Ngày Thơ không diễn ra làm bạn thấy thiếu vắng?
Bình Nguyên Trang: Không có Ngày Thơ cũng mất đi một chút không khí đầu Xuân. Hoạt động ngày thơ cho ta thấy gương mặt, vị trí của thơ ca Việt ít nhiều. Nó còn quan trọng hơn với người làm thơ trẻ, là một dịp để giới thiệu những gương mặt mới, giọng thơ mới. Mặc dù mạng xã hội phát triển, nhà thơ cũng có nhiều cách để đưa thơ vào đời sống nhưng vẫn cần những cuộc gặp gỡ trực tiếp để nhà thơ và độc giả gần nhau hơn.
Nguyễn Phong Việt: Trước giờ tôi không tham gia các hoạt động Ngày Thơ. Vài lần cũng được mời nhưng có lẽ tôi không phù hợp. Những hoạt động đó cũng cần thiết, cũng là nét văn hóa của người Việt mình vào Rằm Nguyên tiêu.
Đại dịch ảnh hưởng gì đến bạn trong tư cách nhà thơ?
Bình Nguyên Trang: Giãn cách cho tôi nhiều thời gian dành cho thơ ca hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn, nhìn sâu vào đời sống của chính mình. Và thậm chí đi tìm những câu trả lời lớn hơn cho thơ ca. Thơ ca có phải là những câu chuyện của cá nhân không hay còn là những suy ngẫm lớn hơn về con người, về nhân loại, về cái còn/mất, cái vô thường của đời sống. COVID-19 dạy chúng ta những bài học. Từ đó con người trở nên có chiều sâu hơn, và thi ca cũng thế.
Nguyễn Phong Việt: Thời kỳ phong tỏa không quá ảnh hưởng đến tôi vì tôi làm tự do ở nhà đã quen, nhưng nhìn xung quanh rõ ràng sự tác động của đại dịch rất lớn. Mọi người bị mất sự tương tác với xã hội, với cuộc sống thường ngày. Tôi nhìn thấy nhiều thứ trưởng thành và thay đổi trong mình. Một trong thứ quan trọng nhất là ý thức tự tạo niềm vui cho mình. Việc tự xây dựng giá trị cho mình tôi đã tiến hành từ trước. Đại dịch xuất hiện chỉ đơn giản thúc đẩy mọi thứ phát triển nhanh hơn, củng cố nhận thức đấy mạnh hơn thôi.
Thời gian qua tôi dành để đọc, xem và lắng nghe bản thân. Không bước ra ngoài cuộc sống như trước đại dịch thì tôi bước vào trong con người mình, thay đổi những gì lâu nay tôi loay hoay chưa tìm ra giải pháp. Thời gian đó tôi biết làm cho trở nên có giá trị thay vì than trách, đổ lỗi cho những biến cố bất ngờ của cuộc sống.
Bạn có nghi thức gì khai bút đầu Xuân?
Bình Nguyên Trang: Tôi có thể viết trong bất cứ không gian, thời điểm nào, miễn khi đó một điều gì đó đầy lên trong mình. Khi còn trẻ, mình cũng gán cho thơ một số gánh nặng, tự mình ôm lấy một số nghĩa vụ trách nhiệm. Nhưng càng lúc càng thấy việc làm thơ có thể mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc hơn một chút ngoài ra chẳng khác gì việc làm báo, đi chợ, cắm hoa, nấu ăn hay đón con...
Càng lúc việc làm thơ của tôi càng không ảo tưởng. Chỉ là câu chuyện cá nhân. Tôi chưa biết bài thơ mang lại sức mạnh cho ai, truyền đến điều gì, nhưng với tôi nó có vẻ đẹp như sự an ủi, trò chuyện với chính con người sâu thẳm của mình đã là đủ rồi. Tôi không hướng ra ngoài quá nhiều khi viết một bài thơ. Tôi cũng không quan sát ngoài kia mọi người cần mình phải viết thế nào, với sứ mệnh gì…
Thơ như người bạn vô hình cho mình trò chuyện. Sứ mệnh của thơ ca chính trong sự vô hình đấy. Đừng ảo tưởng thơ ca thay đổi thế giới. Dĩ nhiên có thơ cuộc đời sẽ đẹp hơn. Với điều kiện thơ phải đủ đẹp. Có những thứ thơ làm cho chúng ta cảm thấy cuộc đời tăm tối hơn, rắc rối hơn. Việc sáng tạo nói chung và thơ ca nói riêng hãy để cho tự nhiên, nhẹ nhàng. Như bông hoa cần phải nở ra. Còn mùi hương lan tỏa đến đâu hoặc nó tô điểm được đến đâu cho cuộc sống lại là chuyện của cuộc sống, của người đọc.
Nguyễn Phong Việt: Tôi không quan trọng việc đó. Tôi cũng hay được một số anh chị ưu ái đặt viết bài cho báo Tết. Những bài viết đó khi xuất hiện cũng là cách khởi đầu năm mới của tôi. Tôi rất thích mùa Xuân, ngày Tết. Đây là thời điểm sum họp gia đình, chúng ta nhìn lại nhau, ngồi xuống với nhau để sau đó khi đứng dậy như được trang bị thêm bản lĩnh, yêu thương đủ đầy để 365 ngày sắp tới có thể tự tin mạnh mẽ bước qua dẫu có thử thách, biến cố. Ngày Thơ cũng là nghi lễ cho các nhà thơ có dịp gặp nhau để chia sẻ những giá trị văn thơ của mình, cùng hướng vào một năm mới tốt đẹp hơn.
Bạn nghĩ sao về trình diễn thơ, một đặc sản của Ngày Thơ?
Bình Nguyên Trang: Thời U30, hầu như năm nào tôi cũng tham gia sân thơ trẻ, đọc thơ, trình diễn. Đến khi tuổi mình khá khá, tự nhiên nhu cầu đọc thơ nơi đông người không còn nhiều. Có nhiều hình thức để đưa thơ và đời sống. Khi còn trẻ, mình tò mò háo hức hơn và cũng muốn thử nghiệm. Cũng muốn thơ xảy ra trong các không gian khác nhau xem thế nào. Đúng là nó có vẻ đẹp khác. Bài thơ được trình diễn khác với khi mình đọc. Về thị giác có vẻ hấp dẫn hơn nhất là với khán giả trẻ.
Khung cảnh náo nhiệt của Ngày thơ 2016 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội ảnh: N.M.Hà |
Đến giờ tôi thấy việc trình diễn thơ còn tùy vào loại thơ, nội dung bài thơ. Chứ không phải bài nào khi trình diễn cũng hấp dẫn hơn. Có những bài chỉ cần vang lên với ngôn ngữ của nó là quá đủ. Tùy đối tượng thưởng thức nữa. Tôi cho rằng thơ cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nên tìm nhiều cách để đến với công chúng, có thể chấp nhận nhiều hình thức. Cuộc sống muôn màu mà. Cũng chả nên giới hạn trong một hình thức nào. Với riêng tôi thơ cuối cùng vẫn là thể loại tinh túy cần đi tìm bạn đọc tri kỷ. Tôi cảm giác những tri kỷ của mình sẽ đọc thầm, một mình trong yên tĩnh.
Nguyễn Phong Việt: Đó là xu hướng tích cực, phù hợp với các bạn trẻ bây giờ. Vì lâu nay mọi người nghĩ thơ dành cho người lớn tuổi, nội tâm, sâu sắc. Nhưng đời sống thơ khi được tiếp nối sẽ có cách truyền tải khác phù hợp hơn với nhu cầu tiếp nhận của bạn trẻ hôm nay. Dù hình thức nào đi chăng nữa, thậm chí trong tương lai các bạn trẻ còn nghĩ ra các hình thức khác giúp cho thơ đa dạng góc nhìn, góc tiếp cận, tôi đều ủng hộ. Vì tôi thích sự cởi mở, không thích bảo thủ, bó buộc, nguyên tắc. Đương nhiên khi làm cái gì mới sẽ có dư luận trái chiều và thường không được một số người thế hệ trước tiếp nhận. Nhưng cái gì muốn cũ thì phải mới trước đã. Muốn trở nên quen thuộc, hấp dẫn thì có thể trước đó nó phải sai đã. Dần dần trong quá trình thử mới tìm ra cái phù hợp nhất. Không có chuyện cái mới lập tức được tung hô, ủng hộ.
Trước giờ tôi chưa hình dung sẽ mang thơ mình lên trình diễn. Tôi không đặt nặng thơ ca của mình phải như thế nào. Với tôi thơ ca là một phần chứ không đại diện cho con người tôi. Tôi còn nhiều công việc khác. Đương nhiên tôi không xem nó là cuộc chơi nghiệp dư.
“Với riêng tôi thơ cuối cùng vẫn là thể loại tinh túy cần đi tìm bạn đọc tri kỷ. Tôi cảm giác những tri kỷ của mình sẽ đọc thầm, một mình trong yên tĩnh”.
Bình Nguyên Trang
“So với các loại hình nghệ thuật khác, thơ cần sự thấu cảm, chiêm nghiệm, lắng đọng của riêng từng người đọc. Mong muốn của tôi là tất cả những người làm thơ sẽ có thể bán được tác phẩm. Dù tôi biết ở Việt Nam nhà văn sống được bằng văn đã rất hiếm hoi đừng nói nhà thơ. Còn lại mọi người cứ xem nó là niềm vui, đam mê để đi tiếp chứ đừng nên mưu cầu gì. Chính tôi dù nghĩ mình được Tổ đãi, nhưng cũng không sống bằng thơ”. Nguyễn Phong Việt
Vẫn cần những không gian hằng tuần hằng tháng để nhà thơ có thể đọc thơ đúng nghĩa, tiếp cận bạn đọc, chứ Ngày Thơ dù sao cũng thiên về phô diễn và có phần xô bồ?
Bình Nguyên Trang: Cần chứ. Ngày Xuân, rất nhiều người đến Văn Miếu với nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, nhà thơ chưa chắc đã tìm được bạn đọc tri kỷ của mình trong một cuộc đông đảo như thế. Vẫn cần những không gian riêng phù hợp với từng người thơ, từng dòng thơ.
Hiện nay có quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn. Trong khi các nhà thơ vẫn còn e dè ở một góc nào đấy, hay cũng giống như tôi vẫn nghĩ thơ của mình để đọc thầm. Nhưng nếu dụng công thì cũng vẫn có thể bày ra không gian cho những người thích đọc thầm thơ.
Nguyễn Phong Việt: Tôi may mắn có một vài fanpage trên đó không chỉ mình tôi mà còn vài fan làm quản trị giúp đăng thơ của tôi lai rai vài ngày một bài. Qua đó tôi cũng thấy được cách mọi người quan tâm, nhìn nhận giá trị thơ mình với cuộc sống của họ. Ngoài ra tôi chưa nghĩ đến việc mở thêm những không gian khác cho thơ mình. So với các loại hình nghệ thuật khác, thơ cần sự thấu cảm, chiêm nghiệm, lắng đọng của riêng từng người đọc. Mong muốn của tôi là tất cả những người làm thơ sẽ có thể bán được tác phẩm. Dù tôi biết ở Việt Nam nhà văn sống được bằng văn đã rất hiếm hoi đừng nói nhà thơ. Còn lại mọi người cứ xem nó là niềm vui, đam mê để đi tiếp chứ đừng nên mưu cầu gì. Chính tôi dù nghĩ mình được Tổ đãi, nhưng cũng không sống bằng thơ.
Bạn nhìn nhận thế nào về hoạt động của các hội nhóm văn thơ?
Bình Nguyên Trang: Bên cạnh Hội Nhà văn, cũng có nhiều nhóm tự phát nhưng hoạt động khá chuyên nghiệp, cũng thu hút người viết. Ở đó họ tự do hơn, không mang áp lực, viết phóng khoáng, thoải mái. Cũng còn nhiều điều để nói nhưng những nơi ấy là sân chơi cho tất cả những ai yêu thơ. Trong một hoàn cảnh bung nở như thế, hoa cỏ lẫn nhau không thể tránh được. Nhưng có hề gì, cuộc sống chọn lọc tự nhiên, cái đẹp, cái tài nếu có sẽ tự hiển lộ. Mình cứ ghé chọn cái gì hay thì đọc, không thì mọi thứ cũng trôi qua mình như những điều khác trong cuộc sống. Có gì đâu phải nặng nề.
Nguyễn Phong Việt: Tôi thì thoải mái, ở hội nào, thuộc nhóm nào không quá quan trọng. Cuối cùng vẫn là lao động của tôi trên trang viết và độc giả của tôi quyết định con đường sáng tạo của tôi. Nếu tôi làm ra tác phẩm mà người ta không thích, không mua thì dù tôi là hội viên của hội nào đi nữa cũng vô giá trị. Tự thân tôi đứng một mình và bán được tác phẩm và độc giả cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra là giá trị mà tôi mong muốn đạt được lớn nhất từ việc sáng tác. Sáng tác với tôi là cái duyên trong đời, có thể đến lúc nào đó tôi ngừng viết. Tôi cũng không quá nặng nợ chuyện đó. Tôi coi viết là một sứ mệnh nhỏ nhoi trong đời mình. Thơ văn là việc tôi phải làm cùng nhiều việc khác. Con người không thể lúc nào cũng ở trong phong độ sáng tác tuyệt vời được. Có những lúc tôi phải nạp năng lượng, sẽ có lúc tôi phải dừng lại hay bất động. Giờ tôi làm gì cũng vì vui. Nếu không vui thì tôi không làm nữa.
Hãy sống và hy vọng là chủ đề Ngày Thơ diễn ra tại Ban Mê Thuột năm nay ảnh: nguyễn thảo |