Chủ đầu tư nản
Tại dự án nhà thu nhập thấp ở Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) do hai chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 5 (Handico 5) và số 3 (Handico 3), với tổng số 840 căn hộ chia đều cho 2 chủ đầu tư, khách hàng đến đóng tiền chiếm 1/3 tổng số căn hộ.
Tại dự án Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) do Tổng Cty Viglacera làm chủ đầu tư với 946 căn hộ , dù đã chào bán đến lần thứ 4, mới chỉ có 609 khách hàng đến ký hợp đồng mua.
Nhà TNT Kiến Hưng có 864 căn dù đã bán hết nhưng đến nay nhiều khách hàng đang xin rút lại tiền và hồ sơ. Còn dự án tại Đại Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với 124 căn đang trong giai đoán bốc thăm bán nhà đợt 1.
Ngoài ra, tại dự án nhà TNT ở Huế do Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư chỉ bán được 100/356 căn.
Ông Trần Văn Can - Giám đốc Handico 5, cho biết: “Hiện trong giai đoạn đóng tiền đợt 2 nhưng nhiều khách hàng biện đủ lý do, nào là người nhà mới mất, họ hàng bệnh tật, ốm đau không chịu đến đóng tiền. Hiện số tiền của chúng tôi thu được từ khách hàng chẳng đáng là bao trong khi dự án vẫy phải triển khai. Nếu cứ tiếp tục thế này thì chúng tôi không biết tìm đâu ra vốn làm tiếp”.
Ông Lê Ngọc Ước - Phó Giám đốc Tổng Cty Viglacera, chia sẻ: “Là đơn vị của Tập đoàn xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, chúng tôi rất tâm huyết với dự án nhà TNT ngay từ đầu vì đây là chương trình an sinh xã hội. Ngay từ khi triển khai dự án, chúng tôi đã nghiên cứu tìm các giải pháp để giảm giá thành đầu tư xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình, công năng sử dụng, đảm bảo mĩ quan và tiện nghi căn hộ”.
Tại dự án Đặng Xá và Đại Mỗ do Viglacera làm chủ đầu tư đang áp dụng một số giải pháp về công nghệ mới trong xây dựng như: Dùng cọc dự ứng lực làm móng, dùng toàn bộ gạch xây bê tông khí nhẹ để giảm tải trọng toà nhà. Mặt khác, tận dụng tối đa thế mạnh của Tổng Cty ốp lát, thiết bị vệ sinh, nhốm, kính dùng cho nhà TNT, các bộ sản phẩm vật liệu được cung cấp trực tiếp từ nhà máy đến công trình giảm chi phí trung gian tạo ra sản phẩm với giá thành rẻ nhất.
“Hiện với cả 2 dự án chúng tôi đều phải đi vay ngân hàng với lãi suất trên 20%/năm. Khi chính sách nhà TNT đưa ra, chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển (VDB) nhưng chúng tôi chỉ được giải ngân 80,5 tỷ, trong khi dự án đã đầu tư khoảng 240 tỷ, chủ đầu tư đã chi cho các nhà thầu 222,2 tỷ. Nếu cứ tính lãi ngân hàng thì chúng tôi chẳng còn tý lãi nào” - ông Ước nói.
'Nên mở rộng đối tượng, trợ cấp vốn'
Ông Trần Văn Nguyên – Phó Giám đốc Handico 3 cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị UBND TP Hà Nội gỡ khó bằng cách mở rộng đối tượng được mua, vì nhiều người thuộc diện KT3 có nhu cầu và khả năng tài chính mua nhà TNT, nhưng đã qua 4 tháng, chính quyền thành phố chưa có ý kiến gì".
Theo ông Lê Ngọc Ước, hiện nhiều khách hàng đã đăng ký mua nhà TNT tại Đặng Xá đang gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ khả năng tài chính. Khách hàng mua nhà dự án TNT không vay được tiền của ngân hàng để thực hiện hợp đồng mua bán, vì không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập cá nhân để đảm bảo trả nợ. Phía ngân hàng phải xem xét hỗ trợ cho chính khách hàng, may ra chúng tôi mới thu được tiền.
Là chủ đầu tư duy nhất hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khách hàng mua nhà TNT tại TP Đà Nẵng, ông Trần Xuân Hiền - Phó Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland cho rằng, khi làm nhà TNT chúng tôi đặt lợi ích khách hàng lên đầu tiên, nhà TNT tại Đà Nẵng là dự án đầu tiên trên cả nước, khách hàng rất ủng hộ chúng tôi. Hiện chúng tôi đang triển khai bán nhà tại Huế nhưng hiện đang gặp khó khăn khi khách hàng dù rất tha thiết với nhà TNT nhưng lại không đủ khả năng tài chính, dù giá nhà TNT tại Huế là 6 triệu/m2.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức cho khách hàng bằng khả năng của mình nhưng điều quan trọng nhất là phía ngân hàng nên mở rộng cánh cửa cho nhiều người nghèo có cơ hội mua nhà”, ông Hiền nói.