khác với số lượng tiền khổng lồ mà ít quan tâm tới giáo dục thiếu nhi ở mọi hình thức: sách, công trình phúc lợi. Tại sao không có một kênh truyền hình cho thiếu nhi. Đó là nơi trẻ con tìm đến và tiếp nhận rất nhiều điều quan trọng.
Thế giới chắc cũng không có giải thưởng nào ôm đồm tất cả các loại hình nghệ thuật bao gồm cả trò chơi điện tử như Dế Mèn?
Đó là tất cả các phương tiện mà trẻ em có thể tiếp xúc. Nhưng lâu nay thế giới vẫn tập trung vào là sách và phim. Việc mở rộng phạm vi xét giải như là giăng lưới kín các phương diện mà trẻ em tiếp xúc cũng là một ý kiến rất hay. Nhưng liệu chúng ta đã đủ sức để làm tất cả những điều đó một cách ổn thỏa? Về game, nhà tổ chức cũng giải thích cũng có lý là không thể tránh được việc trẻ em sử dụng công nghệ để giải trí và họ làm những game có ý nghĩa để đón đường trẻ em.
Nhưng cái này cũng là con dao hai lưỡi. Anh có thể làm hay hơn tất cả các game khác để cạnh tranh không. Một điều nữa phải hết sức cảnh giác, đôi khi chúng vào thế giới game được giải thưởng khuyến khích (kiểu “các phụ huynh hãy nhớ game của chúng tôi hàm chứa những điều tốt đẹp, giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, tâm hồn trẻ con”) thì có khi lại thành cái cớ để dẫn sang những game khác vô bổ, bạo lực, những trò nhảm nhí thậm chí đồi bại có ảnh hưởng đến trẻ em, thì tôi nghĩ phải cân nhắc vô cùng.
Cảm ơn anh.